3.2.1. Văn học, nghệ thuật
Văn học
Thế kỉ XV là một thời kì phát triển rực rỡ nền văn hóa thời phong kiến. Đặc điểm nền văn học trong giai đoạn này là về mặt văn tự, văn hóa chữ Hán chiếm ưu thế, nhưng chữ Nôm đã có một vị trí đáng kể trên văn đàn. Về mặt nội dung, trong nền văn học lúc bấy giờ có nhiều xu hướng khác nhau thể hiện thái độ của từng tầng lớp sĩ phu đối với thực trạng xã hội đương thời, nhưng nói chung đều biểu thị một bước trưởng thành của chủ nghĩa yêu nước, của ý thức dân tộc, một tinh thần tư cường quốc gia mạnh mẽ và địa vị chi phối của Nho giáo.
Bên cạnh dòng văn học viết chữ Hán và chữ Nôm thời kì này vẫn tồn tại dòng văn học truyền miệng mang tính dân gian. Dòng văn học này xuất hiện
ngay từ thời dựng nước.Vì xưa kia quảng đại quần chúng bình dân thất học hoặc ít học, nên văn học truyền miệng rất phổ biến, luôn luôn tồn tại và phát triển cùng với văn học viết. Nó không mang tính bác học nhưng sự lan truyền rất nhanh chóng và rộng rãi, có những nội dung chỉ có thể lưu truyền miệng qua nhiều thế hệ mà không có trong văn học viết. Nó bao gồm các truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện truyền kì, ca dao tục ngữ, hò vè, cùng những truyện cười, truyện tiếu lâm. Các sử gia thế kỉ XV ít đề cập đến dòng văn học này, nhưng chắc chắn nó vẫn tồn tại phổ biến ở các vùng nông thôn. Mặc dù đây là thời kì giáo dục Nho giáo được khuyến khích mở rộng, tầng lớp nho sĩ đông đảo nhưng quảng đại quần chúng vẫn nhiều người không biết chữ. Do đó văn học viết có chăng cũng chỉ do tầng lớp nho sĩ, những quan lại về hưu lui về nơi điền viên thôn quê, những người không đỗ đạt sáng tác. Người dân lao động vẫn duy trì dòng văn học dân gian qua hình thức truyền miệng là chủ yếu. Thế kỉ XV là thế kỉ chế độ phong kiến đạt đến mức cực thịnh, đời sống nhân dân thanh bình no đủ cho nên dòng văn học dân gian thời kì này cũng mang nội dung ca ngợi, thể hiện lòng tự hào là chủ yếu. Nhiều câu ca dao, hò vè ca ngợi các chiến công của nghĩa quân Lam Sơn thời kì dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh. Hay ca ngợi cảnh non nước thái bình thịnh trị như câu ca dao quen thuộc mà được người dân truyền tụng:
“ Đời vua Thái tổ, Thái tông
Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”
Dòng văn học dân gian gắn liền với người dân lao động trong các vùng nông thôn làng xã và tồn tại dai dẳng trong thời gian dài. Nhiều tác phẩm văn học dân gian đến nay chúng ta cũng rất khó xác định được thời gian xuất hiện. Nhưng chắc chắn một điều đó là dù những tác phẩm văn học trên xuất hiện vào thời gian nào thì người dân lao động qua các thời kì, qua biến thiên lịch sử vẫn luôn trân trọng, giữ gìn nó thậm chí cho đến tận ngày nay. Thế kỉ XV cũng giữ vai trò đó trong mắt xích của lịch sử văn học dân tộc. Chúng ta chắc chắn điều này bởi các thế kỉ XVI- XVIII sau đó dòng văn học dân gian phát triển rất mạnh mẽ, đa dạng. Nếu trong thế kỉ trước đó không tồn tại dòng văn học này
thì các thế kỉ sau rất khó để phát triển. Trong thế kỉ XVI- XVIII được coi là thời kì “bùng nổ chữ Nôm” bởi rất nhiều tác giả đã khai thác và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo những từ ngữ, ca dao tục ngữ vào trong văn thơ của mình.
Nghệ thuật:
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, như bù lại cuộc sống vật chất thường ngày có vẻ đơn giản, đạm bạc, những nhu cầu giải trí tinh thần trong đó có nghệ thuật biểu diễn - ca, múa, nhạc và diễn xướng lại rất quan trọng đối với mọi tầng lớp xã hội, quần chúng bình dân cũng như quan liêu quý tộc. Thời Lê sơ nghệ thuật cũng có những phương diện khá phát triển chứng tỏ một số chuyển biến trong tiến triển lịch sử nghệ thuật dân tộc. Văn hóa Việt Nam đã đi vào quỹ đạo văn hóa Đông Á Nho giáo, khuynh hướng nghệ thuật cung đình thắng thế.
