Đôi nét về triết học Phật giáo triều Trần

Một phần của tài liệu Vai trò của Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần Việt Nam (Trang 46)

8. Kết cấu của luận văn

1.2.2.Đôi nét về triết học Phật giáo triều Trần

Triết học Phật giáo triều Trần đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa, xã hội Đại Việt, đặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần, mang đậm màu sắc của triết học Thiền tông Việt Nam. Triết học triều Trần theo truyền thống triết học phương Đông, không tuân thủ theo tính hệ thống, tính lôgíc

chặt chẽ như các hệ thống triết học phương Tây. Tuy nhiên các Thiền sư đời Trần vẫn bàn đến những vấn đề bản thể luận, nhận thức luận, nhân sinh một cách tự phát, rải rác, tản mạn chứ không thành hệ thống, phân định rạch ròi. Mặt khác, ta cũng biết, những vấn đề trên được bàn đến khá nhiều trong các bản dịch kinh Kim Cương, kinh Lăng Già, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa,.v.v... Những bộ kinh này, các thiền sư triều Trần thường coi là cơ sở tư tưởng của mình. Điều này có nghĩa là những vấn đề bản thể luận, nhận thức luận, nhân sinh có liên quan chặt chẽ đến hầu hết các vấn đề trọng yếu của triết học thiền, bằng cách này, hay cách khác, các thiền sư vẫn đề cập đến dù không có hệ thống và tự phát.

Trong triết học thiền triều Trần, chúng ta gặp thường xuyên vấn đề được các thiền sư đặc biệt quan tâm, đó là “cái tâm” vốn có trong mỗi con người. Có thể nói, toàn bộ dòng tư tưởng triết học đó được bắt đầu từ tâm và kết thúc cũng ở tâm. Nếu ta gạt bỏ khía cạnh duy tâm và tôn giáo ra thì tâm là toàn thể vũ trụ dù tồn tại hay không tồn tại, dù hữu hạn hay vô hạn, dù thường biến hay bất biến cũng nằm trong cái tâm, có lẽ vì thế mà các thiền sư gọi thiền tông là tâm tông. Đối tượng là cái tâm và mục đích của triết học thiền triều Trần cũng là đạt tới cái tâm tĩnh lặng, hư không. Các vị thiền sư cho rằng, mục đích tối hậu của mình là trở về với chính cái tâm ban đầu, uyên thâm của mình, như Tuệ Trung Thượng Sĩ đã khẳng định: “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ một ai khác”[5;154].

Quay trở về với cái tâm tĩnh lặng của chính mình bằng con đường nào và bằng cách nào? Các thiền sư đã đặt nhiệm vụ cho mình về cả mặt lý luận lẫn thực tiễn. Nói theo nhà Phật là “Tôi chứng, tôi thành, tôi thoát”. Có nghĩa là về mặt lý luận phải thấu hiểu chân lý hư không, còn về thực tiễn là phải trở lại hoặc đồng hòa với chân lý đó. Cả hai mặt này được thực hiện đồng thời trong sự chứng ngộ ngay tại cuộc sống hiện thực. Có lẽ đây

cũng là một điểm gặp của triết học Phật giáo với triết học hiện đại trong vấn đề tự ý thức.

Những vấn đề về bản thể luận của triết học Phật giáo triều Trần được thể hiện trong nội dung các khái niệm: Tâm, vạn pháp, vô thường. Tâm là một khái niệm rất phức tạp nhưng cũng rất quan trọng trong triết học Phật giáo, nó bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau với những cấp độ khác nhau. Theo kinh Kim Cương, khái niệm này bao hàm ba từ: thức, ý và tâm. Bộ ba này, đến lượt nó tạo ra những yếu tố mới như tâm ý, tâm thức, ý thức. Các thiền sư triều Trần nhấn mạnh đến cái tâm, coi nó là cái gốc của vạn pháp, sinh ra, hàm chứa cả thế giới, điều này có nghĩa là họ đã xuất phát từ mặt chủ quan, tình cảm của tâm để triển khai ra thế giới hiện tượng.

