- Kiểm tra độ chính xác theo phương pháp ma trận nhầm lẫn
4.1.1. Điều kiện tự nhiên
4.1.1.1. Vị trí địa lý
Xã Hồng Dương nằm cách trung tâm huyện Thanh Oai 7km về phía Nam, có địa giới hành chính như sau:
- Phía Bắc giáp xã Dân Hoà
- Phía Nam giáp xã Quảng Phú Cầu − huyện Ứng Hoà
- Phía Đông giáp xã Liên Châu
- Phía Tây giáp xã Cao Dương
Tổng diện tích tự nhiên của toàn xã là 987,89ha phân bổ ở 7 xóm
dân cư. Hình 4.1: Vị trí của xã Hồng Dương trong
huyện Thanh Oai
4.1.1.2. Đặc điểm địa hình
Là một xã đồng bằng, Hồng Dương có địa hình khá bằng phẳng, chủ yếu là vàn, trong đó vàn thấp và vàn trũng chiếm tới 70% diện tích tự nhiên, vàn cao chiếm khoảng 30% diện tích. Đây là lợi thế để phát triển các mô hình sản xuất: chuyên lúa, Lúa – Cá, Lúa – Cá – Vịt. Tuy nhiên ở đây cũng có những khu vực úng, nắng hạn cục bộ.
Xã Hồng Dương cũng như nhiều địa phương khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa và có những đặc điểm sau:
- Nhiệt độ: Có 2 mùa rõ rệt; mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ cao tuyệt đối có khi lên tới 40°C, trong đó tháng 7 là thời kỳ nóng nhất. Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ thấp tuyệt đối, có khi xuống đến 2,7°C và tháng 12, tháng 1 là tháng lạnh nhất. Nhiệt độ trung bình năm 24,3°C.
- Chế độ mưa: Lượng mưa bình quân cả năm đạt từ 1650mm – 1750 mm, tuy nhiên lượng mưa phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung vào các tháng 7, 8, 9 chiếm 78,4% lượng mưa cả năm. Độ ẩm tương đối trung bình 78,6%, cao nhất 81% – 85,2%, thấp nhất 74,4% – 76%. Hàng năm vào mùa hạ thường chịu ảnh hưởng của 4 – 5 cơn bão.
4.1.1.4. Thủy văn
Hồng Dương có hệ thống sông hồ khá phong phú, nguồn nước mặt ở xã Hồng Dương gồm: nước mặt được cung cấp từ sông Đáy, kênh Vân Đình và kênh Máng Bảy. Ngoài ra trong xã còn rất nhiều ao, hồ, đầm phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.Mặt khác trong xã có hệ thống trạm bơm, hệ thống kênh đào nên chủ động được nước tưới trong canh tác.Tuy nhiên hệ thống kênh mương chưa được cứng hoá ảnh hưởng tới việc tưới tiêu, nhiều tuyến kênh còn bị sạt lở gây tác động đến dòng chảy.
4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên
a. Tài nguyên đất
- Về diện tích: Tổng diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính của xã là 987,89ha. Trong đó, đất nông nghiệp có 713,80ha, đất phi nông nghiệp có 265,79ha và 8,30ha đất chưa sử dụng.
- Về thổ nhưỡng: Toàn bộ diện tích của xã là đất phù sa không được bồi hàng năm, được chia làm 2 loại:
+ Loại đất không glây: phân bổ trên diện tích các vùng vàn chiếm diện tích lớn;
+ Đất phù sa không được bồi hàng năm bị glây nhẹ: là diện tích tập trung tại các chân ruộng trũng.
Qua điều tra thực địa cho thấy xã Hồng Dương có những khu đồng quá thấp cấy 2 vụ lúa đem lại năng suất không cao.Một vụ vào mùa mưa thường xảy ra tình trạng ngập úng mất mùa. Do đó các khu đồng này thích hợp với mô hình lúa – cá, VAC, chăn nuôi kết hợp. Hơn nữa trong xã có trục đường Quốc lộ 21B chạy qua là điều kiện giao thông thuận lợi cho việc quy hoạch các điểm công nghiệp, khu đất làng nghề ở những xứ đồng chân cao giáp đường quốc lộ.
b. Tài nguyên nước
Xã Hồng Dương có nước mạch nông, độ sâu 0,7m – 1,3m vào mùa mưa và 3,2m vào mùa khô.Mực nước mạch nông ổn định ở độ sâu 3,1m – 3,2m, áp lực yếu không ảnh hưởng đến xây dựng công trình.Nguồn nước ngầm khá phong phú, có ở độ sâu trên 8m là điều kiện thuận lợi để xử lý nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
c. Tài nguyên nhân văn
Nhân dân xã Hồng Dương có truyền thống lao động cần cù, có tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chịu khó trong lao động sản xuất. Xã có nền văn hoá khá đa dạng và phong phú, có nhiều nét độc đáo.
Với lịch sử văn hiến giàu truyền thống cách mạng, người dân xã Hồng Dương luôn phát huy tính cần cù sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, kế thừa phát huy những kinh nghiệm, thành quả đạt được trong lao động sản xuất. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo của xã có trình độ, năng lực. Chính quyền và nhân dân xã Hồng Dương cùng nhau vượt khó đi lên và đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông xưa, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Dương đang ra sức phấn đấu vươn lên tầm cao mới, khai thác những tiềm năng và thế mạnh của xã để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
d. Thực trạng môi trường
Là một xã đồng bằng xa các cụm công nghiệp nên Hồng Dương có môi trường khá trong sạch, ít bị ô nhiễm.Cảnh quan môi trường của xã khá tốt, trong lành và giữ được nét đẹp tự nhiên của vùng đồng bằng sông Hồng.
Vấn đề nước thải hiện nay chủ yếu là nước sinh hoạt của người dân, nguồn nước này chủ yếu thấm xuống lòng đất và thoát ra các kênh mương.Ngoài ra, trên địa bàn xã mới chỉ có một vài điểm tập kết rác nhỏ lẻ, việc vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt còn gặp khó khăn.
Mặt khác do sự phát triển của các phương tiện tham gia giao thông, các máy móc sản xuất, chế độ mưa không thuận lợi cũng ít nhiều gây áp lực tới môi trường và chất lượng đất.
Để phát triển bền vững và đảm bảo sức khoẻ cho người dân, trong thời gian tới xã Hồng Dương cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, triển khai quy hoạch khu bãi rác phục vụ cho việc tập trung rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, rác sinh hoạt của nhân dân.