Nhận xét chung về nhu cầu phát triển việc bảo hộ

Một phần của tài liệu Bảo hộ sáng chế theo hiệp ước hợp tác sáng chế (Trang 82)

riêng và bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung tại Việt Nam.

Thế giới ngày nay đang nằm trong cơn bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, của sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp hiện đại, của nền công nghiệp toàn cầu.

Pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền sáng chế nói riêng, đã và đang góp phần to lớn trong chính sách phát triển của các quốc gia. Về cơ bản, luật sở hữu trí tuệ đã được hình thành và phát triển từ rất sớm trong lịch sử. Cùng với sự phát triển của xã hội, pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng được củng cố và hoàn thiện, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của thế giới.

Tuy vậy, sự bảo hộ có tính toàn cầu quyền Sở hữu trí tuệ ngày nay vẫn còn nhiều hạn chế, gây nên những hiện tượng xâm phạm một cách nghiêm trọng quyền Sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu.

Ở Việt Nam chúng ta, trong nhiều thập kỷ, dưới cơ chế của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, pháp luật về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ dường như chưa phát triển đúng với vai trò của nó. Từ khi tham gia vào quá trình hội nhập, đa phương hoá, chuyển đổi cơ chế nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước ta đã có sự tác động đáng kể tới chính sách phát triển khoa học công nghệ và pháp luật về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ, trong đó có bảo hộ quyền đối với sáng chế. Vấn đề này đã được Nhà nước ta quy định trong một số văn bản pháp lý cao như Hiến pháp 1992, Bộ luật dân sự Việt Nam 2005, Bộ luật hình sự Việt Nam 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có sửa đổi bổ sung năm 2009 và một số văn bản pháp lý khác.

Tuy nhiên, pháp luật về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chỉ mới hình thành và phát triển trong vòng 30 năm trở lại đây. So với các quốc gia trên thế giới, đây thực sự là một lịch sử chưa lâu dài. Vì vậy nó vẫn còn tồn tại những thiếu sót cần khắc phục, đây là nguyên nhân tạo môi trường thuận lợi cho các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, dẫn đến những bất lợi cho sự phát triển kinh tế. Do đó, việc phát triển vấn đề bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền đối với sáng chế nói riêng là một đòi hỏi tất yếu. Các đòi hỏi này được thể hiện cụ thể như sau.

Cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục phát triển nhanh với những trình độ cao, thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế trên toàn thế giới. Các nước đều có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, do ưu thế về vốn và công nghệ thuộc về các nước phát triển khiến các nước chậm phát triển và đang phát triển đứng trước những thử thách to lớn. Muốn bắt kịp với nhịp độ phát triển, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam bắt buộc phải chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Mục tiêu của Đảng và Chính phủ Việt Nam là từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.

Muốn công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công, phải khuyến khích toàn xã hội phát huy tài năng trí tuệ, chất xám, sáng tạo công nghệ mới trên mọi lĩnh vực, khuyền khích việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở luật pháp Việt Nam và quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi phải phát huy sự tìm tòi sáng tạo trong nghiên cứu đồng thời đề cao trách nhiệm xã hội của những người làm công tác khoa học và công nghệ đối với đất nước, đồng thời cũng đòi hỏi việc tạo lập một thị trường cho các hoạt động khoa học và công nghệ, kiểm soát công nghệ nhập khẩu.

Mỗi nhà doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường đều mong muốn giành thế mạnh trong cạnh tranh với những sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng về số lượng, chất lượng, kiểu dáng v.v.. với giá cả hợp lý để thu về lợi nhuận cao.

Tất cả các yếu tố đó gắn liền với thị trường công nghệ mà các doanh nghiệp lựa chọn. Chính vì vậy công nghệ đang là đối tượng săn lùng của các

doanh nghiệp và đang trở thành một bí mật trong cạnh tranh [57]. Mỗi doanh nghiệp phải có quyết sách tạo ra công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất. Có hai cách để tạo ra công nghệ mới. Cách thứ nhất là tự nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách này thường gặp nhiều rủi ro, mạo hiểm. Cách thứ hai là mua của nước ngoài thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc hợp đồng mua bán li-xăng. Để có một thị trường công nghệ thực hiện theo cách thứ hai, cần phải tạo ra các thủ tục, công cụ để kiểm soát việc chuyển giao công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ , đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế - đối tượng sở hữu mang tính công nghệ trong các đối tượng sở hữu trí tuệ. Với mục đích đó, việc phát triển bảo hộ sáng chế cần phải được đặc biệt quan tâm.

