Thị trường tiêu thụ khí thiên nhiên tại Việt Nam hiện chỉ tập trung tại hai khu vực là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Tổng nhu cầu khí cho sản xuất điện, đạm và thấp áp tại hai vùng này được thể hiện trong bảng 1.2:
Bảng 1.2.Tổng nhu cầu khí thiên nhiên tại miền Nam năm 2012
ĐVT: tỷ m3
KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ TÂY NAM BỘ TỔNG
Sản xuất điện 6,93 1,66 8,59
Sản xuất phân đạm 0,60 0,50 1,10
Khác 0,56 0,00 0,56
Tổng 8,09 2,16 10,25
Nguồn: Ban Khí PVN, 2012
Khu vực miền Đông Nam Bộ là nơi tập trung rất nhiều KCN lớn nên nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên tại đây cao nhất cả nước. Trong giai đoạn 2012 – 2025, tổng nhu cầu tiêu thụ khí tại khu vực này khoảng 9,2 tỷ m3/năm. Trong đó, khoảng 76% lượng khí cung cấp cho các nhà máy điện, 7% cung cấp cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ và phần còn lại cung cấp cho các hộ tiêu thụ thấp áp.
Nguồn: Ban Khí PVN, 2012
Hình 1.12.Nhu cầu tiêu thụ khí KV Đông Nam Bộ (2012-2025)
Trong những năm gần đây, nền công nghiệp tại khu vực Tây Nam Bộ cũng bắt đầu phát triển. Do đó, nhu cầu sử dụng khí chỉ ở mức dưới 2 tỷ m3/năm. Từ sau năm 2014, một loạt các nhà máy điện tại khu vực tỉnh Cần Thơ đi vào hoạt động làm cơ sở cho các KCN sẽ được xây dựng trong tương lai tại vùng này. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ khí trong giai đoạn 2014 – 2025 của toàn miền Tây Nam Bộ trung bình khoảng 6,7 tỷ m3/năm.
Nguồn: Ban Khí PVN, 2012
Hiện nay, khu vực miền Trung chưa phát triển cơ sở hạ tầng cung cấp khí nên chưa có nhà máy nào sử dụng nguồn khí này trong sản xuất công nghiệp. Theo “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030”, dự kiến sau năm 2020 khu vực miền Trung sẽ phát triển một nhà máy nhiệt điện khoảng 1.350 MW, tiêu thụ khoảng 1,3 tỷ m3 khí/năm.