Các giải pháp, kiến nghị

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam hiện hành về hiệu lực pháp luật di chúc chung của vợ chồng (Trang 50)

DI CHÚC CHUNG CỦA VỢ CHỒNG

3.2. Các giải pháp, kiến nghị

Trong Dự thảo xây dựng BLDS 2005, có không ít người phản đối việc vợ chồng được lập di chúc chung. Sở dĩ như vậy vì họ cho rằng xuất phát từ nguyên tắc “tự do ý chí” của mỗi người; bởi vì khi đã lập di chúc chung, một người muốn huỷ bỏ di chúc phải có sự đồng ý của người kia và đó chính là một hạn chế. Mặt khác, họ lý luận rằng nếu có tranh chấp về di chúc chung của vợ chồng xảy ra thì áp dụng pháp luật giải quyết như thế nào?. Thực tế sau một thời gian áp dụng BLDS 2005. Họ đưa ra những lý do mà việc quy định hiệu lực di chúc chung vợ chồng có những điểm không hợp lý sau:

- Không phù hợp với xã hội hiện nay và ảnh hưởng trực tiếp quyền hưởng di sản của người nhận thừa kế theo di chúc; Bởi, nếu chỉ quy định thời điểm có hiệu lực của di chúc chung như vậy, thì trường hợp một người chết trước, người còn sống sống rất lâu sau đó, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của những người nhận thừa kế theo di chúc.

- Mặt khác, tài sản định đoạt trong di chúc chung đó có thể bị hao mòn theo thời gian, dẫn đến không tồn tại, di chúc chung sẽ không có hiệu lực, thì quyền lợi của người thừa kế theo di chúc đó tính sao?

- Còn nữa, sẽ phải chia thừa kế nhiểu lần đối với di sản của người chồng hoặc vợ chết trước. Vì thứ nhất, sẽ phải chia tài sản riêng và những tài sản chung không được định đoạt trong di chúc dựa vào thời điểm mở thừa kế; thứ hai, khi di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực thì phải chia phần di sản được định đoạt theo di chúc ấy.

- Gây ra mâu thuẫn giữa người thừa kế và người quản lý di sản; Bởi người còn sống sẽ là người quản lý di sản chưa chia và số tài sản của mình trong di chúc chung ấy. Nếu số tài sản và di sản ấy đem ra lưu thông dẫn đến không tồn tại, hoặc bị hao hụt rất lớn; thì thật khó giải quyết giữa những người liên quan.

- Về thời hiệu khởi kiện thừa kế là mười năm, nhưng giả sử trong trường hợp một người chết trước, người còn sống sồng hơn mười năm, như vậy những người thừa kế mất quyền khởi kiện đối với phần di sản của người chết trước; còn nữa, nếu di chúc chung có sự lừa dối, giả tạo…thì cũng thật khó phát hiện vì di chúc chưa được mở, và lại là một điểm bất lợi đối với những người thừa kế.

- Ngoài ra, còn một điểm hạn chế lớn, đó là ảnh hưởng đến quyền hưởng di sản của những người thừa kế, xâm phạm quyền thừa kế hợp pháp của công dân được pháp luật bảo hộ. Bởi, cho đến khi di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực pháp luật, người còn sống, sống lâu hơn những người thừa kế của vợ hoặc chồng chết trước, dù những người này chết sau thời điểm mở thừa kế đối với vợ hoặc chồng chết trước; như vậy, họ có được hưởng thừa kế hay đã mất quyền này? Có chia thừa kế thế vị cho con, cháu của họ không là những vấn đề vướng mắc.

Nhưng thiết nghĩ, xã hội ngày càng văn mình, con người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; trong khi luật pháp luôn có những “độ vênh” so với thực tiễn, pháp luật luôn đi sau thực tiễn một bước để điều chỉnh những vấn đề của thực tiễn. Vậy nên pháp luật Việt Nam cũng vẫn nên quy định về di chúc

chung của vợ chồng. Pháp luật nên quy định về vấn đề này một cách cụ thể, rõ ràng để tránh những hiểu lầm không đáng có và để vận dụng cho đúng. Mặc dù có quy định nhưng cũng không có nghĩa là mọi người bắt buộc phải tuân theo, cũng không có nghĩa là mọi cặp vợ chồng đều phải lập di chúc chung. Để góp phần hoàn thiện pháp luật về hiệu lực pháp luật di chúc chung của vợ chồng, tác giả bài viết đưa ra một số giải pháp, kiến nghị sau.

