0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Vai trò của Hồi giáo trong giai đoạn Suharto (1965-1998)

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA HỒI GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ INDONESIA TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY (Trang 48 -48 )

6. Kết cấu luận văn

2.3 Vai trò của Hồi giáo trong giai đoạn Suharto (1965-1998)

Cuộc đảo chính đưa tướng Suharto lên cầm quyền ở Indonesia năm 1965 được nhìn nhận như một trong những cuộc thảm sát của thế kỷ 20. Khi cuộc đảo chính được thực hiện đêm 30/9/1965, 6 sĩ quan quân đội cấp tướng đã bị lôi ra khỏi nhà và đưa tới một căn cứ không quân ngoại ô thủ đô Jakarta. Những nhân vật cấp cao này đã bị tra tấn sau đó bị quẳng xuống một chiếc giếng sâu mặc dù có người vẫn còn thoi thóp thở. Ngoài ra, trong cuộc đảo chính năm 1965 còn có khoảng một triệu rưỡi người bị giết. Bên cạnh đó là một số lượng lớn hơn nhiều những người bị cầm tù và tra tấn dã man. Đa phần những nạn nhân này là các thành viên Đảng Cộng sản Indonesia và những người ủng hộ họ. Các vụ bạo lực trong năm này đã bị so sánh với những gì Khmer Đỏ gây ra với nhân dân Campuchia những năm sau đó.

Do tình hình bất ổn và cuộc đảo chính đẫm máu nói trên, năm 1965 được coi là một trong quãng thời gian đen tối nhất trong lịch sử Indonesia. Trong suốt 32 năm cầm quyền, chế độ Suharto đã cấm người dân cũng như các phương tiện thông tin đại chúng được phép đề cập đến sự kiện đẫm máu này. Do đó những bí mật về tội ác trong cuộc đảo chính như vụ hành hạ các tướng lĩnh chỉ mới được phanh phui sau khi Suharto sụp đổ năm 1998. Nhưng các nước phương Tây như Mỹ và Anh cũng không hề soi mói gì về sự kiện 1965 như họ thường làm vì London và Washington ủng hộ Suharto lật đổ nhà cách mạng thân Cộng sản Sukarno, vốn có quan điểm chống phương Tây mạnh mẽ và nghiêng về Trung Quốc.

Kể từ sau cuộc đảo chính 1965 đến năm 1968, nhìn chung các tín đồ Hồi giáo Indonesia ủng hộ Suharto vì sự kiện này đã giúp họ loại bỏ được hoàn toàn đảng Cộng sản ra khỏi chính trường Indonesia. Do có công hậu thuẫn, một số thủ lĩnh Hồi giáo của Nahdlatul Ulama (NU) như Idham Chalid và K.H.M Dahlan đã được Suharto bổ nhiệm các ghế bộ trưởng trong nội các. Còn hai đảng Hồi giáo

khác là PSII và Perti thì được tạo điều kiện để dàn xếp những vấn đề nội bộ của họ. Nhìn chung Hồi giáo Indonesia đã được tự do hơn trong những hoạt động chính trị so với thời dân chủ có chỉ đạo của Tổng thống Sukarno. Nhân cơ hội đó, các thành viên đảng Hồi giáo Masyumi vang bóng một thời đã tập hợp lại và lập ra Đảng Hồi giáo Indonesia (Parmusi - Partai Muslimin Indonesia) năm 1968.

Nhưng đó là tất cả những gì các đảng phái Hồi giáo Indonesia được hưởng lợi từ cuộc đảo chính năm 1965. Ngoài ra, những mong muốn của các tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi từng là cựu thành viên Hiệp hội sinh viên Hồi giáo Indonesia

(Himpunan Mahasiwa Islam) đòi lập đảng Dân chủ Hồi giáo Indonesia (Partai

Demokrasi Islam Indonesia) đã không được chính quyền quân sự Suharto chấp

thuận. Ý định tổ chức một đại hội quy mô lớn của những người Hồi giáo vào năm 1968 cũng đã bị chính phủ quân sự dập tắt.

Tuy nhiên, khác với việc hạn chế ảnh hưởng về chính trị của đạo Hồi, chính quyền Suharto lại chủ trương khuyến khích phát triển giáo dục Hồi giáo trong các cấp học. Chính phủ cũng ủng hộ việc cho hoàn tất việc xây dựng thánh đường Hồi giáo lớn nhất vùng Đông Nam Á ở thủ đô Jakarta mang tên Istiqlai. Một loạt các hoạt động khác liên quan đến đạo Hồi cũng được tạo điều kiện như những cuộc thi đọc kinh Koran, tổ chức các lễ hội tôn giáo truyền thống… Các Hội đồng Ulama được thành lập có chức năng cố vấn cho chính quyền về những vấn đề Hồi giáo. [Ngô Văn Doanh, 2004, Hà Nội, tr80]

Không chỉ có Hồi giáo, các đảng phái chính trị khác cũng bị chính quyền quân sự Suharto tăng cường kiểm soát để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 1971. Ngược lại, đảng Golkar ủng hộ Suharto lại được tạo mọi điều kiện để phát triển và mở rộng thành một đảng quần chúng. Các thành viên của đảng này được

nhận nhiều ưu đãi trong công việc làm ăn, khác với tình cảnh bị o bế của thành viên các đảng khác, trong đó có những đảng phái chính trị Hồi giáo.

