Thái độ lên án những thế lực chà đạp lên phẩm giá của con người

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du (Trang 58)

được quyền sống của mình và trong mọi trường hợp họ vẫn không đánh mất đi phẩm giá của mình. Những điều đó được Nguyễn Du trân trọng, đề cap và ngợi ca.

2.3. Thái độ lên án những thế lực chà đạp lên phẩm giá của con người. người.

Nguyễn Du sống ở thời điểm lịch sử mà trong xã hội đó diễn ra biết bao nghịch lý. Nấp sau cái oai phong lễ nghi ở chốn cung đình, ở nơi nha môn là một lũ lái buôn, mẹ mìn lừa đảo, sẵn sàng làm bất cứ hành động đê hèn nào để mưu cầu danh lợi. Đằng sau những viên quan lại đạo mạo, là những kẻ buôn thịt bán người mà ở đó đồng tiền đã trở thành thế lực vạn năng, ở đó biết bao lớp người cùng cực bị đối xử tồi tệ, người phụ nữ trở thành nạn nhân, thành hàng hóa mua bán. Ở đó, nhân phẩm, đạo lý được rao giảng đã bị thực tế phũ phàng chôn vùi. Từ thực tế cuộc sống đó, Nguyễn Du đã nhận biết được cái ác, cái chân, cái thiện và những tư tưởng đó đã được ông thể hiện qua những tác phẩm thơ văn để đời, mà điển hình là Truyện Kiều.

Nếu như các sáng tác thơ văn thời kỳ Nho giáo hưng thịnh, nội dung chủ yếu của các nhà thơ là ngợi ca vương triều, tụng ca thánh đế, tụng ca một thời vua sáng tôi hiền. Còn Nguyễn Du lại đi ngược lại, thơ văn của ông thể hiện một sự nhận thức bao quát hiện thực rộng lớn, mở rộng diện đề tài và phản ánh đa dạng số phận con người, từ cảnh ngộ ông lão đói nghèo đến người gảy đàn ở thành Thăng Long, từ những người thường gặp chung quanh đến những nhân vật chìm khuất trong lịch sử, từ nỗi nhớ người thân đến biết bao cảnh đời trầm luân trên đường đi sứ Trung Hoa... Trên tất cả là sự nhập thân, cảm thông sâu sắc của chính tấm lòng Nguyễn Du với mọi kiếp con

người. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Du đều thể hiện một tư tưởng nhân văn một cách nhìn riêng, một điểm nhìn khác biệt trước thực tại. Phải có một tư tưởng nhân văn sâu sắc, một năng lực sáng tạo phi thường và ‘con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời', 'lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột' (lời Tiên Phong Mộng Liên Ðường chủ nhân) thì Nguyễn Du mới có được kiệt tác Truyện Kiều và những vần thơ chữ Hán chất nặng suy tư.

Nguyễn Du không phải là người đầu tiên và duy nhất tố cáo tội ác gieo xuống đầu nhân dân. Tuy nhiên, thông qua các tác phẩm của mình, ông đã nói lên một cách tinh vi và sâu sắc nỗi thống khổ của con người sống trong thời đại đầy sóng gió đó. Điều này được thể hiện rõ trong Truyện Kiều – tác phẩm tiêu biểu của ông.

Thúy Kiều – nhân vật chính của tác phẩm là một tấm gương oan khổ, số phận của nàng là một câu chuyện thê thảm về vận mệnh con người trong xã hội phong kiến trong giai đoạn suy thoái của nó. Thông qua một con người, một cuộc đời như vậy là một cách Nguyễn Du phát biểu ý kiến của mình trước những vấn đề của thời đại. Lời phát biểu ấy trước hết là một tiếng kêu thương - một tiếng kêu não nùng, đau đớn trong suốt quyển truyện và nó còn văng vẳng đến ngày hôm nay.

Và hơn hết, tiếng kêu thương ấy, Nguyễn Du đã gửi vào thân phận của một người phụ nữ vì trong xã hội phong kiến cũ, những người phụ nữ chịu ách thống trị hết sức nặng nề, cay nghiệt về mọi phương diện. Tuy đề cập đến số phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nhưng thực chất Nguyễn Du đã thể hiện tư tưởng bao quát khi phản ánh số phận bất hạnh của tất cả những người bị đày đọa trong xã hội đó. Nguyễn Du đã nói cho chúng ta biết rằng, trong xã hội phong kiến đó, khắp nơi đều là quân sói lang hùm

