Đảng lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong các công ty cổ phần ngành dệt - may Việt Nam hiện nay (Trang 43)

Công tác tư tưởng là một hoạt động diễn ra trong lĩnh vực tư tưởng bao gồm công tác lý luận, công tác tuyên truyền và công tác cổ động nhằm xác định những mục tiêu cách mạng và hiện thực hoá những mục tiêu ấy trong cuộc sống. Công tác tư tưởng là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng của đảng. Nó được tiến hành bởi tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và hiển nhiên trong đó DNCP là một đối tượng phải hướng tới.

Trong hầu hết các DNCP ngành Dệt - May Việt Nam, công tác tư tưởng được đặc biệt coi trọng, hướng vào mục tiêu giáo dục tư tưởng cho công nhân, viên chức phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, yêu CNXH, yêu ngành nghề, xây dựng tinh thần làm chủ, ý thức cần kiệm và tinh thần đoàn kết, hợp tác thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Các TCCSĐ đã có nhiều cố gắng nghiên cứu và quán triệt các vấn đề cơ bản về đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến từng cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong doanh nghiệp. Những chính sách đặc biệt là chính sách có liên quan đến sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp đều được tổ chức học tập, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức phấn đấu vươn lên của cả đội ngũ cán bộ, công nhân nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương đó trong SXKD của doanh nghiệp. Cụ thể:

- Công tác tư tưởng của TCCSĐ hướng vào việc tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, người lao động thấy rõ trách nhiệm của mình khi làm việc tại DNCP. Trách nhiệm đó thể hiện ở quyền tham gia quản lý doanh nghiệp, chất lượng lao động và sự năng động, sáng tạo trong cơ chế mới nhằm mục tiêu là chuyển từ tư duy làm việc trong DNNN trông chờ, ỷ lại vào sự bảo hộ của

Nhà nước sang tư duy mới, tư duy nhạy bén năng động, sáng tạo, hiệu quả cao. Trong DNCP, người lao động trở thành những cổ đông thực sự, là những người chủ doanh nghiệp, quyền lợi, của họ gắn liền với sự phát triển hay suy vong của doanh nghiệp. Mỗi người lao động phải có trách nhiệm với doanh nghiệp, tham gia tìm tòi những giải pháp để phát triển doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phát triển, làm ăn có hiệu quả, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời phải đảm bảo lợi tức cổ phiếu để thu hút đầu tư vào doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu không đảm bảo lợi tức cổ phiếu thì người đầu tư sẽ rút cổ phiếu mua ở đơn vị khác, ảnh hưởng tới ổn định của đơn vị. Cho nên công tác tư tưởng còn hướng tới xây dựng văn hoá Đảng, văn hoá từng doanh nghiệp.

- Công tác tư tưởng còn đóng vai trò phát huy dân chủ trong doanh nghiệp, động viên và tạo điều kiện để công đoàn, đoàn thanh niên luôn luôn sát cánh với tổ chức đảng ở cơ sở doanh nghiệp, chủ động tiến hành công tác và tham gia quản lý doanh nghiệp một cách có hiệu quả. Thông qua các tổ chức quần chúng tạo điều kiện cho người lao động phát huy sự sáng tạo trong công việc, coi đó là động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp vai trò của công tác tư tưởng chưa được phát huy. Cụ thể là:

+ Công tác tư tưởng chưa làm tốt chức năng tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu rõ hơn bản chất, vai trò của CPH DNNN và hoạt động của DNCP.

+ Công tác tư tưởng chưa được tiến hành đồng bộ, gắn bó với hoạt động của các DNCP. Nhìn chung, công tác tư tưởng chỉ quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thuyết phục người lao động yên tâm SXKD khi doanh nghiệp còn khó khăn còn khi doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định thì ít được chú trọng. Điều này cho thấy ở một số doanh nghiệp, khi doanh nghiệp còn gặp khó khăn thì TCCSĐ sinh hoạt đúng kỳ, nội dung sinh hoạt thiết thực, hiệu quả hướng tới việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Còn khi doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định thì số lần sinh hoạt thưa dần và nội dung sinh hoạt cũng tẻ nhạt, không mấy có tác dụng với doanh nghiệp.

+ Công tác tư tưởng còn lúng túng trong việc hướng dẫn sinh hoạt của các TCCSĐ tại các DNCP. Một số cấp uỷ đảng những nơi đó chấp hành chưa nghiêm túc chế độ sinh hoạt, chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp. Việc đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ chuyển biến chậm, có khi chỉ mang tính hình thức, nội dung không thiết thực, tinh thần tự phê bình và phê bình yếu, chưa đảm bảo dân chủ trong sinh hoạt đảng. Một số TCCSĐ chưa được chỉnh đốn, dân chủ vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, làm ăn thua lỗ kéo dài, nội bộ mất đoàn kết. Công tác tổ chức cán bộ còn biểu hiện trì trệ, lúng túng và bất cập. Tổ chức đảng và đoàn thể chưa thống nhất, tổ chức chỉ đạo các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước còn yếu và chưa nghiêm.

+ Đội ngũ những người am hiểu chuyên môn về công tác tư tưởng trong DNCP còn thiếu vì thế hiệu quả công tác, tuyên truyền vận động ở một số doanh nghiệp còn hạn chế. Một số người làm công tác tư tưởng còn ít am hiểu về nhiệm vụ của TCCSĐ đối với việc lãnh đạo công tác tư tưởng trong DNCP cho nên dẫn đến tình hình “lấn sân” hoặc “trống sân”.

Qua con số thống kê về cuộc thi: “Tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” do TW Đảng phát động, số lượng bài tham gia dự thi ở các công ty cổ phần ngành Dệt - May như sau:

TT TCCSĐ Tổng số CBCNV Đảng viên Đảng viên TGCT Quần chúng TGCT Tổng số bài TGCT 1 CTCP May 10 1.274 323 316 427 743 2 CTCP May Đức Giang 1.128 372 340 284 624 3 CTCP May Lê Trực 512 78 74 209 281 4 CTCP May Thăng Long 473 84 79 167 246 5 CTCP May Hồ Gươm 469 77 65 102 167 6 CTCP May Chiến Thắng 541 105 81 162 243 7 CTCP Dệt CN Hà Nội 384 91 87 96 183

Nguồn: Báo cáo kiểm điểm thực hiện nhiệm kỳ của Đảng bộ CTCP May 10, CTCP May Đức Giang, CTCP May Lê Trực, CTCP May Thăng

Long, CTCP May Hồ Gươm, CTCP May Chiến Thắng và CTCP Dệt CN Hà Nội.

Từ bảng thống kê trên, ta nhận thấy số lượng đảng viên ở các công ty thì tham gia cuộc thi tương đối đầy đủ, nhưng quần chúng tham gia ít, chiếm khoảng 50%. Chứng tỏ công tác chính trị tư tưởng của TCCSĐ ở hầu hết các công ty cổ phần còn rất kém, chưa vận động được quần chúng tham gia vào các cuộc thi mang tính chính trị trên phạm vi toàn quốc này.

Có thể nói rằng, công tác tư tưởng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của TCCSĐ trong DNCP và phải được tiến hành thường xuyên. Nâng cao vai trò công tác tư tưởng phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên làm công tác tư tưởng, đặc biệt là nâng cao công tác tuyên truyền vận động, giáo dục lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo sự phát triển ngày càng vững mạnh của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong các công ty cổ phần ngành dệt - may Việt Nam hiện nay (Trang 43)