Thứ nhất: Nhà nước nên hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh BĐS nhằm
nâng cao tính hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó giúp các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này tăng nguồn vốn kinh doanh tạo cơ hội phát triển kinh doanh của mình.
+ Nhà nước cần soạn thảo và sớm ban hành cơ chế về tín dụng cho hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS.
+ Thủ tục hành chính liên quan đến việc giao đất, xây dựng quy hoạch v.v ở Việt Nam thực hiện mất từ 2 – 3 năm nên nhiều dự án khâu tiếp cận vấn đề đất đai rất khó khăn và triển khai chậm tiến độ. Nhà nước cần rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh BĐS theo hướng công khai, minh bạch, giản tiện cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện xuống còn từ 3 – 5 tháng như các nước trong khu vực.
+ Nhà nước sớm xây dựng và ban hành các quy chế về tổ chức và hoạt động của tổ chức môi giới BĐS, tổ chức tư vấn BĐS, tổ chức định giá BĐS, tổ chức quản lý sàn giao dịch BĐS, tổ chức quản lý BĐS.
+ Nhà nước cần tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong đăng ký BĐS giữa Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng… đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
kinh doanh BĐS.
+ Sớm sửa đổi, bổ sung quy định về giải quyết mâu thuẫn giữa Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS về điều kiện cho phép nhà đầu tư được bán tài sản hình thành trong
tương lai đồng thời ban hành quy định hiểu như thế nào là “móng nhà” và “hạng mục công trình kỹ thuật” của một dự án kinh doanh BĐS.
+ Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về BĐS để cho các nhà đầu tư dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin trước khi đi đến quyết định có đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS hay không.
Thứ hai: Nhà nước cũng nên cho các công ty kinh doanh BĐS được phép xây
dựng căn hộ 25m2 trở lên với một tỷ lệ nhất định. Vì hiện nay, căn hộ lớn, diện tích lớn, chất lượng cao sang trọng thì lại khó bán vì vượt quá sự chi trả của người dân, trong khi đó nhu cầu thực có thể thanh toán được chỉ tập trung trong khoảng từ 1 đến 3 tỷ đồng. Việc điều chỉnh diện tích căn hộ xuống còn 25m2 trở lên cũng khắc phục được hạn chế của 2 loại hình nhà tở hiện có. Cụ thể, nhà nước tạo cơ chế về đất đai cho doanh nghiệp làm ra sản phẩm, tuy nhiên khác với nhà ở xã hội, doanh nghiệp không được miễn tiền sử dụng đất mà vẫn nộp tiền theo khung giá nhà nước ban hành. Mức độ lợi nhuận của doanh nghiệp khi làm dự án nhà ở dạng này không bị khống chế ở 10% như nhà ở xã hội mà cao hơn.
Thứ ba: Nhà nước cũng nên xem xét việc rà soát cho vay, miễn giảm thuế các dự
án thu nhập thấp, nhà ở xã hội, xem xét lại tái cơ cấu doanh nghiệp, điều chỉnh vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư dự án BĐS, nghiên cứu thành lập cơ quan tái thế chấp chứng khoán hoá BĐS nhằm tìm ra hướng hình thành nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho thị trường, sửa đổi bổ sung chính sách thuế, xem xét thuế thu nhập cá nhân, sửa đổi bổ sung Luật chứng khoán quy định hỗ trợ thị trường BĐS phát triển.