Khái niệm về xã hội dân sự ở Việt Nam mới được bàn luận trong thời gian gần đây, thậm chí chưa thành định nghĩa, nên các khuynh hướng tăng thêm các hoạt động của các nhóm và các tổ chức trong xã hội thường được gọi là các tổ chức mới chứ không phải là các hoạt động của các tổ chức xã hội.
Trước đây, Xã hội dân sự có khi mang hàm ý tiêu cực và cho đến gần đây cụm từ này đôi lúc còn được xem như "nhạy cảm", nghĩa là dấu hiệu của một vấn đề không nên bàn luận quá cởi mở. Có thể lý do chính là vai trò của Xã hội dân sự trong thời kỳ quá độ ở Đông Âu cuối thập kỷ 80. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này gọi là các tổ chức công dân hoặc các tổ chức của dân [17].
Các tổ chức công dân định hướng phát triển ở Việt Nam đã bắt đầu tự gọi họ là NGO quốc tế vào khoảng đầu những năm 2000, thậm chí còn có người cho rằng họ là NGO theo khái niệm của châu Âu.
Các văn bản pháp quy phân biệt các Tổ chức quần chúng thuộc Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức công dân hoặc các NGO như trong Nghị định 88 về các Hiệp hội năm 2003. Một trong những lý do là các Tổ chức quần chúng được xem như các tổ chức chính trị, trong khi đó các tổ chức khác là các tổ chức xã hội với mục đích cải thiện phúc lợi xã hội và nhân quyền. Hơn nữa, các tổ chức tín ngưỡng cũng được đối xử một cách riêng. Hiệp hội theo định nghĩa của Nghị định 88/2003/NĐ-CP là:
Các tổ chức tình nguyện của công dân, các tổ chức của người Việt Nam có cùng nghề nghiệp, sở thích, giới tính, vì mục đích chung là tập hợp và đoàn kết các thành viên, hoạt động thường xuyên, không vì riêng bản thân, nhằm bảo vệ các quyền lợi chính
đáng của các thành viên để hỗ trợ lẫn nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản pháp quy liên quan khác [11].
Một thành ngữ thường được nhắc đến trong các ấn phẩm chính thức của Việt Nam là cụm từ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh toát lên một nghĩa khác của chữ "văn minh". Không nên lẫn lộn chữ này với xã hội dân sự. Tuy nhiên, ý nghĩa này là một phần quan trọng của tư duy về phát triển ở Việt Nam, vượt ra ngoài nghĩa đen của câu khẩu hiệu đó. Văn minh được hiểu là quá trình phát triển của xã hội, không những chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển cả văn hóa cùng kiến thức về công nghệ nữa. Giáo dục càng tốt, đặc biệt là khả năng học thuật để tiếp cận và lĩnh hội kiến thức khoa học hiện đại càng tốt thì trình độ văn hóa người dân đạt được càng cao. Ý tưởng này về phát triển cũng là một phần của cách nghĩ về hoạt động từ thiện và phương thức thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Những người dân nghèo, ốm đau, tàn tật và bị đẩy ra bên lề xã hội sẽ phát triển đến một trình độ văn minh cao hơn để cải thiện cuộc sống của họ cho tương đồng với những người dân đô thị ngày nay, những người có điều kiện tốt hơn trong tiếp cận giáo dục, kiến thức, y tế và các dịch vụ công ích khác trong cuộc sống. Tất cả những người dân bất hạnh cần được hưởng sự nhân từ và sự hỗ trợ tài chính của nhà nước cũng như các cá nhân làm từ thiện, bao gồm cả những dân tộc thiểu số, một trong những vấn đề khó giải quyết hiện nay ở Việt Nam. Tư duy về phát triển ở Việt Nam có phần trùng hợp với tư duy phát triển kinh tế của phương Tây nhưng lại mâu thuẫn với những quan điểm công bằng và nhạy cảm văn hóa cũng thấy ở những xã hội phương Tây. Và đặc biệt là khái niệm từ thiện nghĩa là tất cả mọi người đều tốt như nhau bất kể có được học hành hay không và họ cần phải có cơ hội được sống theo ý nguyện, phong tục tập quán và truyền thống của họ cũng
như cải thiện mức sống theo các nhân tố này. Những ý tưởng khác biệt giữa khái niệm từ thiện ở phương Đông và phương Tây cũng có một số ý nghĩa nhất định đối với sự hiểu biết giữa các nền văn hóa khác nhau về xã hội dân sự và xã hội văn minh.
