a) Ảnh hưởng của môi trường ngành:
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nào thì sẽ chịu tác động bởi những đặc trưng của môi trường ngành đó. Theo đó hệ thống tài khoản, sổ sách kế toán, phương pháp kế toán ở các doanh nghiệp sẽ phải được xây dựng để phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh. Một doanh nghiệp thương mại với nghiệp vụ chính là mua bán hàng hoá sẽ không sử dụng hệ thống các tài khoản tập hợp chi phí sản xuất sản phẩm, các sổ sách theo dõi chi phí sản xuất như một doanh nghiệp sản xuất. Đối với một doanh nghiệp dịch vụ thì sẽ không sử dụng TK 5212 – Hàng bán bị trả lại, bởi đặc trưng của sản phẩm dịch vụ là không thể dự trữ, bởi vậy khi kế toán xác định kết quả thì sẽ không có nghiệp vụ kết chuyển doanh thu hàng bán bị trả lại để xác định doanh thu thuần. Hay đối với doanh nghiệp xây lắp thì doanh thu và chi phí được theo dõi cho từng công trình, từng dự án để phục vụ cho việc nghiệm thu, quyết toán công trình cũng như việc xác định, đánh giá lợi nhuận của từng công trình.
Như vậy, có thể thấy rằng, do ảnh hưởng của các đặc trưng khác nhau của từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà hệ thống tài khoản sử dụng, phương pháp kế toán, trình tự kế toán nói chung và kế toán kết quả kinh doanh nói riêng cũng khác nhau.
b) Sự khác nhau của chế độ kinh tế ở mỗi thời kỳ:
Kế toán có vai trò là công cụ quản lý kinh tế quan trọng của doanh nghiệp. Nó chịu sự tác động của các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô như chế độ chính trị, xã hội, hệ thống pháp luật và trình độ phát triển của nền kinh tế. Khi các yếu tố này thay đổi thì kế toán cũng phải có sự điều chỉnh để phù hợp với môi trường mới, hay nói cách khác, kế toán sẽ thay đổi khi môi trường mà nó phục vụ thay đổi.
Trong xu thế hội nhập như hiện nay, đòi hỏi hệ thống kế toán Việt Nam phải có sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, đồng thời hoà nhập với thông lệ kế toán quốc tế. Và tất nhiên những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến kế toán kết quả kinh doanh.
Trong những năm về trước để đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế mới với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế thì Thủ Tướng Chính Phủ đã ra quyết định 1177TC/QĐ/CĐKT ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng thống nhất trên cả nước từ ngày 1/1/1997 và Quyết định sửa đổi, bổ sung số 144/2001/QĐ – BTC. Qua nhiều năm phát triển của nền kinh tế và đưa vào thực hiện thì Chính Phủ ban hành chế độ kế toán mới theo Quyết định 48/2006/QĐ- BTC ban hành ngày 14/09/2006 thay thế cho quyết định cũ để đáp ứng sự thay đổi của nền kinh tế đang hội nhập và để chế độ kế toán Việt Nam đến gần hơn với chế độ kế toán quốc tế.
Theo quyết định 1177TC/QĐ/CĐKT và quyết định 144/2001/QĐ- BTC (Sửa đổi, bổ sung) thì tài khoản loại 5: “Doanh thu” chỉ gồm doanh thu bán hàng và các khoản giảm trừ doanh thu. Theo quyết định này thì doanh nghiệp sẽ không có doanh thu tài chính mà chỉ có chi phí tài chính. Do sự phát triển của nền kinh tế nên các doanh nghiệp ngày càng có nhiều hoạt động kinh doanh, và hoạt động tài chính cũng trở thành một hoạt động đem lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, theo quyết định 48/2006/QĐ- BTC thì thu nhập từ hoạt động tài chính là một khoản doanh thu của doanh nghiệp bên cạnh chi phí tài chính và được phản ánh vào TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.
Theo quyết định 1177 TC/QĐ/CĐKT và quyết định 144/2001/QĐ- BTC (sửa đổi, bổ sung) thì không có chi phí thuế TNDN. Thuế lợi tức phải nộp được trừ vào lãi chưa phân phối:
Nợ TK 421: Lãi chưa phân phối.
Có TK 3334: Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Như vậy sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và được coi như một khoản nợ mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả cho Nhà nước. Điều này không phản ánh chính xác được kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn theo quyết định 48/2006/QĐ- BTC thì có chi phí thuế TNDN và được phản ánh vào TK 821 – Chi phí thuế TNDN. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được xác định là một khoản chi phí và được hạch toán vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vào cuối kỳ:
Nợ TK 821: Chi phí thuế TNDN hiện hành. Có TK 3334: Thuế TNDN.
Cuối kỳ kết chuyển chi phí thuế TNDN hiện hành: Nợ TK 911: Xác định kết quả kinh doanh.
Có TK 821: Chi phí thuế TNDN hiện hành.
Như vậy, việc ban hành Quyết định 48/2006/QĐ – BTC đã đánh dấu sự hoàn thiện hơn của chế độ kế toán đồng thời với sự ra đời của chuẩn mực kế toán.
Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ (Quyết định 48) được xây dựng trên cơ sở áp dụng đầy đủ 7 chuẩn mực kế toán thông dụng trong đó kế toán kết quả kinh doanh sẽ áp dụng đầy đủ 2 chuẩn mực sau: VAS 01 – Chuẩn mực chung và VAS 14 - Doanh thu và thu nhập khác; áp dụng không đầy đủ 12 chuẩn mực kế toán, trong đó kế toán kết quả kinh doanh áp dụng không đầy đủ 2 chuẩn mực: VAS 02 – Hàng tồn kho (nội dung không áp dụng: phân bổ chi phí sản xuất chung cố định theo công suất bình thường máy móc thiết bị) và VAS 17 – Thuế TNDN (nội dung không áp dụng: Thuế thu nhập hoãn lại); không áp dụng 7 chuẩn mực kế toán do không phát sinh ở doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc do quá phức tạp không phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa.