Vai trò của công tác lý luận

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn với công tác lý luận ở nước ta hiện nay (Trang 30)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.2.Vai trò của công tác lý luận

Công tác lý luận là một bộ phận của công tác tư tưởng hướng vào việc nghiên cứu, phát triển sáng tạo hệ tư tưởng của giai cấp lãnh đạo cách mạng - giai cấp công nhân, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn cách mạng nhằm xây dựng hệ thống quan điểm lý luận và cơ sở lý luận cho việc hoạch định đường lối, chính sách, các quyết định của Đảng và Nhà nước, đấu tranh phê phán các trào lưu tư tưởng sai trái, thù địch. Công tác lý luận đồng hành với công tác tư tưởng nói chung song lại là bộ phận cần phải đi trước một bước, bởi nhiệm vụ của nó trước hết là sáng tạo ra hệ tư tưởng làm cơ sở cho việc xây dựng đường lối, chính sách và đưa đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống, đồng thời thông qua tổng kết thực tiễn để không ngừng nâng cao lý luận, giải đáp rõ ràng những vấn đề do cuộc sống đặt ra.

Kể từ ngày thành lập đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đặc biệt công tác tư tưởng - lý luận luôn được Đảng ta quan tâm bằng việc đánh giá hết sức khách quan và toàn diện, vừa khẳng định những thành tựu và ưu điểm, vừa nghiêm khắc chỉ ra những mặt yếu kém và khuyết điểm. Nhờ đó mà công tác Xây dựng Đảng nói chung, công tác lý luận - tư tưởng nói riêng luôn được đổi mới và đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Công tác lý luận có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh, sự đồng thuận trong xã hội để đạt mục tiêu đã được đặt ra. Cơ sở lý luận của tầm quan trọng này chính là ở sự độc lập tương đối, sự tác động trở lại của nhận thức, của lý luận đó với thực tiễn. Đặc biệt, xuất phát từ tầm quan trọng của lý

luận cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, đã rất đề cao công tác lý luận, bởi không phát triển được công tác lý luận thì “sẽ không tiến lên được một bước nào cả trong công tác tuyên truyền, cổ động”.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã có nhiều luận điểm nổi tiếng về vị trí, vai trò của lý luận cũng như của công tác lý luận. Chẳng hạn, C. Mác có luận điểm: Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng. V.I. Lênin đưa ra luận điểm: Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng; chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong dẫn đường thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong. Những luận điểm nổi tiếng đó không chỉ những người làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản mới biết đến, mà dường như hầu hết các đảng viên cộng sản làm công tác lãnh đạo đều nắm được.

Tuy nhiên, để hiểu rõ vị trí, vai trò của công tác lý luận, trước hết, cần tìm hiểu ý nghĩa thực tiễn chính trị của công tác lý luận, nhất là ý nghĩa thực tiễn chính trị của nó trong hệ thống tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Như chúng ta đã biết, vị trí của Đảng Cộng sản cầm quyền được hiểu như vị thế, chỗ đứng của họ trong hệ thống chính trị. Theo đó, Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị, nhưng lại là hạt nhân lãnh đạo của toàn bộ hệ thống đó. Ở đây, vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau: Đảng đề ra cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương phát triển mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đồng thời là người lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương đó. Như vậy, bản thân việc đề ra cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương cũng đã bao hàm công tác tư tưởng, lý luận, hay là kết quả tất yếu của công tác tư tưởng, lý luận. Bởi vì, nếu không có công tác tư tưởng, lý luận thì không có sự thâm nhập, vận dụng hệ tư tưởng

chính thống mà cốt yếu là chủ nghĩa Mác-Lênin vào cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương của Đảng, cũng như không có sự nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn để phục vụ cho việc hoạch định cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương đó.

Mặt khác, Đảng lãnh đạo xã hội chủ yếu thông qua nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Muốn vậy, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương của Đảng phải được nhà nước tiếp nhận, thể chế hóa bằng pháp luật và những chính sách, kế hoạch cụ thể; và được các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt, vận dụng để có nội dung và phương thức hoạt động thích hợp. Nhưng nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội không phải là những thực thể trừu tượng, mà là do hoạt động của những cán bộ, đảng viên, đoàn viên tạo dựng lên. Bởi vậy, họ phải được trang bị bởi lý luận của hệ tư tưởng chính thống, cũng như được quán triệt, thấm nhuần những nội dung chính yếu của cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương của Đảng. Và có như thế, họ mới trực tiếp hoặc gián tiếp chế định ra pháp luật, chính sách, kế hoạch của nhà nước cũng như nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là, họ phải luôn luôn là đối tượng của công tác giáo dục, tuyên truyền tư tưởng, lý luận thì mới thường xuyên được trang bị bởi tư tưởng, lý luận của hệ tư tưởng chính thống, cũng như được quán triệt, thấm nhuần những nội dung chính yếu của cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời, bản thân những chính sách, pháp luật của nhà nước muốn trở thành hiện thực, được triển khai thực hiện có hiệu quả thì cũng cần phải được phổ biến, tuyên truyền, nghĩa là cũng cần có sự trợ giúp của công tác tư tưởng, lý luận, nhất là công tác tuyên truyền, cổ động.

Có thể nói, công tác lý luận có vai trò quan trọng, thiết yếu trong việc tạo dựng, khởi nguồn “đầu vào” và “đầu ra” của những đường lối, chủ trương của Đảng. Mặt khác, xét ở góc độ nào đó, bản thân công tác lý luận cũng là một

mảng, một nội dung trọng yếu của những đường lối, chủ trương đó, nhất là những đường lối, chủ trương về phát triển công tác lý luận. Nói cách khác, công tác lý luận là một bộ phận cấu thành trong hệ thống tổ chức và hoạt động của Đảng; có chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng những cơ sở, dữ liệu khoa học về lý luận và thực tiễn để hoạch định đường lối, chủ trương, đồng thời có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến những đường lối, chủ trương đó.

Ở một khía cạnh chung nhất, có thể thấy công tác lý luận có vai trò vô cùng to lớn đối với hoạt động thực tiễn cũng như sự vận động, phát triển của thực tiễn.

Kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh hùng hồn rằng, mọi hoạt động thực tiễn có tính chất cách mạng lớn, mọi quá trình cách mạng hay mọi cuộc cách mạng có tính chất thực tiễn, có tính chất phong trào, muốn tiến triển nhanh chóng và mau giành được thắng lợi trọn vẹn, thì đều phải có tư tưởng, lý luận tiên phong so với thời kỳ đó soi sáng, dẫn dắt. Không có lý luận đúng đắn định hướng, chúng sẽ tiến triển chậm chạp, mò mẫm, lâu đi đến thắng lợi, hoặc khi đã giành được thắng lợi rồi, cũng không giữ thắng lợi được lâu và trở nên thất bại hay liên tục tái thất bại. Công tác lý luận của Đảng Cộng sản luôn luôn có vai trò quan trọng đối với việc chỉ đạo thực tiễn, kể từ khi chưa giành được chính quyền cho đến khi đã giành được chính quyền và thiết lập chế độ xã hội mới.

Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, thực tiễn luôn luôn vận động, biến đổi, luôn luôn tự vạch đường đi cho chính mình, song nếu không có lý luận đúng đắn, khoa học soi đường, chỉ hướng thì sự vận động, biến đổi hay con đường tự vạch ra của thực tiễn sẽ dễ bị chệch hướng, tùy tiện, ít tính kế hoạch. Với ý nghĩa đó, có thể khẳng định, thực tiễn không chỉ là căn cứ, điểm xuất phát của lý luận và công tác lý luận mà còn là phương tiện thể nghiệm của chúng, là nơi mà chúng sẽ triển khai ý tưởng, mục đích của mình để sao cho thực tiễn ngày càng đổi

mới, hàm chứa nhiều nhân tố tích cực. Cũng vì xuất phát từ thực tiễn cách mạng, thực tiễn công tác lao động sản xuất, học tập và chiến đấu của toàn Đảng, toàn dân mà công tác lý luận của Đảng luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu mới của cách mạng, của các quá trình hoạt động thực tiễn xã hội trong giai đoạn mới, lý luận nghiên cứu, tổng kết về mặt thực tiễn, trên cơ sở đào sâu nghiên cứu, tổng kết lý luận, và qua đó, góp phần bổ sung, phát triển đường lối của Đảng, đường lối đó sẽ lại tiếp tục soi rọi thực tiễn. Đồng thời, kết quả của công tác lý luận và những chủ trương, đường lối của Đảng sẽ được công tác tuyên truyền trực tiếp tác động vào thực tiễn. Đó là quá trình biện chứng trong sự vận động của lý luận, tư tưởng tới thực tiễn.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của lý luận cũng như của công tác lý luận, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, Đảng ta xác định: “Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hoá và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [6, tr.41]. Cũng do nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của công tác lý luận trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, nhất là trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, tại Đại hội XI, Đảng chỉ rõ: “Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận, cải tiến tổ chức nghiên cứu lý luận phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn” [7, tr.256]. Đồng thời, để phát huy

tốt vai trò, tác dụng của công tác tư tưởng trong tình hình mới, nhất là đối với việc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến”, trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động ''diễn biến hoà bình'' của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện ''tự diễn biến'', ''tự chuyển hoá'' trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái cán bộ, đảng viên chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” [7, tr.257].

Một trong những di sản lý luận mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là tư tưởng về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như là một biện pháp cơ bản nhằm ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều, bệnh chủ quan duy ý chí. Nguyên tắc này cũng là nguyên tắc mà bản thân người luôn áp dụng. Chính nhờ nhận thức đúng đắn và thực hành sáng tạo nguyên lý về tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn mà trong hoạt động nghiên cứu lý luận cũng như trong thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng suốt hơn sáu thập kỷ, Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân do Người sáng lập, rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta giành được những thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc cách mạng: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng, lý luận sâu sắc, phong phú vô cùng quý giá và sự tổng kết thành những phương châm hành động về văn hoá ứng xử, tất cả trở thành mẫu mực để chúng ta noi theo.

Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì việc quán triệt nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tiễn, gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là nguyên tắc cơ bản và là một yêu cầu quan trọng, cấp bách, kịp thời để có thêm sức mạnh, động lực hoàn thành những nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay.

Chương 2

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ SỰ THỐNG NHẤT GIỮA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG CÔNG TÁC LÝ LUẬN

Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn với công tác lý luận ở nước ta hiện nay (Trang 30)