Phát triển nguồn nhân lực KH&CN gắn liền với giáo dục đào tạo

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Hưng Yên (Trang 73)

Công tác giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực cần tiếp tục phát triển cả về quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo song cần định rõ nhu cầu cơ bản là nhu cầu của tỉnh, của các tổ chức kinh tế - xã hội tỉnh. Cần phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, nội dung giáo dục đào tạo phải bảo đảm được chuẩn hoá, hiện đại hoá theo kịp trình độ chung trong cả nước, gắn với thực tiễn, khắc phục tình trạng lý thuyết suông. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phải kích thích được năng lực tư duy sáng tạo, độc lập của người học, lấy người học làm chủ thể chính để tiếp cận tri thức.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào hoạt động Khu đại học Phố Hiến, đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả vùng nói chung và của tỉnh Hưng Yên nói riêng . Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo, đặc biệt là đối với hệ thống đào tạo nghề. Có chính sách khuyến khích, động viên nhân lực trong tỉnh tham gia học tập, rèn nghề lập nghiệp, tham gia vào hoạt động sản xuất , đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng nhiều và chất lượng cao của các khu công nghiệp ngay trên địa bàn tỉnh . Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, đặc biệt là đối với lao động ở những đi ̣a phương có đất sản xu ất nông nghiê ̣p giảm.

Tăng cường đầu tư đối với các cơ sở dạy nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế mở các trường đào tạo nghề trên địa bàn. Tiếp tục xây dựng, mở rộng và hiện đại hoá các cơ sở dạy nghề theo hướng: củng cố và phát triển hệ

thống dạy nghề 4 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề và thực hành nghề); có chương trình tuyên truyền, khuyến khích lao động của tỉnh tham gia các chương trình đào tạo nghề theo các lĩnh vực sản xuất được định hướng phát triển trên địa bàn và các tỉnh trong vùng. Kết hợp đào tạo tại chỗ với việc thu hút nhân lực có chất lượng cao được đào tạo ở các địa bàn khác về làm việc phục vụ nhu cầu phát triển. Xây dựng và phổ biến các cơ chế chính sách khuyến khích (cả các chính sách khuyến khích vật chất, tinh thần), tạo môi trường làm việc và sinh sống phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề và dịch vụ giới thiệu việc làm; xây dựng các chương trình, dự án đào tạo nghề trọng điểm (đào tạo công nhân bậc cao, dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động...). Hoàn thiện hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên tại các huyện, thành phố và trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn trong tỉnh gắn với nhu cầu học nghề và nhu cầu lao động để phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn cụ thể.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách đồng bộ hoá hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo.

* Đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo

Giải quyết tốt mối quan hệ về khối lượng kiến thức và thời lượng học tập giữa các môn giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả đào tạo của từng môn học. Đổi mới nội dung đào tạo, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nghề nghiệp trong xã hội, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới. Phát triển tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động trong cộng đồng và khả năng lập nghiệp của người học.

Triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học; phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học. Khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng Internet. Lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước. Cải tiến tuyển sinh theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại. Mở rộng nguồn tuyển, tạo thêm cơ hội học tập cho các đối tượng khó khăn, bảo đảm công bằng xã hội trong tuyển sinh.

Đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá cơ sở vật chất và trang thiết bị trong trường học phổ thông các cấp đảm bảo đầy đủ các điều kiện giảng dạy (về cơ sở vật chất phòng học, phòng thí nghiệm, đồ dùng dạy học, cải tiến phương pháp dạy học) để nâng cao chất lượng dạy và học. Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và nâng cao trình độ chuyên môn, sư phạm của đội ngũ giảng viên để thực hiện được các chương trình và phương pháp giảng dạy mới theo lộ trình đổi mới giáo dục chung của cả nước đồng thời nâng cao chất lượng đầu vào (tuyển sinh) và đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng những phương pháp dạy học tiên tiến theo lộ trình cải cách giáo dục chung của cả nước để nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học, đảm bảo trình độ giáo dục của tỉnh tiếp cận trình độ chung của cả nước.

* Đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhà giáo và cán bộ quản lý

Có chính sách xây dựng và thực hiện quy hoạch đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của giảng viên, tầm nhìn chiến lược, năng lực sáng tạo và tính chuyên nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới phương thức tuyển dụng theo hướng khách quan, công bằng và cạnh tranh.

Bảo đảm sự bình đẳng giữa giảng viên biên chế và hợp đồng, giữa giảng viên ở cơ sở giáo dục công lập và ở cơ sở giáo dục ngoài công lập. Xây dựng và ban hành chính sách mới đối với giảng viên theo yêu cầu của tỉnh bao gồm tiêu chuẩn giảng viên, định mức lao động, điều kiện làm việc, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chế độ nghỉ dạy dài hạn để trao đổi học thuật và cơ chế đánh giá khách quan kết quả công việc. Ban hành chính sách, chế độ kiêm nhiệm giảng dạy.

* Xây dựng và phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực

Phát triển, tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả các cấp, bậc trình độ để tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55% năm 2015 và trên 65% vào năm 2020. Rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ đào tạo nhân lực hiện có; xác định rõ những khâu yếu kém, lạc hậu và định hướng ưu tiên có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và trình độ đào tạo nhân lực. Triển khai thực hiện những giải pháp đổi mới giáo dục đại học theo Nghị quyết số 14/2005-NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 để nâng cao chất lượng đào tạo và đa dạng hoá ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Hưng Yên (Trang 73)