Quá trình thực dân hoá ở Indonesia

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của Hồi giáo trong đời sống chính trị Indonesia từ năm 1945 đến nay (Trang 29)

6. Kết cấu luận văn

1.3.1Quá trình thực dân hoá ở Indonesia

Năm 1511, thực dân Bồ Đào Nha đã tiến hành đánh chiếm thành phố biển Melaka. Đây là đô thị cổ nổi tiếng do người Melayu xây dựng lên từ đầu thế kỷ 15. Chỉ chưa đầy hai thập kỷ sau, đến năm 1420 cảng thị này đã trở thành một trung tâm truyền bá Hồi giáo lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Quá trình Hồi giáo thâm nhập vào Indonesia chịu ảnh hưởng sâu sắc từ trung tâm Melaka. Sau đó, tới năm 1521 Bồ Đào Nha đã thiết lập được một thương điếm tại khu vực quần đảo Moluku, phía đông Indonesia ngày nay. Kể từ đó, tàu thuyền của Bồ Đào Nha cũng bắt đầu đi lại thường xuyên từ các đảo có hương liệu ở Indonesia tới kinh đô Lisbon. Do có nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định tại vùng Đông Nam Á, đặc biệt là các đảo Indonesia, dần dần những đoàn thuyền buôn của Bồ Đào Nha đã trở thành thế lực chính trong việc phân phối các loại hương liệu khắp châu Âu.

Với những ảnh hưởng và hoạt động rộng khắp trên khắp các đại dương, có thể coi thế kỷ 16 là thế kỷ của thực dân Bồ Đào Nha. Giai đoạn này, các Hồi quốc (Sultanate) tại Indonesia cũng lâm vào những cuộc chiến liên miên với nước thực dân đến từ phương Tây này. Sau đó ảnh hưởng của thực dân Bồ Đào Nha trên thế giới bị suy yếu dần và thực dân Hà Lan đã thay thế Bồ Đào Nha hiện thực hoá tham vọng làm bá quần đảo Indonesia. So với Bồ Đào Nha, thực dân Hà Lan có phần mạnh và quyết liệt hơn trong mục tiêu thôn tính các hòn đảo giàu có của Indonesia và nhiều khu vực khác của Đông Nam Á. Thời kỳ Bồ Đào Nha còn hùng mạnh, cuộc đấu tranh của các Sultanate ở Indonesia chủ yếu là nhằm giành lại những quyền lợi về kinh tế đã bị những người Âu châu chiếm mất. Còn sang thời kỳ Hà Lan đô hộ, cuộc đấu tranh yêu nước của người Indonesia đã mang tính chất là một cuộc chiến tôn giáo giữa những tín đồ đạo Hồi sùng kính thánh Allah với những tên thực dân muốn áp đặt họ phải cải đạo sang Thiên Chúa giáo, đặt niềm tin tuyệt đối vào chúa Jesus.

Sự kiện đánh dấu thời đại của thực dân Hà Lan ở Indonesia diễn ra ngày 23/6/1596, khi 4 chiếc thuyền Hà Lan do thuyền trưởng Van Hutman chỉ huy tiến vào neo đậu tại vịnh Bantam (Bantam hay Batam ngày nay là hòn đảo của Indonesia nằm gần nhất Singapore và Malaysia, ngay cạnh con đường buôn bán trên biển đông đúc). Do mất cảnh giác, Hồi vương Bantam đã cho những người Hà Lan đổ bộ lên vương quốc của mình để mua hồ tiêu, lương thực, nước uống và chữa bệnh. Thật không ngờ với quyết định này ông đã vô tình trở thành kẻ “nối giáo cho giặc”, mở đầu cho sự xuất hiện và bành trướng của thực dân Hà Lan ở quần đảo Indonesia. Tuy nhiên, những người Bồ Đào Nha có mặt tại Bantam từ trước đã tìm mọi cách đẩy đoàn thuyền Hà Lan ra đi để chiếm thế độc tôn. Cuối cùng những người Hà Lan đầy tham vọng buộc phải nhổ neo khỏi

Bantam. Như vậy, chuyến đi mang tính tiền trạm của thực dân Hà Lan tới Indonesia coi như thất bại.