Thế giới hiện tượng được triết học Phật giáo phản ánh trong khái niệm Pháp, mang những ý nghĩa sau:

1. Phẩm chất, thuộc tính, vị từ.

2. Cái mạng thực thể, bản thể tiên nghiệm của một yếu tố đơn nhất thuộc đời sống ý thức.

3. Yếu tố cấu thành đời sống ý thức.

4. Niết bàn tuyệt hảo, đối tượng học thuyết của đức Phật. 5. Cái tuyệt đối, cái thực tại chân thật.

6. Học thuyết tôn giáo của đức Phật. 7. Vật, vật thể, khách thể, hiện tượng.

Như vậy, khái niệm Niết bàn bao hàm cả vật chất lẫn ý thức, cả thế giới hiện tượng lẫn thế giới chân thật, cả vật thể lẫn tâm. Các thiền sư thường quan tâm đến ý nghĩa thứ 2, 3 và 7 để nhấn mạnh tính vô thường và đời sống ngắn ngủi của thế giới hiện tượng ấy với sự biến đổi, lưu chuyển không ngừng của sự sinh diệt. Thế giới đó tự hủy hoại và tan biến đi khi cái tâm ngừng định, tĩnh lặng. Như vậy, xét về thế giới quan, ta có thể thấy

triết học Phật giáo triều Trần đứng trên nền tảng của chủ nghĩa duy tâm chủ quan với điểm xuất phát là “tâm linh”.

Để đạt đến chân tâm – bản thể tuyệt đối, các thiền sư thường bàn đến những vấn đề như thiền, kiến tính, đốn ngộ, chân tâm,.v.v... Những vấn đề này không thuần túy là những vấn đề nhận thức luận theo hệ thống triết học phương Tây như đối tượng, mục đích, bản chất, quá trình nhận thức, khách thể và chủ thể nhận thức, song chúng cũng không hoàn toàn xa lạ và độc lập với hoạt động của nhận thức thông thường. Thiền, kiến tính, đốn ngộ, trên một khía cạnh nào đó là một hoạt động nhận thức đặc biệt, xét cho cùng cũng chỉ là hoạt động của tâm thức, bằng cách nào đó làm bừng sáng và hiển lộ tự tính chân tâm. Vì vậy, chúng ta có thể nói, thiền, kiến tính, đốn ngộ là những vấn đề có tính nhận thức luận đặc biệt của thiền tông.

Theo các thiền sư triều Trần, đối tượng và mục đích của người hành thiền là phải kiến tính cái tâm của chính mình, nói cách khác là lấy cái tâm của mình để trực nhận và trở thành chính cái tâm ấy ở trạng thái vốn có, nguyên thủy của nó. Nói là đối tượng mà không có đối tượng nào cả vì chủ thể nhận thức và khách thể trực nhận đó là một, không thể phân chia. Do đó, nhiệm vụ của hoạt động tâm thức này không phải diễn đạt bằng ngôn từ, cũng không thể phân tích bằng tư duy lôgíc mà là “Trực chỉ nhân tâm”. Nghĩa là phải vượt qua mọi hàng rào tư tưởng, ngôn ngữ và buông bỏ mọi sự vẩn đục, mờ tối của các kiếp luân hồi, sinh tử để chiếu thẳng vào bản thể tuyệt đối một cách trực tiếp, không thông qua bất kỳ một khâu trung gian nào. Đây cũng chính là nhiệm vụ của kiến tính. Mặt khác, cái tự tính chân tâm là một toàn thể không có những thành phần hay bộ phận, cũng không thể phân ly. Cái chân tâm chỉ tự hiển lộ trong sự loé sáng đột ngột. Bản chất của sự hoạt động tâm thức trên là tia sáng của trực giác, linh cảm, cái mà các thiền sư gọi là đốn ngộ. Điều cốt yếu nhất của đốn ngộ là hành động tức thì, nhanh chóng, còn nếu chần chừ, do dự, lập tức bị rơi vào bóng tối

vô minh. Xuất phát từ những vấn đề trên mà phương pháp thực hiện sự kiến tính và đốn ngộ cũng đặc biệt. Các thiền sư thường sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện sự khai ngộ như tham vấn thiền, dùng thoại đầu, công án, những lời nói “kỳ đặc”, những cử chỉ đầy bí ẩn.v.v...

Tính chất đặc biệt của những phương pháp này là không trực tiếp tham gia vào bản thân sự khai ngộ, mà ở ngoài và chỉ gián tiếp kích thích sự bừng tỉnh nội tâm trong con người. Như vậy, nói là phương pháp nhưng thực ra không có phương pháp nào cả, bởi bản thân sự khai ngộ phải được bản thân con người tự thực hiện lấy. Để khai ngộ, mỗi người phải tự mình khai mạch nước ngầm chính ngay tâm mình. Vậy, ngay cả việc “truyền tâm, ấn chứng” thực ra là chẳng truyền, chẳng ấn chứng gì ngoài sự gợi ý. Cái tâm cần ấn chứng ấy vốn đã có sẵn trong mỗi chúng sinh rồi.