Về âm nhạc, năm 1437 Nguyễn Trãi được cử ra chế định nhã nhạc, đã tiến dâng bản đề vẽ khánh đá và trình bày rõ nguồn gốc của nhạc như sau:
“Thời loạn dùng võ, thời bình dùng văn. Ngày nay chế định nhã nhạc thật là đúng như vậy. Nhưng nếu cuội gốc không vững thì lễ nhạc không dựa vào đâu mà đứng được, văn hiến không có thì lễ nhạc không bởi đâu mà thực hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Nguyện xin bệ hạ yêu thương, nuôi dưỡng lấy dân chúng, khiến trong xóm làng không có tiếng oán hận, sầu than. Thế là không làm mất gốc của nhạc vậy” [18; 162]. Sau đó Lương Đăng đã chế định xong nhã nhạc và quy định rõ thứ nhạc khi dùng trong cung đình. Nhưng việc chế định nhã nhạc của Lương Đăng có nhiều thiếu sót. Sang thời Thánh Tông nhà vua sai các văn thần nghiên cứu âm nhạc Trung Quốc, chế định lại lễ nhạc và lập ra bộ đồng văn để luyện tập nhạc khí và bộ nhã nhạc ca hát bằng lời.
Bên cạnh nền âm nhạc cung đình có tính chất nghi lễ thì trong dân gian vẫn tồn tại và phát triển một nền âm nhạc phong phú đầy sức sống và tính sáng tạo, phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu và sự giao lưu tình cảm của nhân dân. Ở một chừng mực nào đó nhà nước phong kiến có sự quan tâm nhất định đến loại hình âm nhạc này. Mục đích có thể nhà Lê muốn nó phát triển theo
hướng có lợi cho sự ổn định và thế đi lên của đất nước. Chẳng hạn như việc vua Lê Thánh Tông đặt ra bộ giáo phường phụ trách phần âm nhạc dân gian. Theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề thì lối hát ả đào cũng có thể đã xuất hiện vào khoảng đầu thế kỉ XV. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước đầu thế kỉ XV còn được ghi lại trong bản nhạc Bình Ngô phá trận thường được trình diễn trong buổi yến tiệc đầu xuân hay những buổi tế lễ ở Lam Sơn.
Trong thời Lê sơ nghệ thuật âm nhạc và ca, múa tuy có những bước phát triển nhất định như vậy nhưng dưới con mắt của các quan lại tập nhiễm sâu sắc hệ tư tưởng Nho giáo chính thống trong chính quyền phong kiến của nhà Lê thì âm nhạc dân gian cổ truyền đã bị nhìn nhận một cách méo mó, lệch lạc. Vào năm 1437, vua Lê Thái Tông theo lời đề nghị của Lương Đăng đã ra lệnh bãi bỏ trò chơi hát chèo vì coi đó là một thứ “nhạc dâm”. Đến thời vua Lê Nhân Tông vào năm 1448, khi vua ngự giá ở Lam Kinh đi qua Thanh Hóa, nghe lời của đài quan Đồng Hạnh Phát, Thái úy Lê Khả lại ra lệnh cấm hẳn tục hát rí ren, cho rằng: “lối hát ấy là thói dâm tục xấu xa, không nên cho người hát nhảm ở trước xá giá của nhà vua”. Đó chính là lối hát lý liên rất được phổ biến ở thời Trần trước đây. Dưới thời vua Lê Thánh Tông nhà vua giao cho bộ Lễ định ra quốc nhạc và tục nhạc, làm lễ nghi thông hành trong triều đình và chốn thôn xã để cho "nhã nhạc và tục nhạc không hỗn hợp với nhau”. Quá trình tách rời với những truyền thống dân gian cổ xưa ấy cứ tiếp tục phát triển. Âm nhạc, ca xướng dần dần không còn được trân trọng và không còn là sinh hoạt phổ biến ngoài dân gian cũng như trong cung đình như ở các triều đại trước nữa. Giai cấp thống trị triều Lê đã xem thường nghề hát xướng và xếp những người làm nghề này vào loại “xướng ca vô loài”, đồng thời khuyên răn nhân dân“không nên tập nghề hát xướng mà làm hại đến phong tục”. Nhà nước phong kiến coi những người làm nghề chèo hát như những kẻ nghịch đảng, ngụy quan, những người bất nghĩa, loạn luân, xui nguyên dục bị…nhà nước cấm họ và con cháu họ dẫu có học hành tinh thông cũng không được phép tham gia việc ứng thí. Trong lệ “Bảo kết Hương thí” như đã trình bày vua Lê Thánh Tông cấm con nhà phường chèo không được đi thi. Trong 24 điều giáo hóa ban
bố ở thời Hồng Đức, điều thứ nhất là: "Cha mẹ dạy con phải đúng khuôn phép, không được để buông tuồng đắm đuối vào cờ bạc, rượu chè, tập nghề xướng hát, hại đến phong tục”. Nhà nước phong kiến còn cấm con cái của các nhà xướng ca, nếu là “con gái thì không được lấy con trai của những nhà quan chức, quyền quý”. Điều 322 Luật Hồng Đức quy định rõ quan chức lấy con gái nhà xướng ca thì bị phạt đánh 70 trượng và biếm 3 tư, con cháu quan chức lấy con gái nhà xướng ca thì bị phạt đánh 60 trượng và nhất thiết bắt phải li dị.
Sân khấu:
Về nghệ thuật sân khấu: các lối hát tuồng và hát chèo đã trở thành những hình thức biểu diễn đạt tình cảm phổ biến của nhân dân trong các làng xã. Dưới thời Lê sơ trong giai đoạn đầu tuồng đã trở thành một hình thức ca diễn hấp dẫn, không chỉ trong dân gian mà cả ở chốn cung đình. Trong các buổi yến tiệc, tế lễ hay thiết triều người ta đều tổ chức trình diễn tuồng để cho vua quan cùng xem. Tuy nhiên từ khi Lương Đăng chế định nhã nhạc thì tuồng đã bị bài xích khỏi cung đình.
Về nghệ thuật chèo, ở thời Lê sơ nó đã phát triển dần dần đến chỗ hát thờ Thành hoàng, nghĩa là được hát ở trước cửa đình. Người ta làm một con thuyền giả đặt ở giữa đình và các con hát đứng ở trong thuyền, vừa múa vừa hát hoặc múc giả chèo thuyền. Phạm Đình Hổ, trong Vũ trung tùy bút cho biết: Trạo phường là những tổ chức ca kĩ, ngay từ thời Lý chuyên đi hát đám tang. Về sau tổ chức này mang thêm cái tên là phường chèo bội, ngoài những khi đi hát đám tang nó còn đi hát mua vui cho dân chúng xem. Sau nữa nó được người ta mời về diễn trong những dịp hội hè đình đám ở làng xã, nên được gọi là chèo sân đình. Vào những dịp hội hè đình đám ở nông thôn Bắc Bộ người ta thấy không bao giờ thiếu vắng tiếng trống chèo. Về kịch bản chèo xưa nhất hiện nay được biết chính là vở Huyết hổ phú đề năm Diên Ninh thứ hai tức năm 1455 dưới thời vua Lê Nhân Tông, trong đó nhân vật có hát các điệu Giàng giai, Thiên thai và Dựng…
Nghệ thuật múa rối nước dưới thời Lê sơ đã phát triển mạnh mẽ và để lại nhiều di tích thủy đình tại các đền Quán La (Hà Nội), đền Phù Đổng (Gia Lâm)
và quy mô nhất là chùa Thầy (Sài Sơn- Hà Tây), hiện vẫn còn ở hồ Long Trì phía trước chùa…Thời kì này múa rối nước đã bao gồm nhiều trò diễn nối kết với nhau như “Đốt pháo, mở cờ”, “Ra quân dàn trận” “đánh đu”…Trò chơi đá cầu vẫn được vua quan và nhân dân ưa thích.
Có thể thấy rằng trong dân gian lúc bấy giờ có rất nhiều trò chơi, các hoạt động tạp kỹ phát triển. Sách Đại Việt sử kí toàn thư còn cho biết: vua Lê Nhân Tông đã ra lệnh “cấm việc nuôi gà chọi, khỉ làm trò, bồ câu bay, chim sơn hô, các vật làm trò chơi mà bỏ nghề nghiệp”[18; 202]. Trong bối cảnh triều đình hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo lối chính quy hóa, dựa trên những phép tắc chủ trương của Nho giáo thì không thể không đưa quan lại và nhân dân vào khuôn phép, buộc mọi người phải chăm lo đến việc làm quan và nghề nghiệp sinh nhai của mình. Còn đối với những việc vui chơi giải trí, phải có mức độ và phù hợp, không để sa đà làm ảnh hưởng đến công việc chính.
