lao động nông thôn ở Vĩnh Phúc
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
Vĩnh Phúc là tỉnh mới được tái lập từ đầu năm 1997, là tỉnh đồng bằng trung du, phía Đông giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Đông Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Tây (cũ) và phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang. Với vị trí địa lý này, Vĩnh Phúc có thể mở rộng phát triển kinh tế với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc Tổ quốc.
Tỉnh Vĩnh Phúc có tổng diện tích là 1.370,2km2
gồm các đơn vị hành chính trực thuộc, đó là các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo,Vĩnh Tường, Lập Thạch, thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên.
Địa hình được chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, hồ đầm và đồi núi, với dãy Tam Đảo trải dài và bốn con sông chảy qua địa phận của tỉnh, có Đầm Vạc nổi tiếng bao quanh thành phố Vĩnh Yên.
Về khí hậu: Vĩnh Phúc là tỉnh nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 240C, lượng mưa trong năm khoảng 1.384mm nhưng được phân bổ không đều, chỉ tập trung vào mùa hè, độ ẩm trung bình là 83,4%. Đặc điểm đó cho phép Vĩnh Phúc phát triển đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp. Song cũng không tránh khỏi tình trạng úng lụt vào mùa mưa hoặc hạn hán vào mùa hanh khô làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 219.200 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó: Diện tích đất nông nghiệp là 66.781 ha, chiếm 48,69%; diện tích đất lâm nghiệp là
30.433 ha, chiếm 22,18%; diện tích đất chuyên dùng là 18.693 ha, chiếm 13,63%; diện tích đất ở là 5.158 ha, chiếm 3,76%; diện tích đất chưa sử dụng và sông suối đá là 16.071 ha, chiếm 11,71%.
Trong đất nông nghiệp: Diện tích đất trồng cây hàng năm là 53.587 ha, chiếm 89,64%, riêng đất lúa chiếm 96,18% gieo trồng 2 vụ; diện tích đất trồng cây lâu năm là 1.139 ha, chiếm 1,7%; diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 2.171 ha, chiếm 3,25%.
Diện tích đất trồng, đồi trọc cần phủ xanh là 7.608 ha; bãi bồi có thể sử dụng là 1.426 ha; đất có mặt nước chưa được khai thác 533 ha. [14]
Về tài nguyên rừng:
Đến năm 2008, toàn tỉnh có 30.439 ha rừng, trong đó: Diện tích rừng tự nhiên là 9.592 ha, diện tích rừng trồng là 20.847 ha. Khu bảo tồn thiên nhiên có 15.482 ha, thuộc vườn quốc gia Tam Đảo quản lý.
Tài nguyên khoáng sản:
Tài nguyên khoáng sản có 4 loại.
* Khoáng sản là nguyên vật liệu xây dựng và nguyên vật liệu làm sứ, gồm: + Nhóm vật liệu xây dựng: Đất sét làm gạch ngói, phân bổ ở vùng đồng bằng và vùng đồi diện tích hàng trăm km2, trữ lượng hàng tỷ m3. Chỉ tính 3 mỏ ở Đầm Vạc, Quất Lưu (Vĩnh Yên); Bá Hiến (Bình Xuyên) đó có trữ lượng hàng chục triệu m3. Cát sỏi lòng sông và bậc thềm: Trữ lượng hàng chục triệu m3 có ở Cao Phong, Văn Quán, Xuân Lôi, Triệu Đề (huyện Lập Thạch); Hoàng Đan (huyện Tam Dương); Kim Xá (huyện Vĩnh Tường). Đá xây dựng: Trữ lượng hàng tỷ m3 gồm đá khối, đá tảng, đá dăm, được phân bổ ở dãy núi Tam Đảo.
+ Nhóm vật liệu làm sứ: Đất cao lanh có trữ lượng hàng triệu m3 được phân bổ ở huyện Tam Dương, thị xã Vĩnh Yên và huyện Lập Thạch. Mỏ cao lanh ở Định Trung (thị xã Vĩnh Yên) có diện tích 5,5km2 trữ lượng trên 6 triệu tấn đang khai thác để sản xuất gốm sứ và gạch chịu lửa. Ngoài ra cao lanh cũng có ở các xã Thanh Văn, Hướng Đạo, Hoàng Hoa (huyện Tam Dương) nhưng chưa được đánh giá trữ lượng.
* Khoáng sản kim loại gồm có: đồng, vàng, thiếc, sắt. Nhưng mới sơ bộ khảo sát số lượng quá ít khoảng 1.000 đến vài nghìn tấn.
* Khoáng sản là than chưa khai thác gồm: Than đá antraxít có khoảng 1000 tấn ở xã Đạo Trự (huyện Lập Thạch); than nâu trữ lượng vài nghìn tấn, có ở xã Bạch Lưu, Đồng Thịnh (huyện Lập Thạch); than bùn có ở nhiều điểm, nhưng nhiều nhất có ở xã: Văn Quán (huyên Lập Thạch) trữ lượng khoảng 150.000m3; Hoàng Đan (huyện Tam Dương) trữ lượng khoảng 500.000m3.
Tài nguyên du lịch:
Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: Rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Làng Hà,... Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ Đồng Đậu,...
Người dân Vĩnh Phúc luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ. Cho đến nay, đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy.
Với đặc điểm tự nhiên trên, Vĩnh Phúc có tiềm năng trong việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đây cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến việc làm cho người lao động nông thôn của địa phương.