Ngày 1/5/1598, đoàn thuyền thứ hai gồm 8 chiếc của những người Công giáo Canvanh Hà Lan do Van Nech chỉ huy đã thực hiện chuyến đi thứ hai tới Indonesia và điểm đến mà họ hướng tới vẫn là cảng Bantam. Lần này họ gặp thuận lợi hơn vì người Bồ Đào Nha đã bị thất sủng tại Hồi quốc Bantam và đoàn thuyền Hà Lan được chính quyền địa phương đón chào như những người bạn cũ. Thành công của chuyến đi này đã khuyến khích Hà Lan có thêm các chuyến hải hành tới Indonesia, nơi rất giàu có về hương liệu, nhất là món hồ tiêu vốn được thị trường châu Âu lúc đó ưa chuộng. Sau khi cho một nửa đội tàu chở hàng hoá mua được về Hà Lan, Van Nech cho số thuyền còn lại nhổ neo rời Bantam đi tiếp đến quần đảo Molucca ỏ phía đông. Họ đã tới vịnh Hitu thuộc đảo Ambon ngày nay và thiết lập được cơ sở buôn bán đầu tiên tại khu vực miền đông Indonesia này. Trước thành công của Hà Lan, những năm đầu thế kỷ 17 Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tìm mọi cách nhằm ngăn chặn quá trình phát huy ảnh hưởng của Hà Lan ở Indonesia. Nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan như bão tố và sự kháng cự quá mạnh của các Hồi quốc ở Indonesia đã khiến ý định này của họ không thành.

Như vậy, kể từ thế kỷ 17 thực dân Hà Lan gần như đã thiết lập được quyền bá chủ về thương mại ở Indonesia. Đặc biệt là sau khi Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) ra đời năm 1602 thì dấu ấn của Hà Lan ở Indonesia đã thực sự định hình. Ngoài tham vọng kiểm soát hoạt động thương mại, người Hà Lan còn muốn cưỡng ép người dân Indonesia phải theo Thiên Chúa giáo. Cộng đồng Thiên Chúa giáo lớn nhất Indonesia nằm trên quần đảo Molucca ngày nay đã ra đời từ thời kỳ này, sau những chiến lược có tính toán của thực dân Hà Lan. Tuy nhiên, ý định Thiên Chúa giáo hoá ở Indonesia của Hà Lan đã gặp phải sức

kháng cự mãnh liệt của người địa phương. Niềm tin vào Hồi giáo đã bén rễ quá sâu vào đời sống trên quần đảo này. Các cuộc chiến giữa người địa phương với đội quân thực dân Hà Lan ngày càng mang đậm dấu ấn là một cuộc chiến tranh tôn giáo, giữa một bên là người Hồi giáo địa phương chiếm số đông với một bên là người Thiên Chúa giáo châu Âu thiểu số nhưng có sức mạnh quân sự.

Sang giữa thế kỷ 17, thực dân Hà Lan đã tạm kiểm soát được quần đảo Molucca và cảng Melaka sầm uất sau các cuộc chiến đẫm máu ở Bandam Melaka, Ambon, Macasa… Từ đây, người Hà Lan bắt đầu bành trướng thế lực sang đảo Java, trung tâm văn hoá của người Indonesia. Lợi dụng tình trạng cát cứ giữa các Hồi quốc lớn nhỏ ở Java, đội quân Hà Lan đã lần lượt tiêu diệt từng Sultanate trên hòn đảo trù phú này. Đến ngày 25/12/1679, vị Sultan có ảnh hưởng nhất Java là Trunajaya đã phải đầu hàng thực dân Hà Lan. Tuy vậy, các cuộc kháng chiến chống Hà Lan vẫn dai dẳng dưới sự lãnh đạo của Sultan Amangcurat II của Mataram. Do đó Hà Lan chỉ mới kiểm soát được một phần nhỏ trên đảo Java.

Khi tình hình phía đông đã tạm ổn định, thực dân Hà Lan quay sang đánh chiếm đảo Sumatra ở phía tây và hòn đảo Kalimantan (còn gọi là Borneo) rộng lớn ở phía bắc Indonesia. Nhưng mọi việc diễn ra không hề dễ dàng vì Hồi quốc Aceh cùng một số Sultanate khác trên đảo Sumatra vẫn còn hùng mạnh cho tới tận thế kỷ 18. Đây chính là trở ngại lớn nhất đối với đội quân Hà Lan trên đường tiến ra chinh phục phía tây Indonesia. Hơn nữa tình hình trên đảo Java cũng còn hết sức phức tạp nên thực dân Hà Lan chưa thể áp đặt quyền bá chủ hoàn toàn tại đây. Trong khi đó, Hồi quốc Bantam, nơi người Hà Lan đặt chân đến lần đầu tiên khi tới Indonesia, cũng là một cái gai khiến họ phải nhiều phen lao đao. Mãi đến năm 1753 họ mới khuất phục hoàn toàn được Hồi quốc này và lập ra một Sultan

