Chiến lược giao tiếp

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ hội thoại của các nhân vật trong Truyện Kiều (Trang 32)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.6. Chiến lược giao tiếp

Chiến lược giao tiếp (strategy of communication) là phương châm và các biện pháp sử dụng các hành vi ngôn ngữ trong giao tiếp nhằm giữ thể diện và tránh đe dọa thể diện của người tham gia giao tiếp sao cho đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất.

Trong giao tiếp, để đạt được mục đích giao tiếp, người tham gia giao tiếp có thể sử dụng chiến lược lịch sự dương tính hoặc chiến lược lịch sự âm tính.

Chiến lược lịch sự âm tính (negative politeness) là chiến lược giao tiếp nhằm tránh đe doạ thể diện âm tính bằng hành động giữ thể diện người giao tiếp. Nó đòi hỏi người nói phải tỏ ra mình tôn trọng người đối thoại, không can thiệp, không áp đặt vào quyền tự do của người đối thoại.

Khi muốn đưa ra những lời đề nghị, mong muốn ai đó thực hiện, làm điều gì đó cho ta, người nói nên sử dụng lối nói gián tiếp hoặc có thể sử dụng những từ, ngữ mang tính đưa đẩy nhằm tạo lập mối quan hệ thân thiện với người đối thoại, nhất là đối với những người mới gặp. Chẳng hạn như: xin phép anh chị, cảm phiền bạn, cho phép tôi được quấy rầy anh một lúc, mong ông lượng thứ...

Ví dụ:

- Xin lỗi. Mình có làm phiền cậu không?

- Ồ không, không! Mình đang nghĩ xung quanh chỉ toàn người lớn, chẳng biết nói chuyện với ai. Cậu tên là gì?

- Mình là Ma-ri-ô, 12 tuổi. Còn cậu? - Mình là Giu-li-ét-ta, cũng 12 tuổi.

- Cậu có vẻ lớn hơn tuổi đấy! Cậu đi cùng bố mẹ à?

Bên cạnh đó chiến lược lịch sự âm tính còn được thể hiện ở hình thức xin lỗi, viện lí do, lời ướm thử hoặc dùng các lối nói gián tiếp có tính quy ước và rào đón bóng gió xa xôi.

Ví dụ: Lời tỏ tình của chàng trai trong bài ca dao xưa:

Bây giờ mận mới hỏi đào: Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa: Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

Ở đây, chàng trai đã sử dụng lối nói ẩn dụ, tự xem mình là đào còn cô gái là mận. Chàng trai không sử dụng lối nói trực tiếp theo kiểu: Em đã có người yêu chưa? để tìm hiểu về cô gái mà đưa lời ướm thử: Bây giờ mận mới hỏi đào: Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? thật ý nhị, tinh tế. Lời tỏ tình của chàng trai vì thế vừa tránh được sự đường đột, lại vừa thể hiện được sự chân thành, điềm tĩnh của anh. Lời tỏ tình ấy chứa chất bao tâm trạng. Nó bắt đầu bằng chữ bây giờ, sau chữ bây giờ lại có thêm chữ mới, bây giờ mới, cho thấy người con trai đã hết sức đắn đo, phân vân, ngần ngại khi quyết định tỏ tình với người con gái mình yêu. Nó tiết lộ những chuỗi ngày tháng thầm yêu trộm nhớ mà e dè không dám bày tỏ của chàng trai.

Cô gái nghe lời tỏ tình của chàng trai như mở cờ trong bụng. Cô khẳng định như một cách mời mọc: Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào. Thế nhưng, trước đó, cô vẫn hết sức ý tứ: Mận hỏi thì đào xin thưa. Dùng chữ thưa là một cách tỏ tình… lịch sự. Hay nhất là chữ thì (Em nói ra điều này là vì anh hỏi, chứ không phải tự nhiên mà khai báo đâu!), nó giữ được thể diện, danh giá cho người con gái, tránh mang tiếng là không khảo mà xưng hay cọc đi tìm trâu.