Do hoàn cảnh trên, các đảng phái Hồi giáo Indonesia suy yếu dần và đến năm 1973 khi hệ thống đảng phái mới xuất hiện thì chỉ còn NU vẫn duy trì được sự độc lập của mình. Còn các đảng khác như Perti và PSII lại lún sâu vào các cuộc khủng hoảng nội bộ, trong khi Parmussi bị sức ép của chính quyền Suharto nên không thể tự phát triển thành một tổ chức chính trị-tôn giáo kiểu như NU hoặc Masyumi trước đây. Nhưng khác với tình thế của những đảng chính trị, các tổ chức xã hội và giáo dục của Hồi giáo Indonesia vẫn tiếp tục phát triển mạnh và không chịu ảnh hưởng nhiều từ các chính sách o ép của nhà nước.

Với chính sách hậu thuẫn đặc biệt củaTổng thống Suharto, đảng Golkar đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử lịch sử năm 1971. Tuy không có điều kiện phát triển nhưng các đảng phái chính trị Hồi giáo vẫn về thứ hai trong cuộc bỏ phiếu này. Vị trí này được các đảng Hồi giáo Indonesia duy trì tới tận cuộc tổng tuyển cử năm 1977. Thậm chí họ còn giành được nhiều phiếu hơn một chút so với năm 1971 còn đảng Golkar bị giảm số phiếu không đáng kể. Tuy nhiên, cơ cấu tranh cử năm 1977 đã rất khác biệt so với năm 1971 vì chỉ còn 3 đảng tranh cử là Golkar, Đảng Thống nhất Phát triển Hồi giáo (PPP - Partai

Persatuan Pambangunan) và Đảng Dân chủ Indonesia (PDI - Partai Demokrasi

Indonesia). Trong đó đáng chú ý có PPP, đảng hình thành từ sự kết hợp của các

đảng phái Hồi giáo nổi bật trên chính trường như NU, Parmusi, PSII và Perti. Có nhiều nguyên nhân khiến đảng Hồi giáo PPP không những giữ nguyên được vai trò của người Hồi giáo trên chính trường mà còn tăng cường thêm được phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử năm 1977. Trong đó quan trọng nhất là việc bất chấp sức ép của chính quyền, những người Hồi giáo đã trở nên đoàn kết hơn

trước. Hơn nữa, nhiều nhân vật nổi bật của Masyumi trước đây như Mohammad Natsir đã thay đổi quan điểm, không bàng quan trước cuộc bầu cử như trước đây mà gián tiếp ủng hộ chiến dịch tranh cử của PPP. Thái độ đó có tác động rất lớn đến quyết định bỏ phiếu của các cử tri ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến PPP về thứ hai trong cuộc bầu cử là do thái độ bất mãn ngày càng tăng ở cả những người Hồi giáo lẫn không theo đạo Hồi đối với chính phủ về việc phát triển kinh tế.

Nhìn chung, ngay sau khi lên cầm quyền thông qua một cuộc đảo chính đẫm máu, tướng Suharto đã cho thực thi rất nhiều chính sách nhằm chống lại xu thế Hồi giáo hoá đang diễn ra mạnh mẽ trong nền chính trị Indonesia. Những chính sách được coi là bất lợi cho đạo Hồi này đã bao hàm cả những vấn đề nhỏ nhất như chính sách Haj ban hành năm 1969 về vấn đề đi hành hương thánh địa Mecca. Theo đó nhà nước độc quyền trong việc tổ chức các chuyến đi sang Ảrập Xêút và đẩy giá tour lên rất cao so với thực tế khiến nhiều tín đồ mộ đạo ở khắp Indonesia gặp vô vàn khó khăn trong việc thực hiện chuyến đi linh thiêng nhất trong đời. Bên cạnh đó, luật hôn nhân đưa ra năm 1973 cũng bao gồm các điều khoản trái với các nguyên tắc hôn nhân của người Hồi giáo.

Một chính sách khác rất nguy hiểm đối với sự phát triển của đạo Hồi ở Indonesia là việc Suharto tạo điều kiện để các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo hoạt động mạnh. Họ đã dùng các quyền lợi về vật chất như cho vay vốn, cung cấp đồ ăn, quần áo… để lôi kéo người theo đạo của mình. Những tín đồ Hồi giáo Indonesia có quan điểm rằng chính phủ đang suy yếu và quá khoan dung với Thiên Chúa giáo. Do đó đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa những người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo ở Indonesia thời kỳ này, điển hình là trên quần đảo Moluku vốn dai dẳng đến tận ngày nay.

