2.1.7.1. Nghiên cứu môi trường
Công nghệ viễn thám đã trở thành phương tiện chủ đạo cho công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở cấp độ từng nước, từng khu vực và trong phạm vi toàn cầu nhờ các khả năng ưu việt của Viễn thám, như:
- Độ phủ trùm không gian lớn;
- Có khả năng giám sát sự biến đổi của tài nguyên, môi trường trái đất do chu kỳ - quan trắc lặp và liên tục;
- Sử dụng các dải phổ khác nhau để quan trắc các đối tượng.
Hình 2.4: Phát hiện ô nhiễm môi trường không khí bằng ảnh SPOT
Ứng dụng công nghệ viễn thám để nghiên cứu môi trường và sự biến đổi môi trường bao gồm: Điều tra về sự biến đổi sử dụng đất và lớp phủ; vẽ bản đồ thực vật; nghiên cứu các quá trình sa mạc hoá và phá rừng; giám sát thiên tai (hạn hán, cháy rừng, bão, mưa đá...); nghiên cứu ô nhiễm nước và không khí; nghiên cứu môi trường biển (đo nhiệt độ, màu nước biển, gió sóng), ...
Các công trình nghiên cứu của Việt Nam về ô nhiễm môi trường không khí mới dừng ở mức xử lý các số liệu từ các trạm quan trắc mặt đất.Theo nghiên cứu mới nhất của trường Đại học Giao thông vận tải, thiệt hại do khí phát thải của xe cơ giới ở 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, ĐàNẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ chiếm vào khoảng 0,3%-0,6% GDP của thành phố.
Với việc xây dựng Hệ thống trạm thu ảnh vệ tinh mặt đất (2005-2007) thuộc dự án “Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường Việt Nam” do Trung tâm Viễn thám quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đã tạo ra những khả năng và điều kiện mới thực hiện công tác giám sát tài nguyên và môi trường ĐẤT - NƯỚC - KHÔNG KHÍ nhanh hơn, chính xác hơn và đầy đủ hơn.
2.1.7.2. Nghiên cứu thực vật rừng
Viễn thám cung cấp ảnh có diện phủ toàn cầu nghiên cứu lớp phủ thực vật theo ngày, mùa vụ, năm, tháng và theo giai đoạn; điều tra phân loại rừng, diễn biến của rừng; nghiên cứu về côn trùng và sâu bệnh phá hoại rừng...
Tư liệu viễn thám được ghi nhận trên nhiều kênh phổ, điều đó giúp cho công tác giải đoán các yếu tố nội dung của bản đồ một cách thuận lợi, đặc biệt là khi giải đoán về các loại thực vật, thổ nhưỡng. Tuỳ thuộc vào bước sóng điện từ phản xạ hay bức xạ từ các vật thể sẽ tạo ra các ảnh viễn thám có màu sắc khác nhau.
Phản xạ phổ ứng với từng lớp phủ mặt đất cho thấy có sự khác nhau do sự tương tác giữa các bức xạ điện từ và vật thể, điều này cho phép viễn thám có thể xác định hoặc phân tích được đặc điểm của lớp phủ thông qua việc đo lường phản xạ phổ.
2.1.7.3. Nghiên cứu thuỷ văn
Để phục vụ các mục đích quản lý và khai thác tài nguyên nước phải điều tra và giám sát sự phân bố các đối tượng thủy văn và các nguồn nước ngầm, khối lượng và chất lượng cũng như diễn biến theo mùa, theo thời gian của chúng, các hiện tượng thuỷ văn có liên quan như lũ lụt, nhiễm mặn, biến động lòng sông, lòng hồ,…
Ngày nay, ảnh vệ tinh có thể đem lại nhiều thông tin trực tiếp và gián tiếp về các nguồn nước mặt cũng như nước ngầm.Các thông tin về chất lượng nước và về nước ngầm cũng cần được nghiên cứu áp dụng, khai thác từ ảnh vệ tinh. Khả năng sử dụng ảnh vệ tinh để điều tra, giám sát tài nguyên nước là một phương pháp cho kết quả nhanh và kịp thời nhất.
Ảnh vệ tinh đã được một số cơ quan sử dụng để khảo sát, thành lập bản đồ biến động lòng sông ở các tỉ lệ khác nhau, từ 1:100.000 đến 1:25.000 cho hệ thống sông Cửu Long, một số sông ở miền Trung và sông Hồng. Ảnh vệ tinh hiện nay có khả năng sử dụng để điều tra giám sát chất lượng nước như độ mặn, mức độ ô nhiễm do chất thải công nghiệp và để điều tra, quản lí tổng hợp các lưu vực sông.
