Một số nhận xét, đánh giá chung

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp (Trang 71)

Thứ nhất: Hiện nay, nền tảng căn bản của kinh tế nước CHDCND Lào

vẫn là nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa nhỏ dựa trên cơ sở tài nguyên đất đai và sức lao động giản đơn. Tình trạng sản xuất nhỏ, mang tính tự cung tự cấp còn phổ biến. Việc áp dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ, đặc biệt là các loại giống cây trồng và vật nuôi, thủy lợi hóa còn chưa rộng rãi. Năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm nông nghiệp tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Lâm nghiệp, gồm cả khai thác, trồng và bảo vệ rừng, chế biến lâm sản vẫn là lĩnh vực còn nhiều yếu kém.

Thứ hai: Nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn ở Lào là một lợi thế để

phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp (theo nghĩa hẹp). Nhiều vùng đất đai của Lào còn để hoang phí, chưa đi vào khai thác sử dụng hết. Trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì phải coi công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là ưu tiên hàng đầu vì đây là khu vực của 73% dân cư của nước Lào sinh sống. Bộ mặt của nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải được thay đổi thì bộ mặt nước Lào mới thay đổi. Phải đưa khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi cũng như năng suất lao động của khu vực này. Ngay từ bây giờ, cần phải hướng dẫn nông dân đi vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, sản phẩm đảm bảo an toàn. Đồng thời phải giúp người nông dân tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại cuộc sống cho phù hợp với điều kiện mới, gắn sản xuất nông lâm nghiệp với các dịch vụ chế biến và du lịch. Mục tiêu của sản xuất nông nghiệp là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo cung cấp ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng cao các sản phẩm nông nghiệp cho tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và phục vụ khách du lịch.

Thứ ba: Các nghị quyết của Đảng NDCM Lào đều chỉ rõ yêu cầu gắn

kết sự phát triển nông - lâm nghiệp Lào với công nghiệp chế biến, chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, hoạt động thương mại thực hiện chức năng liên kết giữa các ngành sản xuất và giữa các vùng kinh tế. Song trong thực tế, giữa các ngành kinh tế chưa có sự gắn bó với nhau. Các yếu tố sản xuất cơ bản cần thiết cho sản xuất nông - lâm nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài; sự phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản còn hết sức thấp kém, vừa chưa tạo lập được thị trường tiêu thụ ổn định cho sản xuất nông lâm nghiệp, vừa chưa góp phần tăng thêm giá trị gia tăng của các nông lâm sản.

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp (Trang 71)