Loại hình nhân vật tiểu thuyết tài tử giai nhân

Một phần của tài liệu Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân (Trang 29)

7. Cấu trúc của luận văn

1.1.4.Loại hình nhân vật tiểu thuyết tài tử giai nhân

Trong tiểu thuyết tài tử giai nhân thường xuyên xuất hiện ba loại hình nhân vật là : tài tử, giai nhân và tiểu nhân.

1.1.4.1. Loại hình nhân vật tài tử.

Xét về nguồn gốc lịch sử, tài tử thể hiện rõ nét phong độ nhân cách lý tưởng thời Ngụy Tấn. Xét về nguồn gốc vùng, mang khí chất, địa vực điển hình Giang Nam.Ví dụ Tô Hữu Bạch là người Nam Kinh, Yến Bạch Hàm, Tưởng Thanh Nham… đều là người Phương Nam. Ông Nhiệm Minh Hoa cho rằng văn nhân Giang Nam văn tài phong lưu, mang tinh thần thời đại Minh Thanh, giương cao ngọn cờ phản đối Lý Học Trình Chu, phản ánh thói quen thời thượng văn nhân Phương Nam. Theo thống kê của các học giả Trung Quốc thì có tới hơn nửa số tác giả là người Phương Nam và cũng già nửa số nhân vật chính trong truyện là nhân vật Phương Nam. [xem thêm 71, tr. 26 - 28 ], [76, tr. 353, 354, 355]

Tiểu thuyết tài tử giai nhân đã mô thức hóa được một loại hình nhân vật nhân cách mang tính điển phạm cao độ, đó chính là hình tượng tài tử. Một nhân vật đáp ứng những tiêu chí sau đây được coi là tài tử: Tài, sắc, tình, hiệp. Đây là đặc trưng của tài tử. Thứ nhất, tài của tài tử, tài hoa là nhân tố trung tâm của tài tử. Lật giở bất cứ cuốn tiểu thuyết tài tử giai nhân nào chúng ta đều thấy hình tượng tài tử lý tưởng: khẩu là khẩu tú, tư tưởng có thần, tâm là cẩm tâm, thơ ca có hồn, nét bút như mưa, khí thế như mây, có tài cầm quân đánh giặc... Họ thường lấy tài hoa để tự hào, cho rằng “thế gian nhân sinh, tài hoa là không thể thiếu được” (Lƣỡng giao hôn). Tài trở thành tiêu chuẩn trọng yếu để kén

rể, các bậc cha mẹ thường đề thơ để kén rể cho con gái mình. Tài hoa có lực hấp dẫn và sức hút vô cùng mãnh liệt đối với giai nhân, đặc biệt là tài năng thơ ca. Tài tử, ngoài có tài, cũng đòi hỏi tài tử phải có sắc. Sắc là một trong những tiểu chí của tình yêu. Quan niệm này so với quan niệm hôn nhân “môn đăng hộ đối” là sự tiến bộ rõ rệt. Sắc là vật chất cơ bản của tình yêu, ái mộ sắc là thể hiện bản tính tự nhiên của con người. Tiểu thuyết tài tử giai nhân miêu tả sắc thường là dung mạo tuấn tú, tướng mạo phong lưu, phần nhiều là miêu tả mang tính trừu tượng. Ngoài tài, sắc, một phương diện không thể thiếu được của nhân cách tài tử là chủ động tìm kiếm tình yêu. Thể hiện xuất sắc nhất của tinh thần chủ thể nhân cách lý tưởng tài tử là chủ động và si tình. Tác giả đã đem ý thức thẩm mỹ tinh thần thời đại dung hợp vào trong hình tượng tài tử, làm cho nhân cách tài tử thể hiện một đặc chất mới, đó chính là tình. Tô Hữu Bạch nói: “Có tài vô sắc, không được coi là giai nhân, có sắc vô tài, cũng không được coi là giai nhân, có tài, có sắc, không có tình, không được coi là giai nhân”.( Ngọc Lê Kiều). Để có được tình này, hai bên phải chủ động tìm kiếm, không câu nệ hiếu đạo, đi ngược lại với sự sắp xếp, mệnh lệnh của cha mẹ để tìm cho mình tình yêu. Có thể thấy tài tử tìm kiếm tình yêu đã có những đặc điểm của ái tình hiện đại. Một đặc tính nữa cũng không thể thiếu được của tài tử là tinh thần hiệp nghĩa. Chủ yếu nhất là người của tài tử có khí chất và tình thần phiêu lưu, lấy sự phóng khoáng trong cá tính để đối kháng tập tục xã hội, thường là vứt bỏ công danh, tìm kiếm ái tình, coi “Công danh phú quý như phù vân” (Xuân Liễu Oanh)

1.1.4.2. Loại hình nhân vật giai nhân.

Hình tượng giai nhân là hình tượng trọng điểm được giới nghiên cứu Trung Quốc chú ý. [71, tr. 26 - 29]