Trở lại với cuộc họp của Hội đồng chuẩn bị Độc lập Indonesia năm 1945, thời điểm Sukarno đưa ra 5 nguyên tắc Pancasila. Hội đồng dự thảo hiến pháp đã tán thành Pancasila nhưng muốn có một số thay đổi, trong đó có việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia nhưng không được chấp nhận. Ngoài ra, hội đồng còn muốn hiến pháp quy định tổng thống Indonesia phải là người Hồi giáo nhưng điều quy định này cuối cùng đã bị huỷ bỏ. Nghĩa là ở đây đã có sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa dân tộc hơn là vào Hồi giáo. Mặc dù vậy, sau ngày Indonesia độc lập nhiều thế lực Hồi giáo vẫn muốn xây dựng một quốc gia Hồi giáo ở quần đảo này, thay thế cho nhà nước thế tục Pnacasila.

Tuy nhiên, do các chính sách hạn chế ảnh hưởng chính trị của đạo Hồi của Sukarno, đặc biệt là tổng thống thuộc phe quân sự Suharto sau đó, đã buộc các đảng phái Hồi giáo phải thay đổi quan điểm. Đến năm 1985, cả hai tổ chức chính trị lớn nhất của người Hồi giáo Indonesia là Muhammadiyah và Nahdatul Ulama (NU) đã phải đồng ý chấp nhận hệ tư tưởng thế tục của quốc gia Pancasila như nền tảng cơ bản của họ. Sự chấp nhận này đồng nghĩa với việc cam kết trung thành tuyệt đối với đất nước và từ bỏ ý định về việc thành lập một quốc gia Hồi giáo ở Indonesia. Cũng do quá mệt mỏi với sự can thiệp của chính quyền Jakarta, sang thập kỷ 80 Nahdatul Ulama cũng chính thức từ bỏ vị thế là một đảng chính trị để trở về với chức năng nguyên thủy của họ là một tổ chức tôn giáo xã hội thuần tuý.

Đến cuối thập kỷ 80, do ảnh hưởng của chính sách cách ly hoá các tổ chức Hồi giáo ra khỏi đời sống chính trị của chính phủ, nhiều phong trào Hồi giáo Indonesia đã đi vào con đường quá khích. Họ thực hiện những hành động bạo lực mang tính khủng bố như đánh bom và cướp máy bay. Nhiều nhà nghiên cứu còn bi quan nghĩ về một khả năng Indonesia có thể sẽ biến thành một Iran thứ hai.

Do lo ngại trước sự trỗi dậy của các thế lực Hồi giáo như trên, chính quyền Suharto đã rất nỗ lực trong các chính sách chống lại những phong trào này bằng cách lập ra một tổ chức Hồi giáo của riêng mình năm 1990 gồm các trí thức theo đạo Hồi mang tên ICMI. Cựu tổng thống B.J Habibie, một người thân cận với ông Suharto, từng lãnh đạo ICMI trong một thời gian trước khi trở thành quyền tổng thống Indonesia. Ban đầu, ICMI đã giành được sự ủng hộ của các nhóm sinh viên Indonesia, nhưng lại khiến nhiều tín đồ Hồi giáo khác thất vọng vì nó không giúp đạo Hồi giành được quyền kiểm soát chính trị ở Indonesia. ICMI về cơ bản không thể làm suy yếu tính đại chúng của Nahdatul Ulama và Muhammadiyah hoặc thay thế chúng giữ vai trò là tổ chức Hồi giáo lớn nhất của Indonesia.

Tổng thống Suharto là một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất châu Á trong thế kỷ 20. Ông đã thực thi một chế độ độc tài quân sự, cho phép quân đội tham gia vào tất cả các cấp chính quyền từ làng xã cho đến trung ương. Chính sách di cư của Suharto đưa những nông dân không có ruộng đất ở Java sang các hòn đảo khác của đất nước cũng góp phần làm bùng lên tình trạng xung đột sắc tộc ở Indonesia trong thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Tình hình đó cộng với tình trạng tham nhũng lan tràn trong chính quyền độc tài quân sự đã dẫn đến các cuộc bạo loạn quy mô lớn năm 1998. Sự kiện này đã làm sụp đổ chính phủ Suharto sau hơn 30 năm cầm quyền ở Indonesia.

