Khái niệm, nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của Phật giáo đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt (qua khảo sát ở tỉnh Bắc Giang (Trang 27)

٭Nguồn gốc người Việt:

Người Việt hay người Kinh là một dân tộc hình thành tại khu vực địa lý mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Đây là dân tộc chính, chiếm khoảng 86,2% dân số nước ta và được gọi chính thức là dân tộc Kinh để phân biệt với những dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Ngôn ngữ chính người Việt sử dụng là tiếng Việt theo nhóm Việt –Mường. Người Kinh sinh sống trên khắp toàn thể nước ta nhưng tập trung nhất là ở các vùng đồng bằng và thành thị trong nước. Theo truyền thuyết dân tộc Kinh, những người Việt đầu tiên là con cháu của một thần rồng tên là Lạc Long Quân và một vị tiên tên là Âu Cơ. Hai người lấy nhau và đẻ ra một bọc 100 trứng nở ra 100 người con. Những người sinh ra cùng một bọc được gọi là “cùng bọc” (hay đồng bào) và “đồng bào” là cách gọi của người Việt để nói rằng tất cả những người Việt Nam đều có chung một nguồn gốc.

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Kinh ở nước ta có dân số trên 73 triệu người, chiếm 85,7% dân số cả nước, cư trú tại tất cả các tỉnh, thành phố ở nước ta. Trong đời sống của người Việt, nền kinh tế mạnh nhất là nền nông nghiệp lúa nước. Ngoài làm nông nghiệp, người Việt còn làm một số nghề khác như chăn nuôi gia súc, làm thủ công...ngoài các giá trị vật chất, người Việt có những giá trị tâm linh như việc thờ cúng tổ tiên, giỗ và các lễ hội

Tín ngưỡng được biểu hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, vì vậy mà các nhà nghiên cứu đã có những nhận xét và phân tích dưới những góc độ khác nhau:

Từ góc độ xã hội học, Durkhiem cho rằng tín ngưỡng là những trạng thái tư tưởng nằm ở các biểu tượng và được thể hiện thông qua các nghi lễ thờ cúng. Theo ông, tín ngưỡng “tô tem” của người nguyên thủy vừa là biểu tượng của thần linh vừa là biểu tượng của cộng đồng xã hội, đây là tín ngưỡng phổ biến trong xã hội nguyên thủy.

Từ góc độ dân tộc học, Wschmidt cho rằng tín ngưỡng chẳng qua là hình thức tôn giáo nguyên sơ, là niềm tin vào một vị chúa vĩ đại và vĩnh hằng, nhân từ và sáng tạo đang ngự trị trên trời. Tín ngưỡng là hiện tượng phổ biến có ở giai đoạn khởi đầu của mọi dân tộc.

Từ góc độ triết học, các nhà triết học duy tâm khách quan như Platon, Hêghen...đã xuất phát từ thực thể tinh thần như “ý niệm”, “ý niệm tuyệt đối” để lý giải các hiện tượng lịch sử xã hội trong đó có tín ngưỡng. Nhìn chung họ cho rằng tín ngưỡng tôn giáo là sức mạnh thần bí thuộc tinh thần tồn tại vĩnh hằng, là nhân tố chủ yếu đem lại sinh khí cho con người.

Các nhà triết học duy tâm chủ quan lại cho rằng, tín ngưỡng tôn giáo là thuộc tính vốn có trong ý thức của con người, tồn tại không phụ thuộc vào hiện thực khách quan.

Như vậy, do hạn chế về mặt lịch sử nên những quan niệm về tín ngưỡng của các nhà khoa học trên đây còn thiếu cơ sở khoa học. Quan điểm duy tâm cho tín ngưỡng là hiện tượng thần bí, chỉ có thể cảm nhận mà không lý giải được.

Triết học mác xít đã có một bước đột phá khi xem xét, lý giải tín ngưỡng tôn giáo từ những cơ sở thực tiễn của nó. C.Mác, Ph. Ăngghen khẳng định: Tín ngưỡng là một yếu tố của đời sống xã hội, hơn nữa là sản phẩm của

lịch sử xã hội do con người sáng tạo ra. Tín ngưỡng là một bộ phận của ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội và chịu sự quy định của tồn tại xã hội. Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào sự tồn tại và sự cứu giúp của một thực thể siêu nhiên nào đó được thể hiện thông qua hệ thống nghi lễ.

Ở nước ta, một số nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra quan điểm của mình về tín ngưỡng:

Đặng Nghiêm Vạn xem tín ngưỡng là một yếu tố chính của tôn giáo, quy định sức mạnh của tôn giáo với cộng đồng: “tín ngưỡng chỉ niềm tin tôn giáo...Những thể loại tôn giáo tuy đơn giản về nội dung, nghi lễ nhưng mang tính cộng đồng”[76; tr23]

Nguyễn Đăng Duy lại cho rằng “tín ngưỡng là một cách từ thực tế cuộc sống cộng đồng con người ý thức về một dạng thần linh nào đó, rồi cộng đồng con người ấy tin theo tôn thờ lễ bái, cầu mong cho hiện thực cuộc sống, gây thành một nếp sống xã hội theo niềm tin thiêng liêng ấy”[24; tr22].

Như vậy, chúng ta có thể hiểu tín ngưỡng là một bộ phận của ý thức xã hội, là một yếu tố thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, là hệ quả của các quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình lịch sử văn hóa, là sự biểu hiện niềm tin dưới dạng tâm lý xã hội vào cái thiêng liêng thông qua hệ thống lễ nghi thờ cúng của con người và cộng đồng người trong xã hội.

Có nhiều hình thức tín ngưỡng như: Tín ngưỡng thờ thần, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên…trong đó tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được coi là hình thức tín ngưỡng có sức sống bền bỉ và mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của người dân.

٭Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên:

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là khái niệm mang nghĩa phổ quát thể hiện đạo hiếu của con người và được hiểu theo nhiều cách khác nhau:

Có người gọi là tục thờ cúng tổ tiên, có người lại gọi là sự thờ cúng tổ tiên, có người gọi là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể gọi là đạo thờ cúng tổ tiên, nhưng đạo ở đây được hiểu là đạo lý làm con, đạo làm người.

Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống, đã mất như kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ...là những người có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của các thế hệ con cháu.

Tổ tiên trong xã hội nguyên thủy có nguồn gốc là tổ tiên trong tôtem giáo của thị tộc. Tổ tiên tôtem giáo trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ là những vật trong thiên nhiên được thần thánh hóa, được coi là tôtem (vật tổ) của thị tộc, là các vật thiêng và các thần che chở của gia đình thị tộc. Thời kỳ thị tộc phụ hệ, tổ tiên là những người đứng đầu thị tộc đầy quyền uy. Khi họ mất, thì những biểu tượng về họ là: Ý niệm về linh hồn người chết; tổ tiên tôtem; thần che chở cho gia đình thị tộc. Đó là những yếu tố chính tạo nên biểu tượng về tổ tiên được thờ cúng.

Tổ tiên trong xã hội có giai cấp được thể hiện đầy đủ hơn. Họ thường là những người đàn ông giữ vị trí chủ gia đình, gia tộc, đã mất, có quyền thừa kế và di chúc tài sản theo chế độ phụ quyền.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm tổ tiên không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi truyền thống gia đình, họ tộc mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội.

Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam trước hết là những người có cùng huyết thống như: Cha, mẹ, ông bà, cụ, kị...sau là những người có công tạo dựng nên cuộc sống của cộng đồng như các vị thành Hoàng làng, các nghệ tổ...tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt còn là mẹ Âu Cơ, còn là Vua Hùng, là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.

Thờ cúng là hoạt động có ý thức của con người, là tổng thể phức hợp những yếu tố: Ý thức về tổ tiên và lễ nghi thờ cúng trong không gian thờ cúng.

