Khả năng cung cấp khí cho dự án sản xuất LNG

Một phần của tài liệu Lựa chọn và xây dựng mô hình công nghệ nhà máy sản xuất LNG từ nguồn khí miền Trung (Trang 31)

Định hướng về khả năng cung cấp khí ở từng khu vực dựa trên các phân tích, đánh giá nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ khí:

- Nguồn cung: được phân chia thành kịch bản cơ sở và tiềm năng. Kịch bản cơ sở bao gồm tất cả những nguồn cung cấp khí hiện hữu, kịch bản tiềm năng sẽ được thiết lập dựa trên kịch bản cơ sở cộng thêm một số nguồn khí sẽ bổ sung trong tương lai.

- Nhu cầu tiêu thụ khí: được phân mức ưu tiên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Do đó, các nhà máy sản xuất điện và các nhà máy sản xuất phân đạm sẽ được ưu tiên hơn so với các hộ tiêu thụ công nghiệp khác.

a) Khu vực Đông Nam Bộ:

Hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ là một trong những vùng kinh tế quan trọng của toàn miền Nam. Do đó, nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên cho sản xuất công nghiệp tại khu vực này luôn ở mức rất cao. Tuy nhiên, việc cung cấp khí cho các đơn vị vẫn phải đảm bảo ưu tiên cho an ninh năng lượng và lương thực.

Nguồn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn hiện đang cung cấp cho chín nhà máy nhiệt điện trong khu vực Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Hiệp Phước với tổng sản lượng trung bình khoảng 6,93 tỷ m3/năm. Ngoài ra, đơn vị sử dụng khí cho sản xuất phân đạm hiện nay chỉ có nhà máy Đạm Phú Mỹ với nhu cầu tiêu thụ trung bình khoảng 0,6 tỷ m3/năm.

Căn cứ trên số liệu nguồn cung hiện tại và tiềm năng trong tương lai, thiết lập cân đối cung cầu khí nguyên liệu theo hai kịch bản nguồn cung:

* Kịch bản cơ sở:

Nguồn cung cấp khí trong kịch bản cơ sở là nguồn khí thiên nhiên đang cung cấp cho khu vực Đông Nam Bộ từ hai hệ thống đường ống dẫn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn 1. Cân đối cung cầu theo kịch bản cơ sở được thể hiện trong hình 1.14:

Nguồn: Ban Khí PVN, 2012

Hình 1.14.Cân đối cung cầu khí cho KV Đông Nam Bộ theo kịch bản cơ sở (2012 – 2025)

Như vậy, với nguồn cung hiện hữu không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng khí của các nhà máy nhiệt điện, Nhà máy Đạm Phú Mỹ và sự thiếu hụt ngày càng tăng khi sản lượng khai thác khí suy giảm.

* Kịch bản tiềm năng:

Nguồn: Ban Khí PVN, 2012

Hình 1.15.Cân đối cung cầu khí cho KV Đông Nam Bộ theo kịch bản tiềm năng ( 2012 – 2025)

Nguồn cung khí trong kịch bản tiềm năng là nguồn khí hiện hữu đang cung cấp cho khu vực Đông Nam Bộ và được bổ sung thêm hai nguồn cung khí từ đường ống Nam Côn Sơn số 2 và bể Phú Khánh.

Như vậy, kịch bản nguồn khí tiềm năng tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn không thể cung cấp đủ khí cho khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2025.

b) Khu vực Tây Nam Bộ:

Khi dự án khí – điện – đạm Cà Mau được triển khai, khu vực miền Tây Nam Bộ đang từng bước công nghiệp hóa được đánh dấu bằng sự ra đời của nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và nhà máy Đạm Cà Mau. Ngoài ra, trong giai đoạn sau 2015, các nhà máy điện Ô Môn trong khu vực Ô Môn – Cần Thơ sẽ đi vào vận hành nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện cho toàn bộ khu vực miền Tây Nam Bộ.

Căn cứ trên số liệu nguồn cung hiện tại và tiềm năng trong tương lai, thiết lập cân đối cung cầu khí nguyên liệu theo hai kịch bản nguồn cung.

* Kịch bản cơ sở

Nguồn: Ban Khí PVN, 2012

Hình 1.16.Cân đối cung cầu khí cho KV Tây Nam Bộ theo kịch bản cơ sở, (2012- 2025)

Theo kịch bản cơ sở này, nguồn khí từ hệ thống đường ống PM3 – Cà Mau với sản lượng vận chuyển trung bình khoảng 1,82 tỷ m3/năm không thể cung cấp đủ khí

cho các hộ tiêu thụ điện và đạm tại khu vực Tây Nam Bộ. Lượng khí thiếu hụt tăng dần về sau vì sản lượng khai thác khí ngày càng suy giảm.

* Kịch bản tiềm năng:

Kịch bản tiềm năng xét đến nguồn cung khí từ đường ống PM3 – Cà Mau và đường ống Lô B – Ô Môn khi hệ thống đường ống này đi vào hoạt động.

Nguồn: Ban Khí PVN, 2012

Hình 1.17.Cân đối cung cầu khí cho KV Tây Nam Bộ theo kịch bản tiềm năng, (2012-2025)

Mặc dù sản lượng cung cấp khí trong kịch bản tiềm năng khoảng 4,16 tỷ m3/năm nhưng nhu cầu sử dụng khí trong khu vực này cũng tăng cao khi một loạt các nhà máy điện tại khu vực Ô Môn – Cần Thơ đi vào hoạt động sau năm 2014. Do đó, nguồn khí tiềm năng bể Malay – Thổ Chu không đủ để cung cấp cho vùng Tây Nam Bộ đến năm 2025.

c) Khu vực miền Trung:

Giai đoạn sau 2020, khu vực này sẽ được cung cấp khí từ các mỏ khí tiềm năng, lượng khí này sau khi cung cấp cho nhu cầu thị trường khí miền Trung như sản xuất điện, khách hàng công nghiệp thì dự báo vẫn còn thừa khoảng 4-5 tỷ m3/năm. Lượng khí thừa hiện nay vẫn chưa có kế hoạch tiêu thụ cụ thể và là đối tượng nghiên cứu trong báo cáo này: lượng khí này sẽ được dùng để sản xuất LNG và LNG sau đó được vận chuyển vào miền Nam để cung cấp cho thị trường miền Nam.

d) Khu vực miền Bắc:

Trong giai đoạn sau năm 2018, khu vực miền Bắc sẽ bắt đầu được cung cấp khí với sản lượng trung bình khoảng 0,4 tỷ m3/năm. Lượng khí này dự kiến sử dụng cho nhu cầu tại khu vực miền Bắc mà chủ yếu là cho các hộ công nghiệp. Lượng khí này nhỏ, sản xuất LNG sẽ không đem lại hiệu quả cao nên sẽ không được xem xét trong báo cáo này.

* Nhận xét đánh giá:

Sau khi xem xét tổng quan ta thấy:

- LNG đang là một loại năng lượng sạch tiềm năng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và đang được sự quan tâm đặc biệt của một số quốc gia.

- Thị trường LNG trên thế giới đang ngày một phát triển, nhu cầu tiêu thị LNG ở một số quốc gia ngày càng tăng lên.

- Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên sử dụng để cung cấp năng lượng ở một số vùng miền ngày càng tăng cao, nhất là khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khí tại đây. Trong khi đó, theo dự báo trong tương lai sản lượng khí tại khu vực miền Trung sẽ tăng cao dẫn đến thừa khí. Do đó, sẽ tiến hành vận chuyển khí từ miền Trung vào miền Nam để bù đắp cho sự thiếu khí tại đây theo phương án LNG.

CHƯƠNG II

LỰA CHỌN CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT LNG

Một phần của tài liệu Lựa chọn và xây dựng mô hình công nghệ nhà máy sản xuất LNG từ nguồn khí miền Trung (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)