3.2.1. Đối với công tác thẩm định.
Thẩm định là khâu quan trọng để giúp ngân hàng đưa ra các quyết định đầu tư một cách chính xác, từ đó nâng cao được chất lượng của các khoản vay, hạn chế nợ quá hạn phát sinh, đảm bảo hiệu quả tín dụng vững chắc. Tùy thuộc vào từng loại khách hàng và dự án, phương án cụ thể mà khi thẩm định, cán bộ tín dụng cần vận dụng, xem xét linh hoạt các quy định trong qui trình thẩm định nhưng phải tuân thủ chặc chẽ các vấn đề thuộc về nguyên tắc, tránh thẩm định tùy tiện, sơ sài hoặc không chính xác, từ đó nâng cao được chất lượng hiệu quả của công tác thẩm định, tái thẩm định. Thường xuyên cập nhật các thông tin về kinh tế - kỹ thuật, các thông tin dự báo phát triển của các ngành, giá cả thị trường, các loại sản phẩm…để phục vụ cho công tác thẩm định và ra quyết định cho vay.
Còn một công cụ nữa là CIC (Credit Information Center - Trung tâm thông tin tín dụng), ngân hàng gửi yêu cầu cho trung tâm để được nhận thông tin, các báo cáo về tình hình hiện tại của khách hàng. Vì một khách hàng thường không chỉ vay tại một Ngân hàng mà còn có dư nợ ở các Ngân hàng khác. Cho nên Ngân hàng phải thường xuyên, định kỳ tra cứu thông tin của khách hàng (tổng dư nợ của khách hàng này là bao nhiêu, đang quan hệ tín dụng với bao nhiêu Ngân hàng…) để có các chính sách, hướng xử lý phù hợp.
Cần tăng cường rà soát, đánh giá lại khách hàng theo mức độ tín nhiệm, hiệu quả sản xuất kinh doanh, xu hướng phát triển ngành hàng, kiểm tra lại toàn bộ tài sản đảm bảo, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các rủi ro mới có thể phát sinh.
Khách hàng khi vay ở Ngân hàng thì bắt buộc phải mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại chi nhánh. Ngoài ra, doanh thu chuyển về tài khoản của khách hàng phải tương ứng với khoản tiền mà Ngân hàng tài trợ để Ngân hàng quản lý được khách hàng, nắm bắt thông tin thực tế. Ví dụ: trong một năm, Ngân hàng phát vay cho khách hàng A là 10 tỷ thì số tiền, doanh số về tài khoản của A phải ít nhất 10 tỷ.
Thực hiện rà soát, đánh giá tình hình nợ, định kỳ phân loại để nắm rõ thực trạng dư nợ tín dụng. Rà soát, quản lý danh mục tín dụng của ngân hàng để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra.
Định kỳ theo quý, Ngân hàng yêu cầu khách hàng lập các báo cáo tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh nhưng vẫn phải xem xét dựa trên tình hình thực tế tại vì hồ sơ sổ sách đôi khi cũng không chính xác mà nhân viên tín dụng thông qua các mối quan hệ, thu thập thông tin từ các khách hàng khác để biết được tình hình, năng lực thực tế như thế nào để có thể định hướng, phát triển, duy trì hay thoái lui. Tài sản đảm bảo cũng vậy, chi nhánh cũng phải định kỳ đánh giá lại.