III. Đánh giá công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư tạ
2. Hạn chế
3.2. Nguyên nhân từ phía khách hàng
Với những điều kiện hạn chế của một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa làm quen được với cơ chế mới, khả năng tài chính yếu kém, kiến thức về quản lí, về luật kinh tế còn thấp. Điều này đặc biệt đúng với nhiều doanh nghiệp Nhà nước, vốn là bộ phận không nhỏ khách hàng chủ yếu của công ty cho thuê tài chính ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam. Vì vậy công ty cũng bị ảnh hưởng bởi sự yếu kém của khu vực này trong khi điều hành hoạt động của dự án.
Mặt khác, nhiều khách hàng là doanh nghiệp tư nhân chuẩn bị hồ sơ không tốt do thiếu trình độ hoặc không đủ tiền thuê tư vấn, khiến công ty tốn nhiều thời gian thẩm định. Đáng báo động hơn, hiện tượng doanh nghiệp không hoàn toàn hợp tác với công ty đang dần trở nên phổ biến. Doanh nghiệp không cung cấp đủ thông tin hoặc các thông tin cung cấp lại phản ánh sai lệch thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hiệu quả của dự án. So sánh 2 báo cáo tài chính không được kiểm toán trung thực của cùng một doanh nghiệp ở cơ quan thuế và ở công ty cho thuê tài chính, người ta có thể thấy sự đối nghịch giữa các số liệu, sự “vận dụng linh hoạt” các thủ thuật kế toán. Bởi vì doanh nghiệp vừa muốn giảm đến mức thấp nhất khoản thuế phải nộp, vừa hy vọng huy động được vốn vay từ công ty càng nhiều càng tốt. Như vậy, thiếu thông tin chính xác từ chính khách hàng dẫn đến thời gian thẩm định kéo dài, tính hiệu quả của dự án không đủ độ tin cậy. công ty bị hạn chế khả năng nhận biết rủi ro và khả năng thu lợi nhuận sẽ trở nên dè dặt, thận trọng trong việc cung cấp tín dụng, rốt cuộc vai trò của thẩm định tài chính dự án bị giảm sút một cách nghiêm trọng.
Hiện nay thông tin ở nước ta chưa được quản lí chặt chẽ, quy củ để tạo nên một thị trường thông tin hoàn hảo. Các thông tin thu thập từ khách hàng phần nhiều là sai lệch, thông tin tham khảo từ các Bộ ngành liên quan không nhiều, mang tính chất chắp vá, có khi lại trái ngược nhau. Thực vậy, cán bộ thẩm định không được cập nhật thông tin một cách nhanh chóng mà chỉ dựa vào kế hoạch sản xuất hoặc chương trình đầu tư do các Bộ ngành chủ quản cung cấp. Ví dụ như đầu năm 2000, sản lượng mía đường được thông báo theo nhu cầu là 1 triệu tấn, sau khi sản xuất, xác định lại nhu cầu chỉ là 800 nghìn tấn. Một số ngành công nghiệp mũi nhọn với những dự án đầu tư lớn như khí đốt, dầu mỏ thì tài liệu tham khảo và dự án để so sánh lại chưa có, nếu có cũng là lần đầu tiên xuất hiện. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá xác định hiệu quả thực tế của dự án.
Môi trường kinh tế - xã hội những năm gần đây tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều bất ổn với tình trạng lạm phát - giảm phát, khủng hoảng cung - cầu. Thành phần chủ đạo trong nền kinh tế là các doanh nghiệp cổ phần hoá gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lẫn tiêu thụ, vốn tự có ít, công nghệ lạc hậu, chủ yếu đầu tư bằng vốn vay từ các ngân hàng, công ty chho thuê tài chính và vốn ngân sách cấp. Các dự án xin vay vốn từ công ty cho thuê tài chính ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam của doanh nghiệp nhà nước tuy chưa được thẩm định rõ về mặt tài chính đã được các cơ quan cấp trên phê duyệt, cho nhận xét tốt. Chịu sức ép chính trị của những “vận động hậu trường”, quyết định cho vay của các ngân hàng quốc doanh không chỉ căn cứ vào tính hiệu quả của dự án mà bị chi phối bởi các chỉ tiêu, kế hoạch của nhà nước. Đối với những dự án đầu tư của thành phần ngoài quốc doanh, công ty lại quá chú trọng đến vấn đề bảo lãnh, thế chấp tài sản... Vì vậy, việc thẩm định nhiều khi chỉ mang tính hình thức.
Ngoài ra, cơ chế chính sách và hệ thống văn bản pháp lý về quản lý đầu tư trong nền kinh tế nói chung và trong hoạt động cho thuê nói riêng còn chồng chéo mà vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Việc có quá nhiều quy chế cũng như việc để các quan chức địa phương tuỳ tiện áp dụng quy chế không những tạo cơ hội tham nhũng rộng khắp mà còn gây trở ngại cho gia tăng đầu tư. Mặc dù nguồn vốn luôn là vấn đề bức xúc hiện nay song khu vực kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn khi đầu tư bởi các quy định, đòi hỏi có liên quan đến cơ chế giấy phép. Ngược lại các doanh nghiệp
nhà nước dù có làm ăn thua lỗ thì vẫn có thể tìm đến các thể chế chính trị xin tự cấp để tiếp tục đầu tư hay trả nợ công ty. Nguồn vốn đầu tư không hiệu quả là nguồn vốn bị lãng phí, công tác thẩm định hiện chưa nhìn nhận đúng đắn chính là bởi nguyên nhân này. Môi trường kinh doanh bình đẳng với cơ chế chính sách ổn định hơn nhất định sẽ tạo điều kiện cho nhiều dự án lớn có thời hạn dài được thành lập để phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tóm lại, hoạt động thẩm định dự án trong những năm gần đây đã có nhiều đóng góp vào việc nâng cao chất lượng tín dụng của công ty cho thuê tài chính ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam, song bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Để đưa công ty cho thuê tài chính tiếp tục phát triển vững mạnh, trở thành công ty cho thuê tài chính đứng đầu trong khu vực vào thập kỉ tới, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm xoá bỏ những hạn chế đó và hoàn thiện hoạt động thẩm định.
CHƯƠNG III
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THẨM ĐỊNH TÀI CHÍNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI CÔNG TY CHO THUÊ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
ĐẦU TƯ – PHÁT TRIỂN VIỆT NAM