beo đó, thời đại mà ngay cả cuộc sống bình thường của quảng đại quần chúng nhân dân lao động không mảy may được bảo đảm ; họ luôn bị giày xéo và uy hiếp ; trong thời đại mà cả công lí đến chính nghĩa cũng không có thì vận mệnh của một người phụ nữ bình thường là bi thảm như thế đó. Tư tưởng " tài mệnh tương đố " thể hiện qua hình tượng Thúy Kiều thực chất đã phản ánh hiện tượng đáng nguyền rủa về những mâu thuẫn giữa những con người có tài năng với hiện thực đương thời. Bằng tư tưởng vượt thời đại thể hiện qua ngòi bút xuất sắc của Nguyễn Du, tất cả sự mục ruỗng và đen tối của xã hội phong kiến đã được nhà thơ phơi bày ra trước mắt người đọc, với một sự phê phán đúng mực.

Nguyễn Du đã dựng lên, trong Truyện Kiều – một loạt những hình tượng phản diện đối lập với Thúy Kiều và quần chúng nhân dân lao khổ. Bằng những nét chấm phá, ông đã vẽ lên những bộ mặt vô cùng xấu xa của chúng, đã quật thẳng vào mặt bọn gian thương lừa đảo, bòn rút ; bọn quan lại tàn hại nhân dân ; bọn lái buôn chuyên lừa lọc những người lương thiện gặp sự chẳng may trong lúc sa cơ phải dấn thân vào chốn thanh lâu; những tên lưu manh khoa môi múa mép chuyên nghề bán thịt buôn người; mụ đàn bà ghen tuông cay độc nham hiểm xuất thân từ một gia đình quan liêu phong kiến ; tên chó săn suốt đời cam tâm làm tôi tớ cho giai cấp địa chủ, và cả viên tổng đốc hèn mạt vô liêm sỉ nữa…Bọn chúng, trên từ triều thần, dưới đến bọn chủ nhà thổ, tên nào cũng lộ rõ bộ mặt ghê tởm, cũng há hốc cái miệng đỏ ngòm đầy những máu người, luôn luôn rình chực bên chiếc cạm bẫy tự tay chúng đặt. Dưới sự uy hiếp và bức hại của chúng, biết bao con người lương thiện phải đi vào con đường cùng để trở thành những miếng thịt trên thớt. Trong mọi ngóc ngách của xã hội, không chỗ nào là không có sự hoạt động của chúng. Qua những nét khắc họa về bọn đó, nhà thơ đã lột trần được nhiều mặt của xã hội phong kiến.

Với những nhận thức sâu sắc của một nhà tư tưởng lớn với trái tim yêu thương bao la, từ chỗ khóc thương cho sự oan uổng của những kiếp tài hoa Nguyễn Du đã tiến đến chỗ vạch ra được – bằng một cách không tự giác – những đặc trưng bản chất của cái xã hội thời ông sống. Đó là xã hội chà đạp lên mọi nhân phẩm của con người, là xã hội trong đó tạo nên sự tha hóa của những tính cách, là sự tan vỡ của mọi giá trị cao đẹp nhất mà con người hàng nuôi dưỡng. Trong tác phẩm Long Thành cầm giả ca, Nguyễn Du kể lại hai lần gặp gỡ một người đào hát tên Cầm ở triều Thăng Long, lần đầu tiên dưới triều Tây Sơn. Mặc dầu vào lúc này, chàng thanh niên quý tộc họ Nguyễn đang phải sống những ngày hết sức phong trần vì thời cuộc đảo lộn, cô Cầm kiều diễm ấy vẫn hiện ra trước mắt ông như một sức mạnh, một ánh hào quang rực rỡ: Hồng trang yểm ái đào hoa diên (Áo hồng ánh lên khuôn mặt hoa đào), khiến cho chính Nguyễn Du và mọi người đều bị hấp dẫn. Cần chú ý là nhà thơ đã xuất phát từ một con người có thật, về hình thức không phải là hoàn mỹ lắm: “Nàng người thấp, má bầu, trán dô, mặt gãy” để dựng lên hình tượng cô Cầm. Nhưng ông hoàn toàn bỏ qua những nhược điểm thẩm mỹ đó. Ông chỉ đặc biệt khai thác ở hình tượng cái phong cách phóng khoáng, vượt khỏi khuôn phép; cái tiếng đàn đột xuất và cái tư thế ngang nhiên, coi thường hết thảy mọi người mọi việc xung quanh, nó chứng tỏ một sức sống bên trong vốn rất mãnh liệt, và một ý thức về tài năng của mình. Dưới ngòi bút Nguyễn Du, hình tượng nghệ thuật đó quả là đỉnh điểm của sự sống, của cái đẹp, của năng lực sáng tạo. Đó là “đương thời thành trung đệ nhất diệu” – người kỳ diệu bậc nhất kinh thành lúc bấy giờ. Con người đó hình như có một sức chinh phục rất mạnh, làm cho tất cả đều rạng rỡ hẳn lên; người đó ở đâu là thoải mái, rộn ràng, thắm tươi…tràn ngập ở đấy:

Tả pháo hữu trịch tranh triền đầu, Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.

