Đu đủ là loại cây nhiệt đới nên yêu cầu điều kiện ngoại cảnh rất đặc trưng để sinh trưởng và phát triển.
- Yêu cầu về nhiệt độ: nhiệt độ là yếu tố hạn chế sự phân bố cũng như sự sinh trưởng phát triển của đu đủ. Nhiệt độ thấp dưới 15oC, đu đủ ra lá chậm, bộ lá của cây bị tổn hại và có thể dẫn đến chết nếu lạnh kéo dài. Nhiệt độ 2oC được coi là nhiệt độ gây chết đối với đu đủ. Nhiệt độ trên 20oC được coi là nhiệt độ trồng có hiệu quả kinh tế. Nhiệt độ thích hợp nhất để cây sinh trưởng phát triển là 25 – 30oC. Nhiệt độ cao (>40oC) và cường độ chiếu sáng mạnh làm cây bị thiếu nước gây héo lá.
Theo yêu cầu về nhiệt độ của cây đu đủ, ở vùng nhiệt đới xích đạo có độ cao 100m so với mực nước biển có thể trồng được loại cây này.
- Yêu cầu về ánh sáng: đu đủ là cây ưa sáng, được trồng thuần là thích hợp, chỉ trồng xen với cây trổng chính khi cây còn nhỏ, chưa giao tán. Ánh sáng không đầy đủ làm các đốt thân vươn dài, cuống lá nhỏ, phiến lá mỏng và dễ bi sâu bệnh phá hoại.
- Yêu cầu về nước: đu đủ cần nhiều nước do diện tích lá lớn xong rất sợ úng, do cấu trúc lớp bảo vệ lá và rễ rất kém chịu hạn, đòi hỏi nhiều ôxi trong đất, rất dễ thối và dễ bị nấm bệnh gây hại. Khi được cung cấp đầy đủ nước, cây sinh trưởng phát triển liên tục cho năng suất cao. Lượng nước cây yêu cầu từ 1300 – 1500 mm/năm hoặc hàng tháng lượng nước cung cấp đạt khoảng 100mm. Người ta cũng nhận thấy rằng, đu đủ dễ dàng vượt qua ảnh hưởng của cường độ chiếu sáng cao (30.000 – 50.000lux) có kèm theo sự tăng nhiệt độ nếu cây nhận được đủ nước.
- Yêu cầu về đất đai: Cây đu đủ không yêu cầu khắt khe về đất, nhưng phải đảm bảo đủ ẩm và đủ oxi. Có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng đất đó phải giữ nước cũng như thoát nước tốt. Đất thông thoáng, có tầng canh tác dày 70cm, hàm lượng khí trong đất 4%. Đất chặt, bí, úng, ngập
nước, tầng canh tác mỏng và nghèo dinh dưỡng đu đủ sinh trưởng kém và chóng tàn. Đu đủ có thể phát triển ở pH đất từ 5 – 7, phát triển tốt nhất ở pH trong khoảng 5,5 – 6,5. pH đất < 5, cây sinh trưởng phát triển kém thậm chí có thể chết [11], [6].
- Gió bão: Đu đủ có bộ rễ ăn nông, thân xốp, rỗng và mềm nên đu đủ rất kém chịu gió, bão nhất là thời kỳ cây đang mang quả. Vì vậy nên trồng đu đủ nơi kín gió hoặc có hàng cây chắn gió. Gió mạnh làm lá cây bị rách gây tổn hại đến sinh trưởng phát triển của cây và quả, gió to làm đổ cây gây xây xát, làm chảy nhựa tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.
Để làm giảm tác hại của bão cần phải trống đổ cho cây bằng cọc tre, nứa hoặc tỉa bớt lá và quả cho cây khi có bão đổ bộ đến.