7. Cấu trúc khoá luận
3.2. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại
Khảo sát trong tiểu thuyết Phố của Chu Lai, chúng tôi thấy một điều: ngôn ngữ nhân vật thường có tính đối thoại và thông qua những mẫu đối thoại đó mà tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nhất, qua đó còn thể hiện nội dung tư tưởng của nhà văn.
Ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống, cá tính của nhân vật. Trong tác phẩm, nhà văn có thể cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách: nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời phát âm đặc biệt của nhân vật, cho nhân vật lặp những từ, các nhân vật nhân vật thích nói kể cả từ ngoại quốc và từ địa phương.
Ngôn ngữ đối thoại được hiểu là một kiểu ngôn ngữ và nó còn là một phương tiện nghệ thuật để truyền tải nội dung của tác phẩm, ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nhờ đối thoại mà tính cách nhân vật được hiện lên rõ nét. Thông qua những mấu đối thoại của nhân vật, Chu Lai cho ta thấy được những nét cá tính riêng của nhân vật, nó có tác dụng cá thể hóa nhân vật. Mỗi nhân vật một giọng điệu, một cách nói, ngôn ngữ của người tốt khác, ngôn ngữ của kẻ xấu khác, ngôn ngữ của người nóng tính khác ngôn ngữ của người trầm tính, ngôn ngữ của người trên khác ngôn ngữ của kẻ dưới. Mỗi nhân vật của mình, Chu Lai cho ta thấy ngôn ngữ riêng của họ qua đó mà phát hiện tính cách của từng người.
Nhân vật Dũng ăn nói bỗ bã tương ứng với tính cách mạnh mẽ, phong trần, dạn dĩ ngạo đời: “đừng quá chú ý đến bộ quân phục len dạ trên người tớ. Giới thiệu nhé: Dũng, Đặng Tấn Dũng, chín năm tù giam vì tội hành hung trấn cướp trên suốt đoạn đường sắt Hà Nội – Lào Cai mới mãn hạn về, nay đang tập làm một thằng người lương thiện… vốn đã có ba tháng là lính tiền điều… rồi sau đó là bùng vì đếch chịu được đói” [7, 93]
Hay như nhân vật Trọng Bình gây ấn tượng với câu nói cửa miệng quen thuộc du dương nửa nam nửa nữ như người bán băng phiến dạo của anh: “tuyệt
vời! thậm chí trên cả tuyệt vời”. hoặc câu nói của chị hàng nước cũng mang một sắc thái riêng của một người thật thà, nhân hậu: “ cái nhà cậu này cũng tội” [7,47] Trong tác phẩm Ăn mày dĩ vãng xuất hiện một số nhân vật thể hiện ngôn ngữ riêng của mình, thể hiện cá tính rõ rệt. Nhân vật Ba Thành là một nhân vật như vậy. Ba Thành có thứ ngôn ngữ suồng sã, tự nhiên đậm chất Nam Bộ, thể hiện anh là một con người thẳng thắn, giàu tình cảm: “Tóm lại, đi suốt đêm, sáu giờ sáng bọn tao mới đi tới đây. Kéo luôn tới sở nông lâm tìm mày. Một con nhỏ mông núng nính bảo mày đã đi rồi và nghe đâu trước khi đi mày còn cho thằng chó to con nào đó rớt ba cái răng xuống đất thì phải. Ngon! Phải vậy chớ! Thỉnh thoảng phải vung tay vài cái cho chảy máu, cho mấy thằng ăn cháo đái bát ngày hôm nay đừng quên nhờ ai mà chúng trơn lông, đỏ da như thế. Ngứa mồm bọn tao hỏi thăm mụ giám đốc luôn… nhưng giám đốc cũng kệ cha hắn còn khuya.”. [1,275]
Cũng trong tác phẩm Ba lần và một lần, Năm Thành hiện lên là một kẻ tàn nhẫn, dẫm đạp lên tất cả mọi thứ chỉ vì đồng tiền và quyền lực. Hắn hiện lên bằng một thứ ngôn ngữ lạnh lùng “Đây là cái giá phải trả cho sự ngu si cuồng tín suốt đời của mày, người đồng chí ạ! Khốn khổ cái thân mày, trong khi mày cứ đi mụ mị theo đuổi những cái cao siêu đâu đâu thì người đồng chí của mày thức thời hơn, đã kịp hiến tạo cho mình một cơ sở quá ư là dễ chịu rồi, thậm chí còn dư thừa nữa là khác. Thật đáng thương!...đúng không?” [2,372]. Qua ngôn ngữ của mình, hắn bộc lộ bản chất một cách trơ tráo, ô trọc lẫn vào hàng ngũ những người lính trở về từ chiến tranh: “Tiền chính là quyền lực trên quyền lực, không có quyền lực chính trị thì phải có thứ quyền lực khuynh loát được cả chính trị là đồng tiền chứ sao. Hơn nữa, quyền lực chính trị nay có mai không còn quyền lực của đồng tiền là bất biến” [2, 229]
Ngôn ngữ của Sáu Nguyện thể hiện một con người có tính cách thẳng thắn trước sau như một, luôn nâng niu, trân trọng những giá trị thiêng liêng còn Năm Thành với thứ ngôn ngữ của mình hiện lên là một kẻ phản trắc lu mờ trước thế lực đen tối.
