II – CÁC GIẢI PHÁP CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG TẠI HÀ NỘI.
2. Đổi mới công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị.
Quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của công tác quản lý đô thị nhằm quản lý quá trình hình thành và phát triển môi trường vật thể của đô thị đảm bảo cho đô thị phát triển hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
Trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, công tác quy hoạch xây dựng đóng vai trò quan trọng bởi vì hệ thống đô thị VN, đặc biệt là các đô thị trung tâm vùng lãnh thổ là hạt nhân, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng và cả nước.
Văn kiện ĐH IX của Đảng đã nêu rõ: “ Phát huy vai trò của các trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá trên toàn vùng và địa phương, đi nhanh trong tiến trình CNH – HĐH phát triển mạnh công nghiệp dịch vụ, đi đầu trong việc phát triển kinh tế tri thức. Tạo vành đai nông nghiệp hiện đại ở các thành phố lớn. Quy hoạch mạng lưới đô thị với một số ít thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và
thành phố lớn, thúc đẩy quá trình đô thị hoá nông thôn. Không tập trung quá nhiều cơ sở công nghiệp và dân cư vào các đô thị lớn. Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ”.
Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đô thị ở Hà Nội đã và sẽ phát triển rất nhanh chóng, do đó công tác quy hoạch xây dựng đô thị càng trở nên quan trọng, cấp bách. Trong thời gian tới, cần phải thực hiện theo các quan điểm sau:
Quy hoạch đô thị phải phù hợp với chiến lược phát triển đô thị quốc gia thời kỳ 1996 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 10/1998/QĐ - TTg ngày 23 tháng 1 năm 1998.
Phải đảm bảo thiết thực, phục vụ kịp thời cho nhu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu cuộc sống xã hội vận động theo cơ chế thị trường.
Phải đáp ứng hài hoà giữa nhu cầu cấp bách trước mắt của phát triển sản xuất và xã hội đồng thời đảm bảo tính phát triển bền vững.
Phải làm cơ sở tạo ra các nguồn lực, thu hút được các nguồn vốn trong và ngoài nước của mọi thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng phát triển đô thị.
Sau đâu là một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng đô thị ở Hà Nội:
2.1. Công tác quy hoạch xây dựng đô thị phải từ cuộc sống, gắn bó với cuộc sống và phục vụ cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Quy hoạch phải đáp ứng đòi hỏi phát triển ngày càng cao của xã hội về mọi mặt, đảm bảo các điều kiện ở, làm việc, mua bán, học tập, vui chơi giải trí hàng ngày của người dân được thuận tiện, thích hợp với lối sống truyền thống, nếp sống văn minh của đô thị.
Bộ mặt kiến trúc của đô thị phải được chăm lo phát triển trên cơ sở giữ gìn bảo vệ các di sản văn hoá có giá trị, hình thành các trung tâm và đường phố chính khang trang, hiện đại.
Quy hoạch xây dựng đô thị phải đảm bảo tính phát triển bền vững của đô thị, khắc phục sự đe doạ của thiên tai, đảm bảo môi trường đô thị trong sạch, lành mạnh.
2.2. Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quy hoạch xây dựng.
Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người tổ chức không gian ( yếu tố quyết định tới chất lượng đồ án ), đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch cần được đào tạo có tính đồng bộ ( đào tạo đủ các chuyên ngành mà quy hoạch xây dựng đô thị cần ), tính toàn diện ( các nhà quy hoạch phải có kiến thức về luật học, kinh tế học, tin học ứng dụng, … ), tính liên tục và kế thừa ( cần thường xuyên tuyển cán bộ quy hoạch để thay thế ), tính hiệu quả.
2.3. Mở rộng hợp tác quốc tế.
Với xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu hoá trong mọi lĩnh vực đặc biệt là kinh tế, khoa học kỹ thuật thì vấn đề giao lưu hội nhập công tác quy hoạch là rất cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực, khảo sát thực tập nghiên cứu khoa học, tư vấn thiết kế, quy hoạch chi tiết, lập dự án trong khu đô thị có quy mô lớn, hiện đại. Hợp tác để trang bị các thiết bị chuyên dùng, kỹ thuật cao phục vụ công tác thiết kế, quy hoạch. Tổ chức toạ đàm, hội thảo trong lĩnh vực quy hoạch với các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm.