Thị trường vàng

Một phần của tài liệu dien bien thi truong tai chinh nam 2012 va giai phap phat trien (Trang 25 - 30)

Năm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều biến động không chỉ về giá, cung – cầu mà còn đón nhận nhiều quyết sách từ phía cơ quan quản lý dù hiệu lực của chính sách chưa thực sự khả quan.

Biến động về giá

Năm 2012, giá vàng thế giới biến động liên tục, nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Giá vàng trong nước cũng chịu tác động của giá vàng thế giới nhưng phần lớn lại được điều chỉnh dưới tác động của các chính sách điều hành. Từ mức giá 42,7 triệu đồng/lượng đầu năm 2012, đến cuối năm giá vàng trong nước giao động đã ở mức trên 46 triệu đồng/ lượng, tăng từ 3,5 đến xấp xỉ 4 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng trên 8%.

Trong năm 2012 thị trường ghi nhận 2 cơn sốt vào thời điểm tháng 8 (giá vàng trong nước tăng do giá vàng thế giới tăng) và tháng 11 (do các ngân hàng đóng trạng thái vàng). Cụ thể, đầu tháng 8/2012, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường đã đẩy giá mặt hàng này tăng nhanh từng ngày. Trái ngược với tình cảnh ảm đạm như các kênh đầu tư khác, thị trường vàng thực sự “dậy sóng”. Giá tăng mạnh vượt qua mốc 43 triệu đồng/lượng chỉ trong một thời gian ngắn rồi đứng ở mức cao, dù diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới đã bớt “nóng”. Từ cuối tháng 10 kéo sang tháng 11, thị trường vàng trong nước thêm một lần nữa lại “dậy sóng”. Nguyên nhân cơ bản của cơn “sóng vàng” lần này là do các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh mua vào để chạy trước thời hạn 25/11/2012 theo quy định của Nghị định 24/2012/ NĐ-CP, khiến thị trường khan hiếm, đẩy giá tăng.

Dù có những cơn “sốt” giá trên nhưng so với năm 2011, giá vàng năm 2012 vẫn không chạm đỉnh kỷ lục của năm trước (49 triệu đồng/lượng). Giá vàng xác lập đỉnh trong năm 2012 đạt mức xấp xỉ 48,5 triệu đồng/lượng (vào trung tuần tháng 10, đầu tháng 11). Thị trường vàng cũng không chứng kiến cảnh người dân rồng rắn xếp hàng mua bất chấp giá vàng tăng phi mã và vô lý như năm 2011. Tình trạng buôn lậu vàng cũng đã cơ bản được khống chế… Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, trong đó đã tác động tích cực đến tỷ giá. Đây cũng là sự ghi nhận tích cực về sự quyết liệt của cơ quan quản lý, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tuy nhiên, thực tế năm 2012 cho thấy, tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa được xử lý triệt để, trái lại còn trầm trọng hơn. Vào thời điểm cuối tháng 12, giá vàng trong nước đã cao hơn giá thế giới tới 4,5 triệu đồng/lượng. Nếu cộng cả chi phí chế tác và gia công vàng, các loại thuế và phí liên quan thì giá vàng trong nước cũng chỉ chênh so với giá thế giới 1%. Mức chênh 4,5 triệu đồng/lượng (tương đương 9,8%) như phiên giao dịch trên thị trường vàng ngày 20/12/2012 là nghịch lý đầy bất thường. Nghịch lý này rõ ràng không thể đổ cho tâm lý đám đông của người dân như trước đây, mà là do 90% lượng vàng SJC được bán cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng bạc, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, chỉ 10% là được bán cho người dân. Sự chênh lệch này hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu của Nghị định 24/2012/ NĐ-CP là bình ổn thị trường vàng trong nước, chống đầu cơ làm giá đối với mặt hàng nhạy cảm này.

Quyết sách cho thị trường

Ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012, thay thế Nghị định 64/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 174/1999/NĐ-CP. Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời nhằm chấn chỉnh lại thị trường vàng. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực cho đến nay, sau gần nửa năm thực hiện, cơ chế quản lý thị vàng đã cho thấy nhiều điểm bất ổn. Hoạt động của thị trường vàng trong nước xem ra vẫn chưa được như kỳ vọng của NHNN, đúng như các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thống đốc tại kỳ họp Quốc hội ngày 13/11/2012.