2.4 Tiểu kết chƣơng II

Bước sang thế kỷ 20, Hồi giáo Indonesia vẫn là lá cờ đầu trong phong trào yêu nước ở quần đảo này. Nhưng cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, Hồi giáo Indonesia có xu hướng quay về với cội nguồn dân tộc và bảo vệ nền văn hoá truyền thống trước trào lưu văn hoá phương Tây đang ngày cảnh bành trướng

sang phía Đông. Nhưng dù là một trong những lực lượng đấu tranh yêu nước quan trọng, Hồi giáo Indonesia vẫn mang quan điểm đối đầu với phong trào cách mạng xung quanh vấn đề quốc gia và dân tộc. Điển hình cho tình trạng này ở Indonesia là mối quan hệ xung khắc giữa phong trào Hồi giáo yêu nước Sarekat Islam với Đảng Cộng sản Indonesia (PKI).

Sau khi giành được độc lập vào năm 1945, một trong những câu hỏi lớn nhất mà Indonesia phải đối mặt là vai trò tiếp theo của Hồi giáo trong nền chính trị nước này sẽ là gì? Có hai luồng quan điểm về vấn đề này: thứ nhất cho rằng Hồi giáo phải nắm vai trò chủ đạo vì 90% dân số Indonesia theo đạo Hồi, nhưng luồng thứ hai lại đề xuất, Hồi giáo chỉ nên nắm vai trò hạn chế vì sự đa dạng văn hoá và tôn giáo ở Indonesia. Sự tranh cãi về vai trò của Hồi giáo trên chính trường đã dẫn đến tình trạng căng thẳng ở khắp Indonesia. Cuối cùng, quốc đảo non trẻ này đã quyết định ban hành những bộ luật dân sự thay thế cho luật Hồi giáo và Indonesia đã chính thức trở thành một quốc gia thế tục chứ không phải một đất nước Hồi giáo như nhiều người mong muốn.

Khẩu hiệu quốc gia nổi tiếng nhất ở Indonesia là “Thống nhất trong đa dạng” (Bhinneka tunggal). Phương châm này đã được các nhà lãnh đạo tiền bối của nước cộng Indonesia đưa ra và đến nay đã hơn nửa thế kỷ nó vẫn giữ nguyên giá trị thực tế sau bao nhiêu thách thức về chính trị. Nhà nước Indonesia độc lập đã ra đời năm 1945 sau một quá trình thực dân hoá chậm chạp của Hà Lan bắt đầu từ thế kỷ 17. Điều khó khăn mà thực dân Hà Lan vấp phải trong quá trình cai trị Indonesia là sự đa dạng của các tộc người tại đây. Nhưng việc hơn 250 nhóm dân tộc cùng tồn tại cũng gây khó khăn cho chính người Indonesia trong việc thống nhất hành động. Do đó, cuộc kháng chiến chống âm mưu quay lại của thực dân Hà Lan (1945-1950) là giai đoạn quan trọng trong việc tạo ra thực thể thống nhất của một quốc gia Indonesia.

Tổng thống đầu tiên của Indonesia Sukarno và cả người đã lật đổ ông là tướng Suharto đều thực thi những biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế tối đa những tiếng nói của Hồi giáo trong các vấn đề chính trị đất nước. Nhưng ảnh hưởng của Hồi giáo là điều không thể xoá bỏ vì đại đa số người dân Indonesia theo tôn giáo này. Do đó, dù có nhiều chính sách o ép nhưng các đảng chính trị của đạo Hồi vẫn giữ nguyên được vị trí thứ hai trên chính trường Indonesia trong suốt thời kỳ Sukarno và Suharto cầm quyền. Trong biến cố năm 1965, các đảng chính trị Hồi đã hậu thuẫn Suharto làm đảo chính lật đổ Sukarno. Đến biến cố 1998 cũng chính đạo Hồi là một thế lực cực kỳ quan trọng dẫn đến việc hạ bệ tổng thống độc tài Suharto.

CHƢƠNG III: HỒI GIÁO INDONESIA GIAI ĐOẠN HẬU

SUHARTO (THỜI KỲ CẢI CÁCH TỪ NĂM 1998 ĐẾN NAY)


3.1 Vài nét về tình hình tôn giáo ở Indonesia hiện nay

Tôn giáo là một vấn đề quan trọng ở Indonesia, có tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, văn hóa và kinh tế của quốc đảo này. Do điều kiện địa lý thuận lợi về đường hàng hải, lịch sử Indonesia đã sớm chứng kiến sự du nhập và ảnh hưởng của nhiều nền văn minh lớn trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Ảrập, Bồ Đào Nha, Anh và Hà Lan. Cùng với các nền văn minh này, những tôn giáo chính của nhân loại cũng đã thâm nhập và hoà trộn với tín ngưỡng bản địa ở Indonesia. Mở đầu là Hindu giáo, rồi lần lượt theo thời gian đến Phật Giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo cũng được du nhập vào các hòn đảo của Indonesia.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA HỒI GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ INDONESIA TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY (Trang 48 -48 )

×