Hào hoa ý khí lăng vương hầu, Ngũ Lăng thiếu niên bất túc đạo. Tính tương tam thập lục cung xuân, Hoạt tố Trường An vô giá bảo.

(Phía tả phía hữu tranh nhau gieo thưởng, Tiền bạc coi rẻ như đất bùn.

Vẻ hào hoa át cả các bậc vương hầu,

Còn bọn thiếu niên đất ngũ lăng thì không đáng kể. Tưởng như ba mươi sáu cung xuân,

Chung đúc thành một vật báu vô giá của đất Trường An) [13 ; 59]. Nhưng đấy chỉ là một giai đoạn. Bài thơ lại trình bày tiếp một giai đoạn khác. Ấy là lần gặp gỡ thứ hai, khoảng hai mươi năm về sau. Ở lần gặp sau này, tất cả đều đã thay đổi. Cái cô Cầm xiết bao kiêu hãnh xưa kia giờ đây đã “thân tàn hoa tạ”:

Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa, Nhan sấu, thần khô, hình lược tiểu. Lang tạ tàn mi bất sức trang,

Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu? (Phía cuối chiếu có một người tóc hoa râm,

Nét mặt võ vàng, thần sắc khô khan, thân hình hơi bé nhỏ Đôi mày phờ phạc không điểm tô,

Ai biết đó là con người kỳ diệu bậc nhất kinh thành hồi bấy giờ?) [13; 60]

Không những thế, ngay chính cuộc sống và con người lúc này cũng không còn gì là vẻ lạc quan say sưa thở trước. Một cảm giác chán nản, một cái gì đã đổ vỡ, đã suy tàn trùm lên tất cả:

Kỷ xứ tang điền biến thương hải; Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong, Ca vũ không di nhất nhân tại.

(Thành quách đổi dời, việc người cũng khác, Bao nơi nương dâu biến thành biến cả;

Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết,

Mà còn sót lại một người trong làng ca múa!) [13; 60]

Phần cuối bài thơ là cảm hứng bi thiết của tác giả, là cái kết luận ông rút ra được đằng sau sự biến đổi “nhãn tiền” của một cô Cầm. Nhưng đấy cũng chính là cảm xúc của Nguyễn Du về sự biến đổi của cuộc đời, của thời đại mà ông sống. Những giọt nước mắt chảy ướt đẫm vạt áo nhà thơ, những trăn trở đó không hẳn do ông buồn rầu trước sự khắc nghiệt của thời gian hay tuổi tác mà nguyên do còn sâu xa hơn thế. Không đơn giản chỉ có hai mươi năm đã đi qua cuộc đời của một người phụ nữ. Qua bài thơ, Nguyễn Du muốn nhấn mạnh rằng trong xã hội cuối Lê đầu Nguyễn mà ông đã sống và đang sống mọi sự biến đổi đều diễn ra theo một quá trình đi xuống, nhất là tài năng và sắc đẹp thì càng bị hủy diệt một cách nhanh chóng.

Nguyễn Du tất nhiên không hiểu vì đâu có sự hủy diệt ghê gớm ấy. Nhưng qua tác phẩm của mình, ông đã dựng lên một lời tố cáo, phản kháng, một thái độ không bằng lòng trước hiện thực. Khi đi vào bản chất vấn đề, Nguyễn Du trở nên lúng túng. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Nguyễn Du đã cho rằng lực lượng tàn phá mọi cái hay, cái đẹp của xã hội chính là số mệnh.

Số mệnh đã vùi dập cuộc đời các cô kỹ nữ, đã đày vào lẽ mọn những người con gái tài sắc như Tiểu Thanh…Từ cổ chí kim không ai thoát khỏi “nghiệp chướng” của số mệnh, nó là một cái gì không hình không bóng mà khắc nghiệt vô cùng:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

(những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời đươc) (Độc Tiểu Thanh ký)

Thật ra, trong những lúc phẫn chí nhất, muốn chống trả lại cái vòng vây gọi là số mệnh đó, Nguyễn Du cơ hồ như cũng có khả năng để tìm ra một tia sáng nào của chân lý:

Cùng thời tự khả biến phong vân.