Trong tư tưởng triết học thiền của triết học Phật giáo triều Trần đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân sinh. Đó chính là những vấn đề quan yếu của đời sống thiền. Về mặt lý luận, mục đích cuối cùng của thiền là trực nhận và trở thành đồng nhất với chân tâm. Nhưng thiền lại không chỉ là lý luận và các thiền sư cũng không bao giờ coi thiền là một hệ thống lý luận, thiền chỉ đơn giản là cuộc sống của mỗi người thực hành thiền. Vì thế, vấn đề cốt lõi nhất trong triết lý nhân sinh là cái chân tâm vi diệu khi đã đạt được, được thể hiện trong cuộc sống của thiền sư, đối với họ, không thể có sự đắc đạo bằng chính cuộc đời mình. Vấn đề sinh tử là vấn đề phải được giải quyết triệt để. Triệt để không phải là lẩn tránh sự sinh tử, cũng không dừng lại ở chỗ thừa nhận nó về mặt lý luận mà là đạt đến nó trong sự trực nhận cái “vô tâm”, “vô niệm”. Đó là tinh thần không vướng mắc, cũng không lầm lẫn sinh tử, đã vô tâm, vô niệm thì biển sinh tử liền ngừng chỉ, tĩnh lặng. Ở trạng thái đó, thiền sư coi sinh tử là một, chỉ tồn tại tự nhiên trong thế giới hữu vi và họ ung dung “thản nhiên mà đi hoặc thản nhiên mà ở”. Khi đã thấu đạt lẽ sinh tử, các thiền sư có thái độ sống, lối sống như thế

nào? Lối sống của họ có ảnh hưởng gì đến quần chúng nhân dân Đại Việt? (chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này trong chương 2).

Các thiền sư hiểu rất rõ cuộc đời ngắn ngủi, vô thường và không muốn thời gian trôi đi một cách vô ích nên họ tích cực nhập cuộc và mong muốn cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho sự nghiệp “đạo”, “đời”. Chính lối sống tích cực này mà các thiền sư đời Trần đã có những đóng góp lớn lao cho xã hội.

Tóm lại, triết học Phật giáo triều Trần có khuynh hướng nội tâm và biện tâm với tinh thần nhập thế tích cực.

Xu hướng nội tâm để cầu bắt chân lý tối hậu đã xuất hiện từ các thiền sư đời Lý. Nhưng nó chỉ được định hình rõ rệt và trở thành kim chỉ nam cho thiền tông đời Trần, bắt đầu từ lời khuyên của quốc sư Trúc Lâm: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng”[84;28]. Trong tư tưởng triết học của mình các thiền sư đời Trần thường nhắc đến xu hướng này nhiều lần một cách nhất quán. Nếu Trần Thái Tông nhiều lần đề cập tư tưởng cơ bản này: “Hãy quay đầu lại nhìn vào trong tâm. Nếu Tâm định thời gương tuệ sinh, tâm loạn thời gương tuệ diệt”[60;51], Tuệ Trung Thượng Sĩ lại xem đó là tôn chỉ của mình, thì Trần Nhân Tông khẳng định xu hướng này như một chân lý: “Bụt ở trong nhà, Chẳng phải tìm xa”[84;253-254].

Hướng nội tức là hướng vào nội tâm, quy tất cả mọi sự luận bàn, mọi tâm tưởng, mọi hành động vào một mục tiêu duy nhất để chuyển dần nội tâm từ tán loạn đến tĩnh lặng, từ chỗ chạy theo dục vọng, ngoại cảnh chuyển sang trạng thái bất động, sáng suốt, từ chỗ thụ động đến chỗ tự chủ bằng nội tâm.

Tính chất biện tâm trong triết học thời Trần thường được thể hiện theo hai nghĩa:

1. Biện tâm là làm bừng sáng cái tâm vốn có của mình, chứng minh cho được chân tâm là tự tính vốn có và là chân lý tối hậu. Đạt được điều này, chẳng cần phân biệt hay câu chấp vào bất kỳ điều gì nữa như Trần Thái Tông viết: “Không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục chỉ cốt biện tâm, vốn không nam không nữ, sao lại còn chấp tướng”[84;54].