Chiến lược lịch sự dương tính (possitive politeness) trái lại chú ý đến tình thân hữu của người tham gia giao tiếp, nó nhấn mạnh sự gần gũi giữa người nói và người nghe. Điều này đòi hỏi trong quá trình giao tiếp, người tham gia giao tiếp phải quan tâm, chú ý đến nhu cầu, mong muốn cũng như hứng thú của người nghe. Người nói phải luôn thể hiện sự đồng thuận, đồng cảm với người nghe, tự mình gộp mình, đặt mình vào cùng vị trí người nghe. Mặt khác luôn đề cao, khuyến khích người nghe, tránh tối đa mọi sự bất đồng, mâu thuẫn.

Ví dụ: Trong Truyện Kiều, khi Kiều mở phiên toà xử án Hoạn Thư thì Hoạn Thư đã vận dụng hết lí lẽ để tự bào chữa cho mình dẫn đến trắng án:

Rằng: “Tôi chút phận đàn bà, Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Nghĩ cho khi các viết kinh, Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng riêng những kính yêu, Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.

Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.

Ở đây, Hoạn Thư đã đưa ra nguyên lí ghen tuông thông thường để biện minh cho hành động của mình. Tiếp đó, Hoạn Thư đặt Kiều vào vị trí của mình (Lòng riêng những kính yêu, Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai), rồi khôn khéo đề cao Kiều, ca tụng uy quyền của Kiều là lượng bể để cầu xin Kiều tha tội cho mình.

Ngoài ra, các nhân vật tham gia giao tiếp có thể sử dụng một trong những phương tiện thể hiện lịch sự dương tính là sử dụng từ xưng hô thích hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Người Việt Nam ít dùng các từ chỉ chức vụ, chức danh khi

giao tiếp trong cuộc sống thường ngày. Thông thường, người Việt dùng các từ chỉ quan hệ họ hàng để xưng hô nhằm tạo không khí thân mật giữa người nói với người nghe: bác, cô, chú, dì, cậu, con, cháu v.v...

Ví dụ:

Chuyện kể, một danh tướng có lần đi ngang qua trường học cũ của mình, liền ghé vào thăm. Ông gặp lại người thầy từng dạy mình hồi nhỏ và kính cẩn thưa:

- Thưa thầy, thầy còn nhớ con không? Con là... Người thầy giáo già hoảng hốt:

- Thưa ngài, ngài là...

- Thưa thầy, với thầy, con vẫn là đứa học trò cũ. Con có được những thành công hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào...

(Ngữ văn 9.T1, Nxb Giáo dục, H., 2006, tr.40)

Trong câu chuyện trên, mặc dù người học trò cũ giờ đã là một danh tướng nhưng vẫn xưng là con với thầy giáo cũ của mình. Việc sử dụng đại từ nhân xưng này đã xoá tan khoảng cách danh tướng - thường dân, thay vào đó là sự gần gũi, thân thiết của người học trò - thầy giáo cũ.

Hoặc sử dụng các tiểu từ tình thái (nào, nhé, nhỉ...)... Ví dụ:

- Cháu chào bác Hai ạ! Bác ơi, cho cháu mượn cái bơm nhé. Chiều nay cháu đi học về, bác coi giùm cháu nghe, hổng biết sao nó cứ xì hơi hoài.

- Được rồi. Nào để bác bơm cho. Cháu là con gái, biết bơm không mà bơm!

- Cháu cảm ơn bác nhiều.

Trong đoạn thoại trên, để giữ phép lịch sự khi nêu lời đề nghị, nhân vật tham gia hội thoại đã sử dụng các tiểu từ tình thái như nhé, nghe, và thêm vào trước động từ tiểu từ giùm. Nhờ vậy, khoảng cách giữa người yêu cầu và người thực hiện yêu cầu trở nên gần gũi và người nhận yêu cầu sẽ tự nguyện thực hiện hành động mà không cảm thấy bị đe doạ thể diện.

Chương 2

LẬP LUẬN TRONG HỘI THOẠI

VÀ CHIẾN LƯỢC GIAO TIẾP CỦA CÁC NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN KIỀU

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ hội thoại của các nhân vật trong Truyện Kiều (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)