(người đến lúc cùng cũng có thể biến đổi mây gió) (Hoàng Sào binh mã)

Nhưng chân lý cũng chỉ đến với Nguyễn Du như là một tia sáng lóe lên rồi chợt tắt. Sự thất bại của các lực lượng tiến bộ trong hoàn cảnh bấy giờ vẫn là những bi kịch tất yếu của lịch sử, khống chế mọi khả năng hiểu biết của nhà thơ. Nguyễn Du đã uất ức kêu trời, rồi đã chán nản vì không còn biết thoát ra bằng cách nào:

Cập thức bại vong phi chiến tội, Không lao trí lực dữ thiên tranh

(Đến khi biết bại vong không phải vì đánh trận kém, Thì mới thấy đem trí chống lại trời là uổng công)

(Sở Bá vương mộ)

Tuy nhiên, vấn đề quan niệm của Nguyễn Du về số mệnh không phải lúc nào cũng đồng nhất và không phải lúc nào Nguyễn Du cũng bế tắc trước vấn đề này. Trong thế giới quan phức tạp của Nguyễn Du, chúng ta có thể tìm thấy vô số những minh chứng trái ngược nhau. Trong những dòng triết luận khô khan của Truyện Kiều, Nguyễn Du nói đến mệnh như một ý niệm bất khả lý giải, một điều tiên nghiệm. Thế nhưng, trong thế giới nhân vật phong phú của tác phẩm, Nguyễn Du lại chỉ ra bằng xương bằng thịt, là hiện thân của cái

Khuyển Phệ, là Hoạn Thư, là Hồ Tôn Hiến…Đó là cả một xã hội sống động, nơi mà nhân vật chính sống và cũng sát kề bên nhà thơ.

Nhờ đi nhiều, tiếp xúc với nhiều “hạng” người trong xã hội đó, Nguyễn Du đã nhận ra trong xã hội luôn luôn có sự tồn tại của hai lực lượng đối lập; một bên là những người nghèo khổ, những người tài sắc bị hắt hủi, một bên là bọn người có quyền thế, có của cải. Nguyễn Du không thể tách hai lực lượng ấy ra mà nhìn, vì giữa cuộc đời thực, hai lực lượng ấy luôn đi liền với nhau trong một quan hệ đối kháng không thể hòa hoãn. Vì thế, trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, các nhân vật đối lập cứ xuất hiện theo cái thế song song tương phản thành từng cặp không rời. Hình ảnh nhà ái quốc nước Sở Khuất Nguyên ôm tấm lòng cô trung chìm xuống đáy sông thăm thẳm đi liền với hình ảnh một bọn người dương dương đắc chí, “ra ngoài ngựa ngựa xe xe, ở nhà vênh vênh váo váo”, “đứng ngồi bàn tán như ông Cao, ông Qùy”; cái chết oan uổng của ba nhân vật hào hiệp Kinh Kha, Điền Quang, Phàn Ô Kỳ được đặt bên khung cảnh oái oăm của kinh đô Hàm Dương, trong đó “Vua Tần vẫn ngồi cao vòi vọi”; bên cạnh tượng Nhạc Phi có tượng Tần Cối; và nỗi oan không xóa của nàng Dương Qúy Phi cứ chập chờn hiện lên giữa cái hình ảnh “phỗng đứng” của cả một triều đình…

Nguyễn Du hình như chỉ trình bày hiện thực khách quan. Nhưng đọc thơ ông, từ những bài nói về người nghèo khổ đến những bài nói về giai nhân, anh hùng, rất tự nhiên, một sợi dây liên tưởng cứ nối liền từng cặp hình tượng nhân vật đối lập lại, và điều đó giúp chúng ta khái quát được bản chất xấu xa của những mối quan hệ trong xã hội mà ông sống: sự hiển vinh quyền quý của một lớp người này bao giờ cũng là nguyên nhân sa cơ lỡ vận, đỗ vỡ, chết chóc, thất bại của một lớp người khác. Kết luận ấy vốn đã nằm trong các tác phẩm của ông chỉ có điều chính Nguyễn Du không tìm thấy nó. Đó chính là chỗ hạn chế mà cũng là chỗ vĩ đại của hồn thơ Nguyễn Du.

Rõ ràng, chính nhờ tư tưởng nhân văn sâu sắc được thể hiện qua năng lực cảm thụ cuộc sống tinh tế, thần tình của Nguyễn Du đã giúp ông phát hiện được những chân lý sắc nhạy của đời sống mà cũng chính ông không thể giải thích được triết lý siêu hình. Nói cách khác, nếu như trong tư tưởng chủ quan của Nguyễn Du, dưới hình thái ý niệm chủ quan thuần túy, nhà thơ đã không

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)