Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Một phần của tài liệu VIỆT NAM: MỘT SỐ ĐIỂN HÌNHPHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Báo cáo tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốcvề Phát triển bền vững (Rio+20) (Trang 36)

Tính đặc sắc và khác biệt

Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong trong việc xây dựng chính sách và áp dụng thí điểm mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng, căn cứ trên những khái niệm ban đầu về dịch vụ HST được đề cập trong một số văn bản pháp luật như Luật Tài nguyên nước (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) và Luật Bảo vệ môi trường (2005). Chính sách Chi trả dịch vụ rừng đã được xây dựng thành công ở Việt Nam từ việc tổng kết kinh nghiệm trên thế giới, đến triển khai những nghiên cứu thí điểm quy mô cấp tỉnh, nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của tổ chức quốc tế, sự tham gia tích cực của các cán bộ khoa học và các nhà quản lý. Chính sách này, vì thế, sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam.

Kết luận

Ba điển hình PTBV về bảo tồn và phát triển ((1) Khu DTSQ quần đảo Cát Bà - phòng thí nghiệm học tập cho PTBV; (2) Phát triển sinh kế để bảo tồn: trường hợp của cộng đồng tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; và (3) Chi trả dịch vụ môi trường ở Việt Nam - từ thực tiễn đến chính sách) là một số trong rất nhiều các ví dụ thành công trong thực tiễn liên quan đến công tác bảo tồn gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong toàn quốc.

Một số bài học kinh nghiệm đã được rút ra qua việc đánh giá các điển hình PTBV về bảo tồn và phát triển nêu trên.

Giải quyết những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt đối với cộng đồng địa phương nghèo, là một quá trình phức tạp và đòi hỏi một thời gian dài. Một trong những giải pháp thúc đẩy công tác bảo tồn là tạo được những sinh kế thay thế, như sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển ngành nghề truyền thống, du lịch... nhằm giảm áp lực lên rừng và ĐDSH.

Điểm mấu chốt của thành công trong việc thực thi các dự án phát triển và bảo tồn ĐDSH là có sự tham dự của cộng đồng. Nhân dân địa phương có quyền xác định vấn đề của họ và những hoạt động ưu tiên, được tham gia trực tiếp vào các hoạt động của dự án phát triển và bảo tồn mà họ được hưởng lợi. Để đạt được kết quả mong muốn, các dự án ở đây phải được thực hiện với dân chứ không phải cho dân.

Vai trò của các bên có liên quan đặc biệt quan trọng trong các dự án bảo tồn và phát triển, trong đó có vai trò điều phối của chính quyền địa phương, sự tư vấn của các nhà khoa học, sự chủ động và đồng thuận của cộng đồng địa phương và sự tham gia của các doanh nghiệp. Mô hình này của Việt Nam đã được tổng kết về sự tham gia của “Bốn nhà” trong PTBV.

Khả năng nhân rộng những mô hình nhằm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là rất lớn, đặc biệt cho những vùng và địa phương nằm xung quanh các vườn quốc gia, khu bảo tồn, hệ sinh thái cảnh quan cần được bảo tồn và PTBV.

Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đang tạo ra nhiều áp lực đến các HST nên việc áp dụng chi trả dịch vụ môi trường cũng có thể được coi là một công cụ để giảm thiểu các tác động đến HST nói riêng và ĐDSH nói chung. Áp dụng chi trả dịch vụ môi trường tạo ra nguồn tài chính bền vững trong việc bảo tồn ĐDSH, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương nhằm xóa đói, giảm nghèo.

Việc ban hành chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thể chế hóa bằng Nghị định của Chính phủ đã giúp cho các Bộ, ngành và địa phương có thêm công cụ pháp lý hữu hiệu, buộc các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ HST rừng phải chi trả cho các dịch vụ đó như một loại hàng hóa, dựa trên giá trị của chúng và thỏa thuận thị trường.

Để xây dựng thành công chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Việt Nam đã triển khai đồng bộ từ áp dụng những kết quả nghiên cứu trên thế giới, tiến hành thử nghiệm cho điều kiện đặc thù ở từng địa phương, tổng kết đánh giá và cuối cùng ban hành chính sách phù hợp. Những kinh nghiệm xây dựng chính sách này có thể được áp dụng trong xây dựng những chính sách khác có liên quan.

Một kinh nghiệm để đảm bảo cho sự thành công là sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, sự hỗ trợ của cộng đồng và sự tham gia của các tổ chức khoa học và phát triển.

Một phần của tài liệu VIỆT NAM: MỘT SỐ ĐIỂN HÌNHPHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Báo cáo tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốcvề Phát triển bền vững (Rio+20) (Trang 36)