Thờ là yếu tố thuộc ý thức về tổ tiên, là tâm linh, tình cảm của con cháu

hướng về cội nguồn. Thờ tổ tiên là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên. Đồng thời cũng là sự thể hiện niềm tin vào sự che chở, bảo hộ, trợ giúp của tổ tiên.

Cúng là yếu tố mang tính lễ nghi, là sự thực hành một loạt các động tác

của người được quyền thờ cúng. Đó là hoạt động dưới dạng hành lễ được quy định do quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dân tộc. Nghi lễ thờ cúng được thực hiện bởi người trưởng gia đình, dòng họ với các động tác dâng lễ vật, khấn, lễ trong không gian thờ cúng: Bàn thờ tại gia đình, nhà thờ họ...

Thờ và cúng là hai yếu tố tác động qua lại, thống nhất với nhau trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Như vậy, theo nghĩa hẹp, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là sự thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên, những người có cùng huyết thống đã mất, có công sinh thành, nuôi dưỡng con cháu.

Theo nghĩa rộng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên “không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất, nghĩa là những người có cùng huyết thống mà thờ cả những người có công với cộng đồng, làng xã và đất nước”[76; tr315]

Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện ở 3 cấp độ: thờ cúng trong gia đình, thờ cúng trong làng xã và thờ cúng của cả nước.

Trước khi có sự du nhập của Phật giáo, nước ta đã có một cơ tầng văn hóa Đông Nam Á với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, phồn thực, vật linh giáo. Thờ cúng tổ tiên ở nước ta mang tính chất phổ biến, tồn tại ở nhiều vùng

miền, tộc người, giai tầng, và đã bén rễ, ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt Nam với những hình thức và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh và khẳng định rằng, đã là người Việt Nam, dù là người có tôn giáo hay không tôn giáo thì hầu hết đều có tâm thức thờ cúng Tổ tiên, thành kính gia tiên, tôn thờ những nhân vật lịch sử hay truyền thuyết được coi là có công với dân với nước.

٭Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên:

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một bộ phận của ý thức xã hội, nảy sinh trên cơ sở kinh tế- xã hội và chịu sự quy định của tồn tại xã hội:

Thứ nhất, nguồn gốc xã hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Sự phân hóa trong xã hội thị tộc phụ quyền dẫn tới việc đề cao vai trò của người đứng đầu gia đình – thị tộc là nguyên nhân trực tiếp mang tính xã hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Những người này, bằng uy tín của mình đã củng cố và thiêng liêng hóa sự thờ cúng tổ tiên đã có manh nha trong thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Trong xã hội có giai cấp, sự áp bức bóc lột giai cấp, sự tù túng, hạn hẹp không có lối thoát hiện thực là nguyên nhân xã hội quan trọng làm nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trên cơ sở niềm tin vào sự cứu giúp của tổ tiên.

Thứ hai, nguồn gốc nhận thức của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan bởi con người, là quá trình tạo thành tri thức trong bộ óc con người về hiện thực khách quan. Nhờ có nhận thức, con người mới có ý thức về thế giới, ý thức về cơ bản là kết quả của quá trình nhận thức thế giới. Con người có ý thức đầu tiên trong lịch sử là người Homosapiens, cơ quan của tư duy là bộ não của họ đã khá phát triển. Quan niệm về cái chết và cuộc sống sau khi chết ở thế giới bên kia chứng tỏ khả năng trừu tượng hóa của họ. Ý niệm về linh hồn người chết là một trong những yếu tố nằm trong những biểu tượng về tổ tiên. Một yếu tố tư tưởng

khác có ảnh hưởng đến sự phát triển những biểu tượng về tổ tiên là hình ảnh tổ tiên tôtem giáo, hình ảnh thần che chở cho gia đình, thị tộc,

Ăngghen chỉ rõ nguồn gốc nhận thức của tôn giáo, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là: “ Tôn giáo sinh ra trong một thời đại hết sức nguyên thủy, từ những khái niệm hết sức sai lầm, nguyên thủy của con người về bản chất của chính họ và về giới tự nhiên bên ngoài, xung quanh họ”[11; tr445].