Gần đây nghiên cứu về nguồn gốc hình tượng giai nhân, ông Kỷ Đức Quân cho rằng, các tác giả tiểu thuyết tài tử giai nhân thường mượn tài và mạo của các danh kỹ thời cổ để mỹ hóa cho giai nhân trong tiểu thuyết. Đi sâu hơn nữa vào nguồn gốc của giai nhân, ông Kỷ cho rằng, nguyên hình của hình tượng giai nhân có lẽ là kỹ nữ cổ đại. Quan điểm này khá thuyết phục, bởi ông dẫn ra câu nói của Tô Hữu Bạch nói với Lưu Ngọc Thành ở hồi thứ 5 (Ngọc Lê Kiều) khi nói về hình tượng giai nhân lý tưởng, Lưu Ngọc Thành nói, “loại người như vậy, trừ khi đến kỹ viện mà tìm thì mới thấy”.

Hình tượng giai nhân trong tiểu thuyết tài tử giai nhân xuất hiện đã thể hiện một loại đặc trưng mới, đã phá vỡ quan niệm tình yêu hôn nhân truyền thống, đó chính là các vẻ đẹp: Mạo, tài, tình, thức.

Trước hết về mạo, mạo là tướng mạo, hình dáng, hình tượng bên ngoài. Sắc mạo là thuộc tính tự nhiên của con người, là điều kiện bên ngoài của nam nữ thanh niên, là vật chất cơ bản của tình yêu, tìm kiếm sắc mạo trong tình yêu là chống lại quan niệm hôn nhân phong kiến. Chúng ta đều biết, thực chất và mục đích của quan niệm hôn nhân phong kiến là “thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường (Lễ ký- Hôn nghĩa), cái gọi là “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, yêu cầu nam nhi “lấy vợ cần đức không cần sắc”. Tiểu thuyết tài tử giai nhân đòi hỏi và miêu tả vẻ đẹp hình thức của nữ nhi là đi ngược lại với yêu cầu quy dung (quay vào bên trong) trong Nữ giới và không cần sắc đẹp trong Lễ ký

nó phù hợp ý nghĩa chân thực của tình yêu hôn nhân, vì thế nó có ý nghĩa tiến bộ. Hơn nữa, ngoài mạo ra, hình tượng giai nhân lý tưởng không thể thiếu được là tài hoa. Tài hoa mà mỗi giai nhân cần có đó là tài làm thơ, tài đánh đàn, văn chương sách vở, thậm chí cả tài trị quốc. Tác giả rất đề cao và tán dương tài của giai nhân, nó thể hiện sự phủ định đối với quan niệm “nam tôn nữ khinh”, đồng thời chống lại quan niệm “nữ không cần tài chỉ cần đức”. Đáng chú ý hơn nữa là, tác giả không chỉ miêu tả tài hoa thơ phú mà còn miêu tả tài năng thẩm thời độ thế, liệu sự chống giặc, như Quản tiểu thư trong tiểu thuyết (Ngọc chi cơ). Tiểu thuyết tài tử giai nhân là tiểu thuyết ái tình, do vậy tình là một vẻ đẹp không thể thiếu được của giai nhân. (xem thêm quan niệm tình yêu trong luận văn này). Nó xuất hiện một đặc trưng mới của tình yêu, phản ánh một loại quan niệm hôn nhân lấy tình là chủ. Nam nữ yêu nhau, không chỉ bản thân trọng tình mà còn đòi hỏi đối tượng của mình cũng phải trọng tình. Trọng tình của giai nhân không chỉ biểu thị trong tình yêu lấy tình làm trọng mà còn biểu hiện trung trinh đối với tình yêu, đến chết không thay đổi. Quan niệm tình yêu lấy tình làm chủ là một bước tiến so với quan niệm hôn nhân lấy mệnh lệnh của cha mẹ làm chủ. Quan niệm tình yêu này gần với quan niệm tình yêu hiện đại. Sau cùng là vẻ đẹp về thức. Giai nhân trong tiểu thuyết tài tử giai nhân không chỉ có tài tình mà còn cần phải dũng cảm chủ động tìm kiếm tình yêu, thể hiện một vẻ đẹp về dũng khí . Trước hết thể hiện trên lĩnh vực tìm kiếm tình yêu, như trong Lê Ngọc Kiều,

tìm được người tình lý tưởng của mình, Lữ Mộng Lê chủ động cải trang giả trai, dũng cảm hẹn gặp Tô Hữu Bạch. Hơn nữa trong quá trình yêu nhau, tài tử và giai nhân gặp vô vàn trắc trở, giai nhân chủ động, dũng cảm đấu tranh để giành lấy tình yêu và hạnh phúc cho mình .

1.1.4.3. Loại hình nhân vật tiểu nhân.

Tiểu nhân là nhân vật có chức năng phá hoại trong tiểu thuyết tài tử giai nhân. Thực chất tiểu nhân là hóa thân của cái ác trong cuộc sống. Và kết cục của tiểu nhân thông thường cuối truyện bị trừng trị đích đáng.

Một phần của tài liệu Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân (Trang 29)