Theo quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng với đầu mối đại diện Nhà nước để sản xuất vàng miếng là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, thương hiệu SJC. Các DN đã từng được

cấp giấy phép sản xuất vàng miếng trước kia giờ đây đều bắt buộc phải ngừng sản xuất. Tuy nhiên, cách thức triển khai cũng như công tác tuyên truyền không đầy đủ đã khiến thị trường trở nên rối loạn.

Sự khẳng định của Chính phủ “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật” đã trấn an người có vàng về nguy cơ không được trữ vàng đã được đồn đại trước đó. Tuy nhiên, cánh cửa đối với người có vàng cũng hẹp hơn, vì họ chỉ có thể lựa chọn giữ tại nhà, gửi ngân hàng giữ hộ có mất phí (theo quy định của Thông tư 12/2012/TT-NHNN) hoặc bán đi, vì Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định rõ 7 hành vi vi phạm, trong đó có sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Mặc dù nhiều ý kiến e ngại sẽ khó thực hiện quy định cấm thanh toán bằng vàng vì tập quán này tồn tại từ lâu đời. Thế nhưng, thực tế sau hơn nửa năm Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, việc thanh toán bằng vàng đã giảm mạnh, những niêm yết công khai hoàn toàn chấm dứt. Nguyên nhân là người dân không còn mặn mà với vàng như trước kia. Bởi vậy, kể cả khi giá biến động, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/ lượng thì cũng không còn hiện tượng đổ xô đi mua vàng, tỷ giá VND/USD cũng được giữ bình ổn. Đây được coi là một thành công của đề án chống vàng hóa mà NHNN triển khai.

Bất cập trong quản lý

Diễn biến của thị trường vàng năm 2012 cũng nổi lên nhiều bất cập trong quản lý thị trường, có thể nhìn nhận từ nhiều góc độ: quản lý nhà nước, DN và người dân. Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa một ngân hàng trung ương nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Việc quản lý này đã lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh.

NHNN điều tiết thị trường bằng biện pháp hành chính, mệnh lệnh (cấp giấy phép chuyển đổi, quản lý máy móc sản xuất của DN...), bỏ qua các yếu tố cung - cầu của thị trường dẫn đến bế tắc trong sản xuất và lưu thông. Điều này đã tạo ra khan hiếm cung - cầu giả tạo. Mặt khác, với việc sử dụng DN (G5+1) để can thiệp thị trường, cho phép các DN này bán vàng huy động của dân mà không được nhập khẩu để trả lại lượng vàng vật chất đã bán dẫn đến tình trạng khi đóng trạng thái vàng đẩy giá vàng trong nước liên tục lên cao và chênh lệch quá lớn so với giá thế giới.

Theo quy luật thị trường, chức năng hoạt động cơ bản của DN là sản xuất, kinh doanh, tạo lợi nhuận và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Việc các DN tham gia bình ổn giá vàng khi không được chuyển đổi các trạng thái vàng mua ở tài khoản sang vàng vật chất để mang về bù đắp bắt buộc phải mua vàng trong nước, kết quả là không những bản thân các DN này bị thua lỗ mà còn không đóng góp được cho NSNN. Do đó, việc thông qua các DN để bình ổn giá vàng đã không giải quyết được bế tắc của thị trường và vai trò bình ổn thị trường vàng của NHNN không có hiệu quả. Mặt khác, việc độc quyền một thương hiệu khiến người dân nếu không muốn bị tước đoạt quyền sở hữu các thương hiệu vàng khác phải chấp nhận bán rẻ hơn SJC từ 2-3 triệu đồng/lượng cho dù chất lượng không khác nhau.

Từ sự quản lý như vậy dẫn đến hệ quả là thị trường vàng Việt Nam phát triển thiếu minh bạch, thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược.

Một phần của tài liệu dien bien thi truong tai chinh nam 2012 va giai phap phat trien (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(39 trang)
w