2.1.3.1. Những đặc trưng cơ bản của xã hội dân sự Việt Nam
Xã hội dân sự ở Việt Nam có những đặc điểm là: một Xã hội dân sự với nhiều Tổ chức ở tất cả các cấp và hoạt động trên hầu khắp đất nước. Các tổ chức xã hội dân sự có nhiều nỗ lực và thực hiện nhiều hoạt động tập trung vào giảm nghèo, hỗ trợ những người nghèo và người bất hạnh trong nhiều mặt, và thường rất quan tâm đến vấn đề giảm tác động của những sự kiện thiên tai, mất mát nghiêm trọng về người và của. Xã hội dân sự mang đặc điểm khá rõ nét về tinh thần và niềm tin.
Có sự hợp tác khá tích cực giữa xã hội dân sự và Nhà nước, đặc biệt là đối với các Tổ chức quần chúng và các Hiệp hội nghề nghiệp nằm trong Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, về sự hợp tác này, cũng có khác biệt giữa những thành phần khác nhau của Xã hội dân sự. Trong một giới hạn nào đó, Xã hội dân sự ở Việt Nam chưa có môi trường chính trị - xã hội để có thể phát triển đầy đủ và đổi mới ở mức độ cần thiết đối với các tổ chức xã hội dân sự. Trong khi đó, môi trường pháp lý đối với các tổ chức xã hội dân sự đã cơ bản được ban hành.
Nhà nước vẫn còn đóng vai trò chủ đạo trong việc lập những quyết sách và các tổ chức xã hội dân sự chỉ tác động vào quá trình đó thông qua hợp tác. Rõ ràng là xã hội dân sự ở Việt Nam vẫn còn những ràng buộc với Nhà nước, tuy nhiên nhiều thay đổi đã được thực hiện thông qua các hoạt động hành chính.
Chính các tổ chức xã hội dân sự cũng bộc lộ những điểm yếu do cơ cấu nhiều thành phần và do chưa có các cơ cấu nội bộ và các cơ quan bảo
trợ thỏa đáng. Các tổ chức quần chúng có cơ cấu tổ chức nhiều cấp bậc và trong quá trình đổi mới ở các cấp dưới không có sự hỗ trợ đầy đủ từ các cấp cao hơn. Các NGO Việt Nam vẫn còn hạn chế về số lượng và cơ cấu nội bộ không phải lúc nào cũng dân chủ, điều này hạn chế khả năng trong việc thực hiện những ý tưởng mới một cách hiệu quả. Họ thiếu sự minh bạch và bị hạn chế trong việc ủng hộ và đề cao những giá trị mới. Các cơ quan bảo trợ và các mạng lưới vẫn còn yếu và cần nhiều hỗ trợ hơn nữa để phát triển. Ngoài ra, nguồn nhân lực và tài lực của các tổ chức xã hội dân sự vẫn còn rất hạn chế.
Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam chưa phát huy được sự chủ động. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng này, các tổ chức xã hội dân sự cần phát huy tính tự chủ và năng động để tự tạo ra những điều kiện hợp lý nhằm có môi trường hoạt động hiệu quả trên cơ sở hệ thống pháp luật hiện nay. Có như vậy, lợi ích mà cộng đồng có được từ các hoạt động này sẽ được tăng lên rõ rệt.
Mặt khác, các tổ chức xã hội dân sự cần phải tìm được phương thức hợp tác, các cơ quan bảo trợ, và sự hỗ trợ mạng lưới tốt hơn thì mới có thể tăng thêm sức mạnh. Các tổ chức tổ chức xã hội dân sự cũng phải tự thân nỗ lực và đảm bảo sự rõ ràng minh bạch của mình thì mới chiếm được lòng tin của người dân mà các tổ chức này đại diện. Hơn nữa họ phải nâng cao tính chuyên nghiệp và phát triển kỹ năng để có thể vượt qua được thách thức trong sự ủng hộ từ cả khu vực công và tư nhân.
Trong giai đoạn đầu, các tổ chức xã hội dân sự đã khá thành công trong việc tự khẳng định mình. Hiện nay, các tổ chức này cần phải củng cố và tìm hướng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, và trong một chừng mực nào đó các tổ chức này cần phải từng bước tự tự cấp kinh phí để phát triển mà không quá lệ thuộc vào một nguồn nào, nhà nước cũng như các nhà tài trợ.
Sơ đồ 2.1: Hình thoi xã hội dân sự ở Việt Nam 1.2 1.4 1.6 1.7 0 1 2 3 Cấu trúc Môi trường Tác động Các giá trị
Về cấu trúc, đây là phương diện mô tả về quy mô tổng thể, sức mạnh và mức độ lan rộng của xã hội dân sự. Bao gồm chiều rộng sự tham gia của người dân trong các tổ chức xã hội dân sự; chiều sâu của sự tham gia; tính đa dạng của các thành phần tham gia; trình độ tổ chức; mối quan hệ giữa các đối tượng hoạt động trong xã hội dân sự; các nguồn lực sẵn có đối với xã hội dân sự.
Chiều rộng sự tham gia của người dân chỉ những hình thức tham gia khác nhau của người dân trong xã hội dân sự. Ở Việt Nam, việc tham gia này có thể thông qua các hoạt động như tình nguyện làm việc trong các tổ chức; hành động cộng đồng như tham gia vào các buổi họp cộng đồng, các sự kiện hoặc các nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề cộng đồng. Tại Việt Nam, kể từ khi có Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc người dân tham gia vào các hoạt động cộng đồng ngày càng nhiều và đạt được những hiệu quả tích cực, nhất là việc người dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, tạo những chuyển biến tích cực trong bài trừ các tệ nạn như tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu. Tham gia làm từ thiện cũng là một hoạt động được dùng để đánh giá chiều rộng của sự tham gia của
người dân trong xã hội dân sự. Đây là hoạt động mang tính nhân đạo và nhân bản sâu sắc, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Hoạt động này thường xuyên được khởi xướng bởi Hội chữ thập đỏ và các cơ quan báo chí như Báo Lao động, Tuổi trẻ.
Chiều sâu của sự tham gia chỉ mức độ tham gia của người dân vào xã hội dân sự thông qua các phương thức và hành động thực tế. Ở Việt Nam, chiều sâu của sự tham gia này thể hiện ở mức độ đóng góp của người dân trong việc làm từ thiện. Theo thống kê không chính thức, mức đóng góp của người dân làm từ thiện là 1-2% thu nhập. Dù số tiền đóng góp không lớn nhưng ý nghĩa xã hội là rất lớn lao và tạo được những hỗ trợ tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần đối với những đối tượng cần trợ giúp. Chiều sâu của sự tham gia cũng thể hiện ở việc tình nguyện tham gia vào các hoạt động cộng đồng của người dân. Mỗi người dân Việt Nam có thể là thành viên của nhiều tổ chức xã hội, như một người về già vừa là thành viên của hội hưu trí, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi và tổ dân phố Việc tham gia các hội này là tự nguyện và thường dành nhiều thời gian vào việc thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng của hội.
Sự đa dạng của các thành phần tham gia thể hiện ở việc thành phần tham gia xã hội dân sự và tính hòa nhập của các hội viên từ nhiều thành phần khác nhau. Các nhóm xã hội tiêu biểu trong sự tham gia này là phụ nữ, nông dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số, công chức nhà nước, tín đồ tôn giáo.