Các cuộc chiến tranh không dứt suốt gần hai thế kỷ đã khiến tất cả những quốc gia Hồi giáo trên quần đảo Indonesia suy yếu và tan rã. Công ty Đông Ấn Hà Lan cũng vì tình hình đó mà suy yếu đi và cuối cùng phải giải thể vào ngày 31/12/1799. Trong hai thế kỷ tồn tại, Công ty Đông Ấn đã tạo dựng nền móng cho việc hình thành thuộc địa lớn nhất của thực dân Hà Lan ở Indonesia và cũng góp phần quan trọng trong quá trình tàn phá, bòn rút quần đảo này.

Thời điểm cuối thế kỷ 18, Hà Lan đã kiểm soát hoàn toàn các đảo Java, Palembang, Banjamasin, Macasa, Menado và Ternate. Trong khi các đảo lớn ở Indonesia như Sumatra, Ambon và Banda lại trở thành thuộc địa của thực dân Anh từ năm 1795 và đây là mối đe doạ thực sự đối với quyền lợi của Hà Lan. Năm 1800 Anh tấn công Hà Lan để tranh giành thuộc địa ở Indonesia và chỉ 11 năm sau họ đã gần như đạt được hoàn toàn tham vọng bá chủ vùng đất giàu có này. Tháng 8/1814 hai nước thực dân châu Âu này đã ký kết một hiệp ước chia sẻ quyền lợi, theo đó Anh trả lại cho Hà Lan thuộc địa Indonesia, đổi lại Hà Lan phải nhượng cho Anh cảng Melaka thuộc Malaysia ngày nay và một số vùng đất ở Ấn Độ.

Nhờ Hiệp ước 1814 thực dân Hà Lan đã trở lại Indonesia sau một thời gian gián đoạn. Nhưng lần này tình hình đã rất khác vì họ phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ, liên tục và ở nhiều nơi trên quần đảo Indonesia, trong đó điển hình là cuộc kháng chiến do Sultan Badarudin của Hồi quốc Palembang lãnh đạo kéo dài tới tận năm 1821 mới bị dập tắt. Ngoài ra còn có cuộc kháng cự của hoàng tử Dipanegara ở Java giai đoạn 1825-1830. Sau khi bình định được Java, năm 1830 thực dân Hà Lan bắt đầu tiến sang đảo Sumatra và tại đây họ lại bị tổn thất nặng nề vì phong trào kháng chiến Hồi giáo Padri. Phải đến năm 1837 Hà Lan mới dập tắt được lực lượng Padri và sự kiện này đã mở đường cho quá trình thực dân hoá trên đảo Sumatra và Kalimantan. Dù các cuộc khởi nghĩa nổ

ra tại hầu hết những nơi quân Hà Lan đặt chân tới, nhưng do thiếu tổ chức chặt chẽ, tự phát và nhỏ lẻ nên các phong trào yêu nước của Indonesia đã lần lượt bị thất bại.

Cho đến nửa cuối thế kỷ 19, hầu như toàn bộ Indonesia đã bị đặt dưới ách đô hộ của thực dân Hà Lan, trừ lãnh thổ Hồi quốc Aceh trên đảo Sumatra. Suốt từ năm 1873 đến tận năm 1913, phải sau nhiều chiến dịch quy mô lớn hao người tốn của, thực dân Hà Lan mới khuất phục hoàn toàn được Hồi quốc Aceh. Trong thời gian này, người Hà Lan cũng lần lượt đánh chiếm các Hồi quốc còn lại ở Indonesia như Jambi, Banjamasin, Gowa, Bone… Đến hết thập niên đầu thế kỷ 20, Hà Lan đã hoàn thành quá trình thực dân hoá trên khắp các đảo thuộc quần đảo Indonesia. Lúc đó Indonesia có tên gọi đầy đủ trên bản đồ thế giới là Ấn Độ

thuộc Hà Lan, yếu tố Ấn Độ cũng là thành phần chủ đạo cấu thành tên gọi

Indonesia như ngày nay.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của Hồi giáo trong đời sống chính trị Indonesia từ năm 1945 đến nay (Trang 29)