2. Tâm không hình, không tướng, tĩnh lặng mà sâu thẳm như đại dương không thể đo lường, cũng không thể với tới, song nó lại rất chân thật, bền vững, và chắc chắn ở trong mỗi con người, nó là chân lý rất đơn giản, hiển nhiên, gần gũi với con người, thấu đạt được điều đó là biện tâm, như Trần Nhân Tông viết:

Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt

Đến cốc hay chỉn Bụt là ta”[84;506].

Vậy đặc điểm hướng nội và biện tâm ở triết học Phật giáo triều Trần là một trong những đặc điểm nổi bật. Thực chất là sự đề cao yếu tố con người đến cao độ, mang lại niềm tin vững chắc vào sức mạnh tinh thần nơi con người, đồng thời liên kết mọi người, không phân biệt hoàn cảnh, địa vị xã hội, tuổi tác, giới tính, vì tất cả đều có thể tìm được chân tâm của mình.

Triết học Phật giáo triều Trần là một hệ thống triết học mang tính thực tiễn, nhập thế tích cực. Hành động nhập thế của các thiền sư đời Trần là hành động mang mục đích xã hội, hướng vào xã hội để phụng sự dân tộc. Tính tích cực trong hành động của các thiền sư đóng góp lớn lao vào sự phát triển xã hội, in dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp bảo về và phát triển đất nước.v.v... Tư tưởng triết học Phật giáo triều Trần đề cao con người, tin tưởng vào sức mạnh và ý chí của con người, lôi cuốn họ vào cuộc sống đức độ và tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển xã hội, đó không chỉ là thái độ sống “từ, bi, hỉ, xả”, cũng không chỉ là vì mục đích chính trị, mà còn là tình yêu thương con người, tin tưởng vào sức mạnh, ý chí của con người. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tuy nhiên, triết học Phật giáo triều Trần cũng có những hạn chế nhất định. Đó là sự quá thiên trọng đến đời sống nội tâm, khai thác sâu vào khía cạnh tâm linh con người mà bỏ quên những mối quan hệ rất cơ bản để hình thành con người hiện thực với toàn bộ hoạt động thực tiễn của họ. Bản chất con người ở triết học Phật giáo đời Trần vì thế trở nên phiến diện, hư ảo, không phản ánh đúng bản chất con người và không hướng con người vào những hoạt động thực tiễn để chinh phục tự nhiên, cải tạo điều kiện sống nhằm giải phóng con người trong xã hội hiện thực.

Do những nhu cầu cấp thiết của đời sống xã hội, triết học Phật giáo triều Trần đã mang khuynh hướng nhập thế tích cực, làm cơ sở cho các thiền sư tham gia vào các công việc xã hội và gánh vác những trọng trách của quốc gia, dân tộc như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông... Song tinh thần nhập thế tích cực ấy không phải là một bộ phận nội tại và hữu cơ trong hệ thống triết học vốn có của thiền tông, nó chỉ là bộ phận ghép từ ngoài vào thiền tông để đáp ứng với tình hình chính trị, xã hội lúc đó. Về bản chất, tinh thần nhập thế tích cực mâu thuẫn và khó dung hợp với triết lý giải thoát của nhà Phật.

Tóm lại, với vai trò là một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc, Phật giáo đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần người Việt không chỉ thời Trần mà còn cả ngày nay. Những giá trị tinh thần cơ bản của Phật giáo thời Trần là đề cao trí tuệ, từ bi, khoan dung, độ lượng và nhập thế nên bản thân nó đã là của dân, do dân và vì dân, bởi lẽ đó cũng chính là những giá trị văn hoá và cách sống đã hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt từ xưa đến nay.

Chương 2:

MỘT SỐ ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO

TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN VIỆT NAM (QUA TRIỀU ĐẠI TRẦN: 1225 - 1400)

Hiện nay, đâu đâu cũng bàn đến văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và mở của, văn hóa được mọi người chú ý, tầm quan trọng của văn hóa được nâng lên hàng đầu. Vì có quá nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa cho nên L.G. Ionin mới đi tìm những điểm chung nhất của các tác giả bàn về văn hóa và họ cũng nhất trí với nhau rằng: Văn hóa – đó là sự phân biệt con người với động vật, văn hóa đó là đặc trưng của xã hội loài người và không được kế thừa về mặt sinh học mà phải có sự học tập,

Một phần của tài liệu Vai trò của Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần Việt Nam (Trang 46)