Tóm lại, chúng ta phải có chính sách đúng đắn trong việc khuyến khích phát huy các tài năng sáng tạo, nghiên cứu và áp dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống mà sản phẩm cụ thể của nó là sáng chế, giải pháp hữu ích, khuyến khích việc chuyển giao li-xăng và mở cửa cho thị trường công nghệ của thế giới vào nước ta. Muốn vậy, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đặc biệt là bảo hộ quyền đối với sáng chế nói riêng.

- Đòi hỏi của chính sách kinh tế đối ngoại với sự hội nhập với thị trường thế giới và khu vực.

Trong nhiều năm, theo cơ chế cũ, nền kinh tế nước ta thực chất là tự cung tự cấp, khép kín đối với thị trường thế giới và chia cắt giữa các địa phương trong phạm vi cả nước. Hậu quả là kinh tế đối ngoại phát triển hết sức chậm chạp, nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ bên ngoài rất nhiều, do mất cân đối lớn và kéo dài.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới, các công cụ hàng hoá - kỹ thuật cao đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của thị trường thế giới, tạo ra một thách thức rất lớn đối với nền sản xuất truyền thống. Trong khi đó, nền kinh tế

hàng hoá đã tạo ra được những điều kiện thuận lợi hơn trong quan hệ trao đổi buôn bán và hợp tác sản xuất giữa các quốc gia với nhau. Mỗi nước đều có thể tìm được thế mạnh tương đối của mình trong phân công lao động quốc tế và mở rộng sự trao đổi, phân công đó chỉ có lợi cho nền kinh tế trong nước. Vì vậy, có thể khẳng định rằng mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế thế giới là yêu cầu khách quan của thời đại, là điều kiện cực kỳ quan trong để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, trước hết là đổi mới kinh tế. Thực tế là trong những năm gần đây, từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, nền kinh tế của chúng ta đã hội nhập khá sâu với thế giới.

Chính sách kinh tế của Nhà nước ta từ khi đổi mới đế nay là đa dạng hoá các hình thức kinh tế đối ngoại, đa phương hoá quan hệ thị trường với mọi quốc gia, mỗi tổ chức kinh tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi…

Mục tiêu cần đạt được của chính sách trên là thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát huy các nguồn lực và lợi thế bên trong, bảo đảm sự hoạt động bình thường của nền kinh tế đất nước khi điều kiện quốc tế có nhiều thay đổi, không còn viện trợ bên ngoài, duy trì được cán cân thanh toán quốc tế, giữa những thị trường quen thuộc và mở rộng các thị trường khác, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội trong nước làm thước đo hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại.

Đề phù hợp với quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành với cơ chế thị trường, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải đạt được yêu cầu thông suốt bên trong và thông thoáng bên ngoài. Thông suốt bên trong thể hiện tính thống nhất của luật pháp quốc gia, xây dựng hệ thống các cơ quan pháp luật và các chế tài thống nhất trong cả nước, không có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lấy cắp tài sản trí tuệ của nhau. Thông thoáng với bên ngoài thể hiện quan điểm gắn liền pháp luật nước ta với pháp luật quốc tế. Ví dụ như các điều kiện mua bán li-xăng, chuyển giao công nghệ phải phù hợp với các điều kiện, tiêu chuẩn và tập quán quốc tế. Điều này đòi hỏi phải điều

chỉnh luật pháp quốc gia về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là về quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế phù hợp với pháp luật quốc tế. Có như vậy mới tạo ra một sân chơi bình đẳng về pháp luật, tạo điều kiện để các đơn vị kinh tế trong nước dễ dàng trong quan hệ với đối tác nước ngoài, các công ty nước ngoài dễ dàng trong làm ăn với nước ta.

Đó chính là đòi hỏi của chính sách kinh tế đối ngoại với sự hội nhập với thị trường thế giới và khu vực đối với việc phát triển vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế nói riêng trong pháp luật Việt Nam.

Một phần của tài liệu Bảo hộ sáng chế theo hiệp ước hợp tác sáng chế (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)