3.3.1.1Tất cả mục tiêu hoạt động của ngân hàng cần phải đo lường được, đặc biệt là mức độ rủi ro từ hoạt động tín dụng
Để có thể đưa ra các mục tiêu có tính khả thi và an toàn nhất cho hoạt động của ngân hàng mình, các nhà lãnh đạo ngân hàng cần xây dựng các mục tiêu trong kế hoạch kinh doanh dựa trên các tổn thất do rủi ro đã được tính toán trước, cùng với mức dự phòng theo phương pháp tính toán riêng của ngân hàng. Các ngân hàng thương mại ở các nước tiên tiến, trong công tác lập kế hoạch kinh doanh tín dụng của mình, họ đã phải xác định rất sớm:
- Danh mục các sản phẩm tín dụng mà mình đang có kèm mức độ rủi ro tổn thất có thể đo lường, quản lý.
- Danh sách các ngành nghề kinh tế với mức độ rủi ro tổn thất có thể quản lý và đo lường được đi kèm.
- Danh sách các loại tài sản đảm bảo có mức độ rủi ro tổn thất đi kèm.
Từ đó xác định cơ cấu tín dụng theo định hướng kinh doanh phù hợp để có thể đạt được mức lợi nhuận mà cổ đông mong muốn. Nói cách khác, họ xác định trước các mức tổn thất có thể xảy ra để tính toán ngược lại doanh số cần thực hiện cho từng loại sản phẩm tín dụng, từng loại thị trường với mức giá phù hợp. Với cách quản lý như vậy, ngân hàng sẽ có rất nhiều cơ hội kinh doanh vì lúc này họ “kinh doanh rủi ro chứ không phải tránh né rủi ro”, với yêu cầu này rủi ro cần phải được nhận biết và đo lường chính xác.
3.3.1.2Chất lượng cao nhất của dư nợ tín dụng (nội và ngoại bảng) là một thành phần quan trọng của “Mục tiêu quản lý rủi ro” trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại:
Hiện tại, đa số các ngân hàng thương mại Việt Nam đều đưa ra các chỉ tiêu sau để đánh giá hoạt động tín dụng của ngân hàng mình:
Dư nợ, doanh số cấp tín dụng. Lợi nhuận sau dự phòng rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu, có vấn đề.
Tỷ lệ thu phí dịch vụ từ hoạt động tín dụng.
Tuy nhiên một chỉ tiêu cực kỳ quan trọng để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn của hoạt động tín dụng của các ngân hàng là Chất lượng của dư nợ tín dụng (nội và ngoại bảng) lại không được xem xét . Thực tế này có hai lý do để tồn tại:
o Hoặc các ngân hàng này chưa có một hệ thống đánh giá khách hàng tín dụng;
o Hoặc lãnh đạo các ngân hàng này không đủ can đảm đánh giá một cách chính xác thực trạng của tổng dư nợ để có thể có những biện pháp kịp thời.
Tuy nhiên, để có thể đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của hoạt động tín dụng, các nhà quản lý ngân hàng thương mại của Việt Nam cần khẩn trương triển khai ngay các hoạt động đánh giá chất lượng dư nợ tín dụng nội và ngoại bảng của ngân hàng mình. Việc đánh giá nghiêm khắc về chất lượng dư nợ tín dụng cũng như chính sách trích lập dự phòng an toàn sẽ thật sự là đòn bẩy để các ngân hàng lành mạnh hoá hoạt động tín dụng của mình và đưa ý thức phòng chống rủi ro của từng nhân viên kinh doanh tín dụng vào một tiêu chuẩn đồng nhất.
Để thực hiện tốt công tác này, các ngân hàng chưa có hệ thống đánh giá khách hàng thì cần hoàn tất ngay. Dưới đây là một ví dụ về đánh giá chất lượng tín dụng, một ngân hàng bất cứ lúc nào cũng cần phải lên được đồ thị về chất lượng tín dụng của ngân hàng mình như thế này để có thể:
Đánh giá mức độ an toàn của ngân hàng tại thời điểm đánh giá;
Đánh giá chất lượng của hoạt động quản lý rủi ro tín dụng.