Ngay từ xa xưa tính cộng đồng, làng xã, tình làng nghĩa xóm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau đã mang đặc trưng rõ nét của truyền thống giá trị văn hóa, niềm tin, tính cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm vì các công việc chung. Đó là những giá trị cơ bản của "xã hội dân sự" đã tồn tại hàng nghìn năm ở nước ta.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống lâu đời đấu tranh chống ngoại xâm xuất phát từ vị trí địa lý - chính trị của đất nước.
Kinh nghiệm của các cuộc trường kỳ kháng chiến đã tác động tới bản sắc dân tộc của người Việt Nam, và cũng tác động đến các cộng đồng làng xã, và do các cuộc kháng chiến này mà các cộng đồng làng xã đã ít phụ thuộc vào Nhà nước hơn so với các quốc gia láng giềng. Các nhà sử học và các học giả Việt Nam đã nhận ra truyền thống dân chủ xuất hiện từ trong các cộng đồng làng xã.... Trước đây, trong thời kỳ chịu ách đô hộ thực dân, đế quốc, các cộng đồng làng xã thường tìm (hướng) đến một sự thống nhất ở cấp cơ sở hơn, bởi vì những người đứng đầu cũng nằm trong số người bị áp bức và không muốn làm tổn hại đến các truyền thống dân chủ ở làng xã [32, tr. 1].
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, khi Đảng Cộng sản liên minh với nhiều Tổ chức quần chúng trong Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền, và đặc biệt sau khi ký Hiệp định Geneva năm 1954 và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa diễn ra rộng khắp ở miền Bắc, Việt Nam đã tiến hành xây dựng
một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thành lập các hợp tác xã ở nông thôn và các công ty quốc doanh trong các ngành chế tạo máy móc và thương mại. Tại miền Nam, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa được bắt đầu sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975. Tại miền Nam, các tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn và Hội nông dân, và các tổ chức nghề nghiệp và văn hóa rất nhiệt tình thực hiện hoạt động vì mục đích cộng đồng và xã hội một cách sâu rộng.
Cho đến cuối thập kỷ 70, đất nước ta đối mặt với tình hình chính trị và kinh tế hết sức khó khăn. Nhu cầu cho một sự đổi mới đã trở lên hết sức cấp thiết. Công cuộc đổi mới chính thức được thực hiện vào năm 1986 là mốc đánh dấu việc bắt đầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Cuộc cải cách này được thúc đẩy mạnh mẽ cho đến cuối thập kỷ 80 và sự sụp đổ của các chế độ ở Đông Âu đã tạo ra sức ép cho Việt Nam cải cách nhanh hơn nữa và tìm kiếm các đồng minh quốc tế mới. Do vậy, nền kinh tế đã mở cửa cho cuộc cải cách khu vực hợp tác xã từ cuối thập kỷ 80, khuyến khích kinh tế hộ gia đình, mở cửa cho thành phần tư nhân, đầu tư nước ngoài, cải cách các tổ chức kinh tế và tài chính, và hợp tác với nước ngoài vào đầu thập kỷ 90. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa kỳ vào năm 1995 có tầm quan trọng cho nhiều nước phương tây khác hợp tác với Việt Nam, cộng đồng tài trợ và các công ty nước ngoài đã phát triển nhanh chóng.
Thập kỷ 90 đã chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế Việt Nam cho dù xuất phát điểm từ mức rất thấp. Hiến pháp năm 1992 đã được thông qua mở đường cho công cuộc cải cách nhằm phát triển "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Việt Nam đã đi theo con đường hội nhập với thế giới và nhấn mạnh đến các yếu tố thị trường, các luật lệ pháp lý, giảm nghèo và cải cách hệ thống hành chính.
Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới năm 2007. Một sự kiện được coi là bước phát triển mới của đất nước. Trước đây, xã hội
còn có một số giới hạn khi tiếp xúc với các nền kinh tế, văn hóa và xã hội bên ngoài, tuy nhiên, việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới đã mở ra những cánh cửa cho sự giao lưu kinh tế, văn hóa và xã hội với các quốc gia trên toàn thế giới.
Xã hội dân sự có lẽ là môi trường phản ánh rõ nét nhất những thay đổi của nhà nước, nền kinh tế, cuộc sống mỗi gia đình và mỗi người dân trong thời kỳ phát triển mới.
Sự phổ biến của internet, và các phương tiện truyền thông rộng khắp đất nước đã giúp các cộng đồng, các tầng lớp trong xã hội xích lại gần nhau khi có cùng mục đích trong cuộc sống.
Cùng với sự phát triển và chia sẻ thông tin nhanh chóng và lan rộng của các phương tiện truyền thông, Internet, chúng ta đang chứng kiến sự tham gia của các tổ chức xã hội (bao gồm cả nhóm hay cộng đồng ảo) tham gia vào những sự kiện kinh tế, văn hóa - xã hội ngày càng sâu rộng. Xã hội dân sự đang xuất hiện thêm những tổ chức, nhóm xã hội mà chưa được pháp luật định danh hay quy định cụ thể. Vốn tự nhiên như bản chất của xã hội, trong nội tại của xã hội dân sự, các bộ phận và cơ cấu của xã hội dân sự luôn vận động và phát triển thay đổi và phát sinh. Tất cả vì mục đích tồn tại và phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, xã hội dân sự ở Việt Nam có một đặc điểm khá quan trọng đó là sự tác động của các tổ chức xã hội đối với nhà nước là chưa lớn. Các tổ chức xã hội ở Việt Nam hoạt động mạnh trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, các hội lập ra nhiều tổ chức dịch vụ, triển khai các công nghệ mới vào sản xuất, tham gia cùng Nhà nước trong chương trình xóa đói giảm nghèo, phòng chống bệnh tật và tệ nạn xã hội, chống kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, và chăm sóc sức khỏe nhân dân, mở các phòng khám bệnh phục vụ nhân dân. Đặc biệt Hội Đông y trong những năm qua đã khám chữa bệnh cho 1/3 số bệnh nhân cả nước đến khám và chữa bệnh...
Thành tựu trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thực sự đáng ghi nhận khi tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm mạnh kể từ năm 1992.
Công tác bảo vệ hội viên trong các hiệp hội của các tổ chức kinh tế đã được các hội chú ý hơn, các hội đã xác định đây là trách nhiệm của hội, nhiều hội lên tiếng bảo vệ hội viên mình trước pháp luật. Nhiều hội đã lập ban hội viên để theo dõi, giúp đỡ hội viên. Đặc biệt các hiệp hội của các tổ chức kinh tế trong những năm qua đã làm tốt công tác bảo vệ hội viên của mình trong tranh chấp thương mại quốc tế. Các hiệp hội một mặt thay mặt hội viên bảo vệ quyền lợi hội viên trước các vụ kiện như cá, tôm, xe đạp, may mặc… Mặt khác, Hiệp hội làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tư vấn cho thành viên của mình sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp pháp luật quốc tế và tiêu chuẩn kỹ thuật để vượt qua hàng rào kỹ thuật do các nước đặt ra. Nhiều hội đã thành lập ban pháp luật hay trung tâm pháp lý giúp các hội viên của mình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.