Điều 668 quy định về hiệu lực di chúc chung theo đó, di chúc chung sẽ có hiệu lực thi hành tại thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết. Như vậy pháp luật đã bỏ ngỏ trường hợp một trong hai bên hoặc vợ, hoặc chồng chết trước thì sẽ giải quyết như nào? Di chúc chung lúc đó hiệu lực ra sao? Và đây lại là trường hợp phổ biến trên thực tế. Trong khoản 2, Điều 664 lại quy định: “…nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Như vậy, cùng một vấn đề của hai điều luật đã có sự khác nhau nhất định. Thiết nghĩ các nhà làm luật nên quy định cụ thể ra một điều luật riêng, mở rộng quyền của người còn sống tại Điều 664, rằng họ có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ phần di chúc liên quan đến phần tài sản của họ trong khối tài sản chung; hoặc bổ sung thêm khoản 2 của Điều 668, rằng: Trong trường hợp một bên hoặc vợ hoặc chồng chết trước thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trước trong khối tài sản chung có hiệu lực pháp luật. Quy định như vậy sẽ tương tự như Điều 671 BLDS 1995 trước đây, mà các nhà làm luật đã bỏ qua khi xây dựng BLDS 2005. Một vấn đề nữa cũng nên quy định trong luật, dù có thể hiểu gián tiếp thông qua các quy định khác; đó là quy định hình thức di chúc chung của vợ chồng phải được lập bằng văn bản để đảm bảo hơn nữa tính hợp pháp của di chúc chung của vợ chồng. Bởi vì, Điều 651 quy định: “1.Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. 2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ”. Việc vợ chồng lập di chúc miệng làm di chúc

chung của vợ chồng là điều khó có thể xảy ra trên thực tế vì, di chúc chung là sự thống nhất ý chí của vợ và chồng, để cả hai cùng trong tình trạng hiểm nghèo như trên thì thật hiếm. Mặt khác, sự bày tỏ ý kiến mỗi người về bản di chúc chung đó, liệu có đảm bảo khách quan, trung thực không? Sẽ dẫn tới việc áp đặt ý chí, hoặc đơn phương ý chí, mất đi tính chất căn bản của di chúc chung vợ chồng. Thứ nữa, theo khoản 2 Điều 651, sau 3 tháng kể từ khi di chúc miệng, nếu một trong hai bên vợ hoặc chồng chết trước, toàn bộ di chúc chung hay chỉ một phần liên quan đến người còn lại có giá trị.

Do vậy, nên quy định theo hướng vợ chồng không được phép lập di chúc chung bằng hình thức miệng. Tuy nhiên, cũng cần phải nêu lên thành một quy định cụ thể rằng bắt buộc vợ chồng lập di chúc chung phải lập bằng hình thức văn bản có công chứng, chứng thực mới đảm bảo tính thi hành.

Qua phân tích ở trên ta thấy, quyền lợi của những người thừa kế bị ảnh hưởng rất lớn chỉ vì pháp luật không quy định hết mọi khả năng. Thứ nhất, đó là về thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Ta thấy nếu người còn sống sống lâu hơn khoảng thời gian mười năm sau khi người vợ hoặc chồng của họ đã chết thì với những người thừa kế quyền yêu cầu chia tài sản thừa kế của họ sẽ chấm dứt. Thiết nghĩ, pháp luật nên quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với di chúc chung theo hướng độc lập với thời hiệu khởi kiện về thừa kế của di chúc thông thường. Cụ thể, kể từ khi người còn sống thay đổi những vấn đề liên quan đến di chúc chung thì mới là thời điểm tính thời hiệu khởi kiện về thừa kế.

Mặt khác, trong trường hợp một người chết trước, người còn sống quản lý số tài sản chung đã được định đoạt trong di chúc chung mà làm hao hụt số tài sản ấy. Đối tượng của di chúc chung không còn, pháp luật cần phải quy định để bảo vệ quyền lợi những người thừa kế. Rằng số tài sản mà người còn sống làm hao hụt đó được coi như một nghĩa vụ dân sự mà người đó phải gánh vác. Những người thừa kế theo di chúc của người chết trước có thể được coi như là chủ nợ của người còn sống.

