2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO
2.2.1. Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có nền văn minh lâu đời và kéo dài nhất trên thế giới; và có nhiều ảnh hưởng về văn hóa đến các nước đông Á. Nền giáo dục của Trung Quốc đã phát triển từ rất sớm. Các triều đại Trung Quốc đã xem Nho giáo như một nền tảng triết học cho việc cai trị và duy trì chế độ phong kiến. Nền giáo dục Nho học có những ưu điểm là đề cao các giá trị đạo đức, nhấn mạnh trách nhiệm của người học với bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng ngược lại, Nho học có những nhược điểm là xem nhẹ khoa học tự nhiên, ít chú trọng đến việc phát triển kỹ năng phân tích sáng tạo của người học, không bình đẳng về quyền lợi học tập giữa các giới.
Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Hệ thống trường học cùng với chương trình giảng dạy theo kiểu phương Tây đã ra đời, chấm dứt nền Nho học. Hệ thống chữ viết cũng được đơn giản hóa nhằm khuyến khích mọi người học tập.
Nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949. Các chính sách và các đổi mới giáo dục quan trọng đã được thực hiện nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất trên toàn quốc, chính phủ đóng vai trò là nhà đầu tư chính và các đối tác xã hội là các nhà đồng đầu tư.
Đến nay Trung Quốc đã ban hành một hệ thống các luật và văn bản dưới luật liên quan đến giáo dục tương đối hoàn chỉnh, bao quát nhiều vấn đề, làm nền tảng pháp lý cho công tác quản lý giáo dục. Trong đó: “Luật Giáo dục hướng nghiệp” được ban hành năm 1996. Giáo dục hướng nghiệp bao gồm các trường cao đẳng nghề, các trường trung cấp kỹ thuật, các trường trung học hướng nghiệp, các trung tâm tìm việc làm, các cơ sở đào tạo xã hội và kỹ năng cho người lớn. để giáo dục hướng nghiệp đáp ứng tốt hơn yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế và đô thị hóa, chính phủ đã thiết kế lại mô hình giáo dục hướng nghiệp, định hướng
tìm việc làm, và tập trung vào hai dự án giáo dục hướng nghiệp lớn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng nhạy bén của xã hội về nhân công lành nghề chất lượng cao. Các dự án này nhằm: 1) tạo ra đội ngũ nhân công có tay nghề cần thiết cấp bách cho các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ hiện đại; và 2) đào tạo cho những người lao động ở vùng nông thôn chuyển đến các thành phố làm việc.
Những cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong thời kỳ hiện đại hóa ở Trung Quốc
Chính sách giáo dục từ những năm 1980
Trung Quốc bắt đầu sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa đất nước từ cuối thập niên 1970. Giáo dục khoa học và công nghệ được xem là trọng tâm của chính sách giáo dục; việc đào tạo đội ngũ cán bộ có kỹ năng và nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật được coi là ưu tiên số một. Những đổi mới chú trọng đến khoa học và công nghệ hiện đại, cùng với nhận thức về sự ưu việt của khoa học phương Tây, đã dẫn đến việc chấp nhận một chính sách hướng ngoại bắt đầu từ năm 1976, khuyến khích việc học tập và vay mượn từ nước ngoài phương thức đào tạo tiên tiến trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.
Hội nghị quốc gia về Giáo dục năm 1985
Một vấn đề quan trọng được bàn tại hội nghị là sự đơn giản hóa việc quản lý và phân quyền. Trao quyền quản lý tới các tỉnh thành, các vùng tự trị và các đặc khu hành chính là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền địa phương có nhiều quyền quyết định hơn trong việc phát triển giáo dục cơ bản. Các doanh nghiệp quốc doanh, các tổ chức đoàn thể và các cá nhân được khuyến khích góp vốn để hoàn thành cải cách giáo dục.