Cấp độ cơ chế tổ chức thể hiện ở việc tồn tại các cơ quan bảo trợ hay không đối với tổ chức xã hội dân sự, tính hiệu quả của các mối quan hệ này, cơ chế hỗ trợ và các mối quan hệ của tổ chức xã hội dân sự. Ở Việt Nam, hầu hết các tổ chức xã hội dân sự là thành viên của một liên hiệp hoặc cơ quan bảo trợ nào đó. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc có mạng lưới rộng khắp các thành viên từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức này có mối quan hệ chặt chẽ với Đảng và Nhà nước. Các hội
nghề nghiệp và các hội đoàn khác có sự quan hệ với Nhà nước ít chặt chẽ hơn và thường không mặc nhiên có sự bảo trợ mà thường là xin bảo trợ hoặc do các hội viên tự đóng góp. Khi bảo trợ, các cơ quan bảo trợ đều có những mục tiêu đặt ra cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và đa số đều đạt được những mục tiêu đề ra, điều này đúng với hầu hết các tổ chức xã hội dân sự, nhất là các tổ chức quần chúng và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc.
Mối quan hệ giữa các đối tượng hoạt động trong xã hội dân sự thể hiện sự hợp tác và thông tin giữa các tổ chức xã hội dân sự với nhau. Ở Việt Nam, việc chia sẻ thông tin trong các hoạt động không phải là một thói quen trong hoạt động của các tổ chức này. Vì thông tin gắn với quyền lực và cơ hội. Tuy nhiên trong xu thế phát triển chung hiện nay, việc chia sẻ thông tin trong hoạt động của các tổ chức đã trở nên phổ biến nhằm tăng thêm sức mạnh trong các hoạt động vì mục đích chung. Và cùng với xu thế đó, việc hợp tác giữa các tổ chức xã hội dân sự đã được thiết lập với nhiều cấp độ khác nhau.
Các nguồn lực thể hiện mức độ nguồn lực sẵn có để có thể đạt được những mục tiêu của các tổ chức xã hội dân sự. Bao gồm các nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực và nguồn lực cơ sở vật chất kỹ thuật. Ở Việt Nam, nguồn lực tài chính của các tổ chức xã hội dân sự phần lớn từ phía Nhà nước, sau đó là các tổ chức nước ngoài và tư nhân. Các nguồn lực này nhằm thực hiện những mục tiêu mang tính cộng đồng như xóa đói giảm nghèo, một số vấn đề liên quan đến dân sinh như nước sạch, môi trường, phát triển kinh tế nông thôn nguồn nhân lực của các tổ chức thường rất đa dạng, tùy thuộc vào tính chất của tổ chức đó. Ở những tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp hay các tổ chức thành viên của Mặt trận, trình độ học vấn của các thành viên thường rất cao, phần lớn là trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Các tổ chức còn lại thành phần thường ở trình độ học vấn thấp hơn.
Về môi trường, bao gồm môi trường chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa và pháp lý đối với xã hội dân sự. Đi sâu vào chi tiết và đánh giá về vấn đề
này, môi trường của xã hội dân sự thường được phân chia làm các tiểu mục nhỏ, cụ thể hơn để đánh giá, đó là: Bối cảnh chính trị; các quyền tự do cơ bản; bối cảnh kinh tế - xã hội; bối cảnh văn hóa - xã hội; môi trường pháp lý; mối quan hệ xã hội dân sự và nhà nước và cuối cùng là mối quan hệ giữa xã hội dân sự với khu vực tư.
Dựa trên sơ đồ trên, chúng ta thấy rằng bốn bình diện xã hội dân sự ở Việt Nam, có độ lớn vừa phải và khá cân bằng, nó cũng phản ánh quan điểm đánh giá tương đối lạc quan khi so sánh với các đánh giá của các chuyên gia quốc tế. Bình diện "tác động" có giá trị thấp hơn ba bình diện còn lại.