Qua cuộc đối thoại thẳng thắn giữa hai chị em Thảo và Loan, người đọc cảm nhận thấy ở Loan – một cô gái có cá tính, thông minh, sắc xảo với những nhận xét tinh tế sâu sắc và đầy góc cạnh trong cách nhìn nhận đánh giá con người. Còn ở Thảo là sự lo lắng và đau khổ :
- Chị Thảo, còn hai chị em, giờ ta nói chuyện theo kiểu …cách đàn bà với nhau. Thảo mở mắt to, hơi co người lại
- Kìa Loan… đừng làm chị sợ, có chuyện gì thế ?
- Chị yêu lão Hùng phải không ?
Mặt thảo thoắt nhợt đi rồi ngay liền đó lại đỏ lựng. Chị nói lí nhí tránh không dám nhìn vào đôi mắt long lanh của em
- Loan … chị biết rồi thế nào em cũng hỏi chị điều này. Đàn bà chúng mình khi vướng vào, đâu có giấu được ai… đã nhiều lần chị định nói với em nhưng chị sợ…
- Tại sao chị yêu lão ấy ? – giọng Loan vẫn lạnh tanh
- Chị… chị cũng không biết nữa, có lẽ tại vì… mà sao ba năm trời ở bên đó, va chạm biết bao nhiêu là cạm bẫy mà chị vẫn giữ được ? vậy mà mới trở về có…
- Chả có gì là vậy hết. Nín nhịn ở bên đó để về bên này chị hụt hơi, đúng không ?
- Thôi xin cô đừng nói nữa.
- Nói tí ti nữa thôi, không lại bảo chị em lúc gặp trắc trở lại bỏ nhau, em hỏi tiếp chị đừng phật lòng nhé : có phải chị thực sự chán anh Nam rồi không ?
- Không
- Và mỗi lần phải chung đụng với anh ấy là mỗi lần chị cảm thấy như bị tra tấn chứ gì ?
- Kìa cô… sao cô lại có thể nói năng…
- Tại chị dạy cho em đấy. Theo em nghĩ, có lẽ anh anh Nam đã biết hết cả rồi, dù chả biết cái gì thật cụ thể nhưng do quá thương chị và nể chị nên anh ấy chỉ cắn răng im lặng…[7, 309-310]
Qua cuộc đối thoại gay gắt và quyết liệt của Loan và Thảo ta nhận ra rằng sự trượt ngã trong phẩm chất người lính đã khiến Thảo thừa nhận sự thay đổi trong tình yêu đối với người chồng.
Các tuyến đối thoại của các nhân vật đan xen nhau làm rõ suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật, qua đó bằng thủ thuật này, nội dung tư tưởng của tác phẩm được hiện lên rõ ràng hơn.Trong tiểu thuyết Chu Lai, ngôn ngữ nhân vật được nhà văn thể hiện ở những mẩu đối thoại giữa các nhân vật, qua đó nhà văn thể hiện dụng ý nghệ thuật của mình. Những mẩu đối thoại giữa các nhân vật cho ta thấy được một phần nào đó tính cách của họ. Ngôn ngữ đối thoại trong các tiểu thuyết của Chu Lai giúp cá thể hóa nhân vật, mỗi nhân vật xuất hiện với một thứ ngôn ngữ riêng không thể nào trộn lẫn được. Việc thể hiện nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại được Chu Lai sử dụng khá nhiều trong các tác phẩm của mình, việc thể hiện một dụng công nghệ thuật độc đáo của nhà văn cho ta thấy người lính hiện lạc pha chút bụi bặm thể hiện chất lính rất rõ, thẳng thắn, cương trực và một chút nóng nảy. Đối với những người lính con người thế nào thì ngôn ngữ là vậy.
Tóm lại ngôn ngữ nhân vật với sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ đối thoại, nhà văn Chu Lai đã cho ta thấy được hình ảnh người lính hiện lên một cách toàn vẹn, được soi chiếu ở mọi góc độ. Qua ngôn ngữ, nhân vật bộc lộ tính cách rõ nhất, khách quan nhất. Mỗi nhân vật một tính cách, mỗi tính cách một ngôn ngữ, điều này cho ta thấy Chu Lai là một nhà văn tài ba có biệt tài trong xây dựng nhân vật. Nhân vật của ông hiện lên với đầy đủ góc cạnh, từ ngoại hình tính cách đến ngôn ngữ.