Cải cách cơ cấu của giáo dục trung học cuối những năm 1980
Trên cơ sở đó, từ năm 1985 đã có 3 loại trường kỹ thuật hướng nghiệp ở cấp THPT ra đời: trường trung học nghề do các phòng giáo dục quản lý, các trường công nhân lành nghề do Bộ Lao động và các cơ quan thuộc bộ ở địa phương quản lý và các trường trung học chuyên nghiệp (bao gồm các trường sư phạm do các phòng giáo dục quản lý, các trường trung học kỹ thuật do các bộ ban ngành và doanh nghiệp quản lý). Bằng việc gia tăng tuyển sinh đối với ba loại hình trường kỹ
thuật hướng nghiệp nêu trên tương đương với các trường trung học phổ thông, cuộc cải cách đã thực hiện được việc đa dạng hóa giáo dục trung học. Theo chính phủ Trung Quốc, khi sự nghiệp công nghiệp hóa tăng nhanh vào đầu những năm 1980, đã có sự thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ công nhân lành nghề, công nhân bán lành nghề và các kỹ thuật viên trung cấp. Trong khi đó, giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp là khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục và không tạo ra được nguồn nhân công lành nghề cần thiết. Cải cách kinh tế nhấn mạnh tính hiệu quả trong sản xuất.Việc hướng nghiệp hóa giáo dục trung học sẽ đem lại kết quả trong việc tăng sức sản xuất đối với những người tốt nghiệp trung học và vì thế tăng hiệu quả đối với các đầu tư cho giáo dục.
Việc phát triển đội ngũ giáo viên từ cuộc cải cách năm 1985
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, chính phủ đã khởi động “Chương trình quốc gia về mạng lưới đào tạo giáo viên”. Mục đích của chương trình là: 1) hiện đại hóa việc đào tạo giáo viên thông qua thông tin giáo dục, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ học tập suốt đời thông qua mạng lưới đào tạo giáo viên, truyền hình vệ tinh và các phương tiện thông tin truyền thông khác; 2) cải tiến mạnh mẽ chất lượng giảng dạy qua chương trình đào tạo “quy mô lớn, chất lượng cao, hiệu quả cao”. để thu hút được nhiều giáo viên hơn, Trung Quốc đã nỗ lực đưa nghề dạy học trở thành một nghề hấp dẫn và được tôn trọng hơn bằng việc tăng lương cho giáo viên, miễn phí học đại học sư phạm. Ngày 10/9 hàng năm kể từ năm 1985 đã được chọn làm Ngày nhà giáo;
Cải cách hệ thống và quy trình thi cử đánh giá những năm 2000
Trước đây, các kỳ thi và các bài kiểm tra được xem là phương thức duy nhất để đánh giá năng lực của người học. Ngoài mục đích đánh giá và tuyển sinh, kết quả thi và kiểm tra cũng được dùng làm thước đo thành tích giảng dạy của giáo viên. Cha mẹ học sinh và xã hội cũng coi trọng kết quả thi cử và xem nó như là thước đo thành tích của các nhà trường. Do đó, giáo viên buộc phải giảng dạy theo kiểu học để thi cử. Vấn đề là các kỳ thi chỉ tập trung vào khía cạnh định lượng của kết quả học tập với các kỹ thuật thi mang tính bề ngoài bằng giấy viết và kiểm tra những mục tiêu thứ yếu của việc học, trong khi bỏ qua khía cạnh định tính, phương
pháp học cũng như thái độ và giá trị thực của người học. đầu những năm 2000, Bộ Giáo dục đã quyết định thay đổi đánh giá theo hướng “đa dạng/mềm mỏng”. đó là “hệ thống đánh giá mang mang tính phát triển” tập trung đến tất cả các khía cạnh của việc học, sử dụng nhiều kỹ thuật đánh giá và chú trọng hơn đến việc người học tiến bộ như thế nào trong quá trình học tập. Căn cứ chuẩn chương trình quốc gia, các nhà trường được phép đề ra mục tiêu phù hợp với đối tượng học sinh của trường. Hình thức đánh giá đa dạng hơn như kiểm tra viết, kiểm tra qua hoạt động, giáo viên quan sát, trao đổi giữa giáo viên và người học, người học thuyết trình, người học tự đánh giá và người học đánh giá lẫn nhau. Để giảm áp lực thi đua, Bộ Giáo dục cũng ban hành chính sách cấm việc xếp hạng học sinh, giáo viên, và nhà trường.
(Nguồn: GS.TS Phạm Vũ Luận, năm 2010)