Quản lý nhà nước về ODA và quan điểm về sử dụng nguồn vốn

Một phần của tài liệu Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA ) trong các dự án cấp thoát nước tại Việt Nam (Trang 28)

1.2.2.1. Quản lý nhà nước về ODA

Các cấp tham gia vào quá trình quản lý và sử dụng ODA có chức năng và nhiệm vụ rõ ràng:

- Ban quản lý dự án: Đơn vị giúp việc cho Chủ dự án trong việc quản lý thực hiện chương trình, dự án ODA.

- Chủ dự án: Là đơn vị được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trình, dự án theo nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, và quản lý, sử dụng công trình sau khi chương trình, dự án kết thúc.

- Cơ quan chủ quản: Là các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan trực thuộc Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chương trình, dự án.

- Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA: Gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

1.2.2.2. Quan điểm về sử dụng nguồn vốn ODA

Để thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA một cách có hiệu quả thì vai trò quản lý của Nhà nước là hết sức quan trọng thông qua việc xây dựng các chính sách đúng đắn về ODA và tạo ra môi trường pháp lý phù hợp. Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò quản lý của mình trước cộng đồng các nhà tài trợ. Điều này được thể hiện qua những điểm sau đây:

- Về môi trường pháp lý:

Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý cho việc quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức với việc Chính phủ đã bốn lần ban hành các Nghị định về ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Đây là văn bản khung pháp lý cao nhất cho hoạt động quản lý và sử dụng nguồn vốn quan trọng này. Đây cũng là bốn lần khuôn khổ pháp lý cơ bản cho hoạt động quản lý Nhà nước về nguồn vốn ODA được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện biến đổi của thực tế tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ODA.

Xét riêng Nghị định 131/2006/NĐ-CP, đây được coi là văn bản được cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đóng nhận và ủng hộ mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Sự tiến bộ của Nghị định 131/2006/NĐ-CP thông qua việc khắc phục các điểm yếu của các văn bản trước đó và bổ sung các điểm mới phản ánh các nguyên tắc, quan điểm hiện đại trong quản lý và tiếp nhận nguồn vốn này như: dân chủ, công khai, minh bạch; đảm bảo sự phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phát huy tính chủ động của các cấp, các cơ quan quản lý ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo

đảm khả năng trả nợ nước ngoài, phù hợp với năng lực tiếp nhận và sử dụng ODA của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán của các quy định về quản lý và sử dụng ODA đã đánh dấu một sự phát triển về chất so với các văn bản khung trước đây về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.

Bên cạnh văn bản khung này, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy khác nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước ở các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực sử dụng nguồn vốn ODA. Trong số này có các văn bản về xây dựng Danh mục chương trình, dự án ODA yêu cầu tài trợ, quy chế về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu của tổ chức của Ban quản lý chương trình, dự án ODA; chế độ báo cáo, mẫu báo cáo thống nhất về ODA; chế độ theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA.

- Các hoạt động hỗ trợ trong công tác quản lý Nhà nước về ODA:

Song song với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ODA, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các hoạt động tích cực, góp phần hỗ trợ công tác quản lý như:

+ Chính phủ phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức hội nghị liên quan đến thu hút và sự dụng ODA, các hội nghị kiểm điểm về tình hình thực hiện các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA.

+ Công tác theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA được quan tâm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án ODA nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn gây nên sự chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án.

+ Hệ thống thông tin về ODA đang được hình thành theo hướng chuẩn hóa phục vụ công tác phân tích đánh giá dự án. Cơ sở dữ liệu DAD Việt Nam đã chính thức ra đời vào tháng 3/2006. Theo yêu cầu của Chính phủ Việt

Nam, các nhà tài trợ sẽ kiểm định cơ sở dữ liệu và từ cơ sở dữ liệu được kiểm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo phân tích về tình hình thực hiện ODA để Chính phủ và các nhà tài trợ xem xét xu hướng viện trợ theo từng ngành, từng khu vực lãnh thổ hay từng nhóm các nhà tài trợ.

Một phần của tài liệu Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA ) trong các dự án cấp thoát nước tại Việt Nam (Trang 28)