Thứ ba, nguồn gốc tâm lý của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên, niềm tin này góp phần cân bằng trạng thái tâm lý, giải tỏa nỗi cô đơn, bất hạnh của con người trước cái chết. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con cháu, sự biết ơn các bậc đã sinh thành và nuôi nấng mình.

Ở Việt Nam, trong khi hướng tới tương lai, con người không hề quên đi ký ức lịch sử, ký ức gia đình, không hề đoạn tuyệt với “dòng giống” dù là ở phạm vi cả tộc người hay phạm vi từng gia đình. Cùng với thời gian, chữ Hiếu trong Khổng giáo cũng được nâng lên thành lý thuyết. Dân gian Việt

Nam từng có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”...để

khẳng định điều đó. Với thờ cúng tổ tiên, chữ Hiếu không còn dừng lại ở lý thuyết mà trở thành nghi thức tập tục được truyền từ đời này qua đời khác. Trong tín ngưỡng này, yếu tố đạo lý và yếu tố tín ngưỡng quyện chặt không rời. Xét riêng mặt đạo lý, có thể thấy thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam đã trở thành một cái gì máu thịt, dù môi trường xã hội có thay đổi thế nào đi chăng nữa.

٭ Bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên:

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là gì? Đã có rất nhiều ý kiến trả lời khác nhau cho câu hỏi này:

Theo Phan Kế Bính “cái tục phụng tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người”[8; tr25] . Nhận xét này của ông có ngụ ý rằng thờ cúng tổ tiên là một phong tục thể hiện đạo lý của con cháu đối với tổ tiên, đó là lòng thành kính, là thái độ biết ơn và là một nghĩa vụ người ta nên theo.

Toan Ánh thì lại cho rằng: “Thờ phụng Tổ tiên không thể là một tôn giáo được vì không có giáo chủ cũng như không có giáo điều”, đây chỉ là một hành động chứng tỏ lòng hiếu thảo của con cháu”[4; tr21]. Tác giả Nguyễn Đổng Chi thì phân vân “nó gần như một thứ tôn giáo”. Một số ý kiến khác lại cho rằng thờ cúng Tổ tiên không phải là một tôn giáo, vì mục đích của nó không phải là cứu cánh cho cái chết, mà là cầu mong cho hiện thực cuộc sống, nó mang tính chất là một tín ngưỡng, với nội dung là thờ cúng và cầu mong Tổ tiên ban tốt lành. Và trong đó còn bao hàm một khía cạnh bản chất văn hoá Việt Nam là nhớ về cội nguồn.

Nguyễn Tài Thư cho rằng, tục thờ cúng tổ tiên không thuần túy là tôn giáo, mà vừa là một tín ngưỡng vừa là một tập tục, là thái độ biết ơn các thế hệ trước của mình.

Đến tác giả Đặng Nghiêm Vạn thì lại ở một dạng khác, trong công trình nghiên cứu của mình, ông đã viết: “những tôn giáo như thờ cúng Tổ tiên tuy đơn giản về nội dung, nghi lễ và không được tổ chức thống nhất nhưng mang tính cộng đồng và có những thể chế quy định chặt chẽ, do vậy phải được xem như một tôn giáo chính thống của người Việt Nam”[76; tr205]

Mặc dù có những khác biệt trong cách tiếp cận tục thờ cúng tổ tiên nhưng các nhà nghiên cứu dường như đều thống nhất ở một điểm là đề cao giá trị nhân bản, đạo lý uống nước nhớ nguồn và gắn gia đình với đất nước. Bản chất tôn giáo của đạo thờ cúng tổ tiên thường chỉ được xem xét như một mối quan tâm thứ yếu.

Như vậy, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một bộ phận của ý thức xã hội,

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của Phật giáo đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt (qua khảo sát ở tỉnh Bắc Giang (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)