Một vấn đề nữa, nếu di chúc riêng của vợ hoặc chồng lập sau mà tuyên bố hủy di chúc chung thì pháp luật cần quy định những điều kiện ràng buộc để di chúc ấy không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người kia và những người thừa kế. Cụ thể, pháp luật quy định rằng: nếu sau khi lập di chúc chung, vợ hoặc chồng muốn lập di chúc riêng tuyên bố hủy di chúc chung đã lập thì phải thông báo cho người chồng hoặc vợ của mình biết và phải được sự đồng ý của người đó bằng văn bản. Khi đó, di chúc chung của vợ chồng sẽ chấm dứt hiệu lực pháp luật.

Điều cuối cùng, ta cũng thấy luật đã bỏ sót căn cứ chấm dứt di chúc chung của vợ chồng một cách đương nhiên, có thể gây nên hậu quả là làm cho di chúc chung ấy bị vô hiệu. Đó là những yếu tố cầu thành điều kiện để bản di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực pháp luật như yếu tố tài sản chung, quan hệ hôn nhân chấm dứt…Theo đó, nếu vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, hoặc người còn sống làm tiêu tán toàn bộ tài sản chung được định đoạt trong di chúc chung của vợ chồng. Hay như, nếu quan hệ hôn nhân chấm dứt do ly dị thì bản di chúc chung đã lập không có giá trị hiệu lực…Để tránh những trường hợp đáng tiếc, bảo vệ những người thừa kế pháp luật cần được quy định cụ thể hơn theo hướng quy định những căn cứ làm chấm dứt hiệu lực của di chúc chung vợ chồng.

KẾT LUẬN

Di chúc là phương diện pháp lý để cá nhân định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Pháp luật Việt Nam quy định cho phép vợ chồng được lập di chúc chung. Điều này có ý nghĩa rất lớn về cả mặt luật học và xã hội học đặc biệt trong thời đại hiện nay. Như đã biết, chế độ hôn nhân của gia đình Việt Nam là cộng đồng tài sản, vợ chồng là đồng sở hữu tài sản chung hợp nhất. Quan hệ hôn nhân cũng là loại quan hệ đặc biệt. Và việc thừa nhận quyền lập di chúc chung của vợ chồng là cần thiết, thể hiện nguyên tắc củng cố tình thương yêu, đoàn kết trong gia đình, cũng là tập tục đã có bao đời nay của người dân Việt Nam.

Hiện nay, trên các diễn đàn, các webside giải đáp pháp luật, di chúc chung của vợ chồng nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như thắc mắc về các khía cạnh hiệu lực pháp lý, các vấn đề lý luận khác. Lý luận đúng thì khi áp dụng vào thực tiễn mới hiệu quả. Trong khi chế định di chúc chung của vợ chồng được quy định trong BLDS 2005 có rất nhiều điểm bất cập, nghiên cứu nó quả là vấn đề không đơn giản. Với những đóng góp nhỏ bé của mình, hy vọng luận văn sẽ có mang một giá trị nào đó trong việc kiến nghị, sửa đổi, bổ sung BLDS 2005 ngày một hoàn thiện hơn, xứng đáng với tên gọi “luật của luật”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Dân sự 1995 của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Bộ luật Dân sự 2005 của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 3. Bộ luật Dân sự bắc Kỳ 1931.

4. Bộ luật Dân sự giản yếu 1883. 5. Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1963. 6. Bộ Quốc triều hình luật.

7. Bộ Hoàng Việt luật lệ.

8. Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Pháp.

9. Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10. Tiến sỹ Vũ Văn Mẫu, thừa kế theo di chúc trong luật Việt Nam.

11. Tiến sỹ Phạm Văn Tuyết, thừa kế quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, Nxb Chính trị quốc gia.

12. Tiến sỹ Phùng Trung Tập, luật thừa kế Việt Nam, Nxb Hà Nội. 13. Các tạp chí:

- Tạp chí Luật học

- Tạp chí Tòa án nhân dân - Tạp chí Dân chủ và Pháp luật 14. Các webside: - http://tuoitre.vn - http://luathoc.vn - http://lawsoft.thuvienphapluat.com - http://thongtinphapluatdansu.com

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam hiện hành về hiệu lực pháp luật di chúc chung của vợ chồng (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(56 trang)
w