Hiện tượng thiếu vốn đầu tư là khó khăn chung hiện nay của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS. Việc tăng nguồn vốn kinh doanh sẽ giúp công ty tăng them sức cạnh tranh của mình so với đối thủ cạnh tranh và có thế kịp thời nắm bắt các dự án. Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng rất lớn bởi nguồn lực tài chính, vì thiếu vốn kinh doanh nên công ty chưa phát huy hết được tiềm lực của mình. Do vậy để tăng nguồn vốn kinh doanh của mình công ty nên tìm kiếm các nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn, cụ thể như sau:
* Tìm kiếm nguồn vốn ngắn hạn:
- Gia tăng khả năng chiếm dụng vốn của công ty: Để đảm bảo nhu cầu vốn lưu động của mình trước hết công ty phải huy động tối đa các nguồn lực tài chính bên trong của mình, tăng cường huy động các nguồn vốn ngắn hạn chưa đến hạn thanh toán như: các khoản phải trả công nhân viên, thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước chưa đến kỳ hạn phải trả. Lợi thế của các khoản này là chi phí thấp.
- Nguồn vốn ngắn hạn của công ty cũng có thể được huy động từ khách hàng là người mua căn hộ, nhà, đất,…Đây đang là một kênh huy động vốn mang lại hiệu quả cao cho công ty. Thông thường, các chủ đầu tư áp dụng hai hình thức hợp đồng:
+ Hợp đồng góp vốn xây dựng (biệt thự, căn hộ chung cư,…) hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
+ Hoặc hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, nhà, đất.
Khi tổ chức huy động “vốn” từ khách hàng là người mua căn hộ, nhà, đất,… cần chú ý trên hợp đồng càng chi tiết càng tốt; đồng thời, chủ đầu tư phải thực hiện đúng những cam kết với khách hàng. Đây chính là uy tín, là thương hiệu của chủ đầu tư.
* Tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn:
- Vốn dài hạn từ ngân sách Nhà nước: Hiện nay nguồn vốn dài hạn của công ty do ngân sách nhà nước cấp thông qua ngân hàng nhà nước. Nguồn vốn của công ty được cấp nhiều hay ít phụ thuộc vào tính khả thi trong các dự án của công ty và hiệu quả kinh doanh hàng năm của công ty mang lại. Do vậy để có thể huy động nhiều hơn
nữa nguồn vốn kinh doanh dài hạn thì công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội bắt buộc phải làm ăn có hiệu quả, phải xây dựng và khẳng định được tên tuổi của mình trên thị trường kinh doanh BĐS, đồng thời phải nâng cao tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai.
- Tăng nguồn vốn chủ sở hữu: Hàng năm ngoài việc phải nộp thuế và một phần lợi nhuận cho ngân sách nhà nước thì lợi nhuận của công ty vẫn được giữ lại nhằm duy trì hoạt động kinh doanh của công ty trong những năm tiếp theo. Do vậy để tăng nguồn vốn chủ sở hữu tức là phải tăng lợi nhuận giữ lại của công ty. Muốn vậy thì công ty phải nâng cao hơn nữa việc sử dụng các nguồn lực, phát huy hơn nữa lợi thế kinh doanh của mình nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty.
- Nguồn vốn dài hạn của công ty còn có thể được huy động từ việc vay vốn của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên hiện nay khả năng huy động nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại đang gặp rất nhiều khó khăn vì mục tiêu nâng cao tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại là ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, với tỷ lệ lãi suất tiền vay 18-19%, dòng vốn truyền thống từ ngân hàng cũng không phải là kênh phù hợp đối với BĐS lúc này.
Trong bối cảnh đó, việc trông vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một cách huy động vốn đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nhưng nó không phổ biến. Bởi theo các nhìn nhận, đừng mơ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để cứu, bơm tiền. Họ cũng phải tìm cách thức và lợi nhuận sao cho được nhiều nhất từ thị trường, mà điều này là không thống nhất với nhà đầu tư trong nước về mục tiêu.
Đó là chưa kể thực tế đáng lo ngại là nguồn FDI đăng ký vào Việt Nam và BĐS đã giảm mạnh kể từ 3 năm gần đây. Nếu như năm 2008 FDI đăng ký vào BĐS đạt mốc đỉnh khoảng 23 tỷ đôla, năm 2009 còn khoảng 21 tỷ đôla thì năm 2010, con số này còn khoảng 6,8 tỷ và 2011 chỉ còn khoảng nửa tỷ đôla.