Về mặt nước ngầm, các nhà địa chất - thuỷ văn đã tiến hành một số thử nghiệm sử dụng ảnh vệ tinh kết hợp với các phương pháp truyền thống để điều tra, thành lập bản đồ nước ngầm.Một trong những công trình đầu tiên về mặt này ở nước ta là bản đồ nước ngầm Tây Nguyên tỉ lệ 1: 250.000 được thành lập trong khuôn khổ chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên.
2.1.7.4. Sử dụng tư liệu viễn thám để thành lập bản đồ HTSDĐ, phát hiện biến động lớp phủ bề mặt
Hiện nay, trong công tác thành lập bản đồ HTSDĐ người ta đã sử dụng rộng rãi các tư liệu viễn thám vì tư liệu viễn thám có khả năng trùm phủ lớn, thông tin thu nhận ở trên một diện tích rộng từ 185km x185km đến 11km x 11km. Tư liệu viễn thám có độ phân giải cao từ 0,5m cho đến 80m cho nên
thỏa mãn các nhu cầu thành lập các loại bản đồ chuyên đề ở tỷ lệ khác nhau. Phần lớn tư liệu viễn thám đều ở dạng số cho nên việc lưu trữ, khai thác, phân tích chúng rất dễ dàng. Các đặc trưng của tư liệu viễn thám như tính đa thời gian, đa phổ, đặc trưng cấu trúc và các chỉ số như NDVI, …, giúp ích rất nhiều trong việc giải đoán tự động trên máy tính để thành lập bản đồ chuyên đề một cách nhanh chóng, chính xác.
Ở nước ta, công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý đã được ứng dụng trong công tác thành lập bản đồ HTSDĐ, nghiên cứu biến động sử dụng đất, ... và bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Một số tư liệu ảnh vệ tinh phổ biến trong công tác thành lập bản đồ như: - Tư liệu ảnh Landsat MSS: Được sử dụng để tạo ra các sản phẩm bản đồ ảnh, một số loại bản đồ chuyên đề, cập nhật và hiệu chỉnh các loại bản đồ cảnh quan, bản đồ bay, bản đồ địa hình và đồng thời biên vẽ lược đồ nông sâu của biển bởi vì vệ tinh Landsat có thể cung cấp lượng thông tin vô cùng phong phú bao phủ diện tích lớn trong thời gian ngắn. Tư liệu MSS trở thành nguồn dữ liệu mới cho các mục đích thành lập bản đồ.
- Tư liệu ảnh Landsat TM, Spot và Mapsat:
+ Ảnh Landsat TM có độ phân giải cao, độ chính xác mặt bằng hình ảnh sau khi xử lý có thể đáp ứng công tác thành lập hoặc hiệu chỉnh bản đồ tỷ lệ 1:50.000.
+ Ảnh Spot có thể sử dụng để thành lập các loại bản đồ tỷ lệ đến 1:25.000 với khoảng cao đều 20m – 25m.
+ Ảnh đa phổ Mapsat của Mỹ: Có thể dùng để thành lập bản đồ tỷ lệ 1:50.000 (mô hình số độ cao) với khoảng cao đều 20m. Độ phân giải mặt đất là 10m đối với ảnh toàn sắc và 30m đối với ảnh đa phổ.
+ Ảnh Radar: Có khả năng thể hiện các thông tin về địa hình, địa chất, thực vật và lớp đất mỏng. Năm 1968, ảnh Radar đã được sử dụng để xây dựng bản đồ tỷ lệ 1:1000.000 ở Panama đã gây một chú ý lớn trong lĩnh vực Trắc
địa - bản đồ. Tiếp sau đó ảnh Radar được sử dụng thành lập bản đồ vùng Nam Mỹ và thu được những thành tựu rất lớn. Các sản phẩm bản đồ được thành lập từ ảnh Radar ở tỷ lệ 1:250.000 được sử dụng phổ biến trong thực tế cho nên tư liệu ảnh Radar được xem là những tư liệu bổ sung cho việc thành lập bản đồ tỷ lệ nhỏ và trung bình.
Để đáp ứng nhu cầu về tư liệu viễn thám, nước ta đã có một số trạm thu ảnh vệ tinh khí tượng và ảnh vệ tinh quang học. Cùng với việc ứng dụng công nghệ viễn thám, công tác nghiên cứu triển khai phát triển phần mềm, chế tạo thiết bị cũng như xây dựng quy trình công nghệ xử lý và sử dụng ảnh vệ tinh đã được tiến hành ở một số cơ quan. Những công trình này có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển công nghệ viễn thám ở nước ta, song kết quả thu được còn ở mức độ khiêm tốn.