Lập luận trong hội thoại

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ hội thoại của các nhân vật trong Truyện Kiều (Trang 29)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.5.Lập luận trong hội thoại

Lập luận (argumentation) là một chiến lược hội thoại nhằm dẫn dắt người nghe, người đọc đến một kết luận mà người nói, người viết có định hướng, có chủ đích nêu ra. O. Ducrot và J.C. Anscombre là hai nhà nghiên cứu có những đóng góp quan trọng đối với lí thuyết lập luận trong hội thoại. Trước hai ông, người ta chỉ mới quan tâm đến phép lập luận trong văn bản viết chứ chưa đề cập đến lập luận trong lời nói của nhân vật trong tác phẩm văn học.

Ở Việt Nam, Đỗ Hữu Châu và Nguyễn Đức Dân được xem là hai tác giả có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu lí thuyết lập luận dựa trên ngữ liệu tiếng Việt hơn cả. Ngoài ra, còn có những tác giả khác cũng nghiên cứu về lập luận và đạt được những thành công đáng kể như: Hoàng Phê, Đỗ Thị Kim Liên, Chu Thị Thanh Tâm...

Thông thường, một lập luận bao giờ cũng có ba bộ phận: luận cứ, kết luận và quan hệ lập luận. Luận cứ là những lí lẽ và dẫn chứng để từ đó rút ra kết luận;

kết luận là mệnh đề (dưới hình thức câu) hay lí thuyết được bảo vệ bằng các luận cứ; quan hệ lập luận là quan hệ giữa luận cứ và kết luận. Một kết luận đúng phải dựa trên những luận cứ đúng và được rút ra bằng những quan hệ lập luận đúng.

Có hai kiểu quan hệ lập luận chính là: quan hệ lập luận đồng hướng và quan hệ lập luận nghịch hướng. Khi các luận cứ cùng hướng tới một kết luận ta có quan hệ lập luận đồng hướng. Trái lại, khi luận cứ này hướng tới kết luận này, luận cứ khác hướng tới kết luận khác (nhưng các kết luận đều cùng một phạm trù) thì ta có quan hệ lập luận nghịch hướng. Hướng kết luận của cả lập luận là do luận cứ có hiệu lực mạnh nhất trong các luận cứ quyết định.

Trong ngữ dụng học nói chung và trong lí thuyết lập luận nói riêng, người ta thường chú ý phân biệt lập luận đời thường và lập luận lôgic. Trong giới hạn luận văn này, chúng tôi nghiên cứu các đoạn hội thoại có cấu tạo của một phép lập luận trong Truyện Kiều chứ không phải lập luận lôgic. Ở đây, lập luận đời thường không bị chi phối bởi các nguyên tắc, các tiêu chuẩn đánh giá đúng sai của lập luận lôgic mà nó thường dựa vào các lẽ thường trong đời sống xã hội. Đó là những chân lí mang tính kinh nghiệm, đúc kết trong nhân dân. Có những lẽ thường là chung, phổ quát cho toàn nhân loại song cũng có những lẽ thường hẹp hơn, chỉ phổ biến trong một vùng, một lãnh thổ hay một nước. Ở nước ta, có thể tìm thấy lẽ thường nhiều nhất trong kho tàng tục ngữ của nhân dân.

Ví dụ: Tre già măng mọc, thằng ấy chết còn thằng khác, chúng mình chẳng lợi ích gì đâu. (Chí Phèo – Nam Cao)

Lẽ thường Tre già măng mọc ở đây là cơ sở cho sự suy luận từ luận cứ đến kết luận trong lập luận trên.

Trong cuốn Ngữ dụng học, tập 1 (Nxb Giáo dục, 1998), tác giả Nguyễn Đức Dân đã thống kê một số lẽ thường thường được vận dụng trong lập luận

như: sử dụng lí lẽ về thuộc tính, lí lẽ chung về hành vi và con người, lí lẽ về sự đánh giá (đánh giá theo bốn phương diện: chân, thiện, mĩ, dụng), đánh giá theo giá trị chân lí: đúng hay sai, đánh giá theo giá trị thẩm mĩ, đánh giá theo giá trị tinh thần, đánh giá theo phương diện thực dụng và hưởng thụ).

Trong thực tế giao tiếp thường có các phương thức lập luận sau: Lập luận theo quan hệ nguyên nhân - kết quả.

Ví dụ:

Cách sông nên phải luỵ đò Vì chưng trời tối luỵ cô bán hàng.

Lập luận theo quan hệ điều kiện - kết quả. Dạng lập luận này thường được biểu thị bằng hình thức ngôn ngữ Nếu A thì B.

Ví dụ: Cầu vồng mống cụt, không cụt thì mưa.

Ngoài ra, dạng lập luận này còn có các biến thể ngôn ngữ như: Không A vẫn có thể B, Không B thì không A.

Lập luận thông qua sự giải thích. Sự giải thích này có thể được thực hiện bằng nhiều cách để làm sáng tỏ vấn đề. Chẳng hạn giải thích theo tam đoạn luận:

Ví dụ: Phụ nữ ai cũng hay ghen. Cô ấy cũng là phụ nữ. Thế nên việc cô ấy ghen tuông là điều không tránh khỏi.

Lập luận bằng cách nêu quan hệ giả định. Dạng lập luận này thường được biểu thị bằng hình thức ngôn ngữ Giá A thì B.

Ví dụ:

Giá đừng có dậu mồng tơi

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ hội thoại của các nhân vật trong Truyện Kiều (Trang 29)