Kiến trúc và điêu khắc
Kiến trúc và điêu khắc thời Lê sơ cũng mang tính cung đình hóa. Các công trình lớn được xây dựng chủ yếu ở Đông Kinh và Lam Kinh. Nhìn chung kiến trúc thời kì này so với thời Lý - Trần kém phát triển hơn rất nhiều. Tính chất nhỏ bé của kiến trúc thời Lê sơ được phản ánh trong các kiến trúc tôn giáo. Hệ thống cung điện được tu bổ, sửa sang thêm, đặc biệt là ở Lam Kinh. Nhưng các trụ sở thường xây dựng với quy mô nhỏ, mái lợp tranh, bao quanh là tường đất. Kiến trúc được xây dựng phổ biến là kiến trúc cung đình, đình làng (ra đời và phát triển rầm rộ theo thiết chế Khổng giáo) và kiến trúc lăng mộ…Còn kiến trúc Phật giáo không phát triển. Thậm chí dưới thời Lê Thánh Tông, năm 1461 ban hành sắc lệnh “chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới”. Những cấm đoán của nhà nước như ban hành các đạo luật hạn chế Phật giáo, hạn chế xây dựng chùa chiền và phát triển tăng lữ khiến các ngôi chùa lớn khó có điều kiện ra đời. Tuy nhiên, đạo Phật với sức sống mãnh liệt vẫn được quần chúng và một bộ phận tầng lớp trên tin theo. Các nhà vua như Lê Thánh Tông vẫn vịnh cảnh chùa với các bài thơ tuyệt bút vịnh chùa Trấn Quốc, chùa Pháp Vân…Các lễ hội tâm linh như rước Tứ Pháp vẫn được tổ
chức. Chùa chiền vẫn là nơi sinh hoạt của tín ngưỡng dân gian, đạo Phật đã hòa chung vào dòng chảy văn hóa dân tộc không thể tách rời.
Đây cũng là giai đoạn có sự phân biệt rõ nét giữa kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian. Trong khi kiến trúc cung đình nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị được coi như loại hình nghệ thuật chính thống, chiếm ưu thế thì kiến trúc dân gian lại bị nhiều quy định rằng buộc, không được khuyến khích phát triển. Về phong cách kiến trúc trong nửa đầu thế kỉ XV nghệ thuật kiến trúc của nhà Lê vẫn tiếp tục bước đường vạch sẵn của phong cách thời Lý- Trần, nhưng sang nửa sau của thế kỉ đó chế độ phong kiến đưa thêm một số yếu tố nghệ thuật kiến trúc phương Bắc, nhằm làm tăng thêm uy thế của nhà nước phong kiến. Bộ phận kiến trúc cung đình do mang đậm yếu tố ảnh hưởng của nghệ thuật phương Bắc trở nên xa lạ với đời sống của dân gian. Càng về sau những ảnh hưởng của nghệ thuật phương Bắc - Nho giáo ngày càng rõ nét, thể hiện ở các công trình kiến trúc do triều đình đứng ra xây dựng, khiến cho văn hóa Đại Việt giảm bớt tính chất dân gian, kiến trúc dân tộc bị mờ nhạt. Về mặt bố cục, các công trình thường kéo dài theo trục thần đạo, nhất là ở mặt lăng mộ tạo nên không khí trang nghiêm. Tuy nhiên từ đây đã khởi đầu cho sự bố cục không gian tổng thể của các công trình tôn giáo tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc cung đình.
Điêu khắc
Cùng với bước chuyển mình của kiến trúc thì điêu khắc của thời Lê về sau càng chịu ảnh hưỏng sâu đậm của nghệ thuật điêu khắc phương Bắc, khiến cho văn hóa Đại Việt giảm bớt phong cách dân gian. Chúng thể hiện nhiều hơn trong các điêu khắc trang trí ở những công trình kiến trúc nhà nước và thậm chí có khi còn rập khuôn nguyên mẫu của nghệ thuật điêu khắc phương Bắc. Đặc biệt con rồng ở thời Lê sơ có móng quắp vào và hình dáng trông dữ tợn biểu hiện của một xã hội sắp bước sang giai đoạn khác, giai đoạn thâm nhập mạnh mẽ của văn minh Trung Hoa khi mà Nho giáo đã thành quốc giáo. Đồng thời điêu khắc thời Lê sơ cũng chuyển sang một phong cách mới với những hình khối đồ sộ và kĩ thuật điêu luyện. Tuy nhiên điêu khắc dân gian ở thời Lê cũng vẫn là dấu gạch nối giữa nguồn mĩ cảm dân gian ở thời Trần cùng với những
điêu khắc dân gian trong các thế kỉ về sau. Cũng do đó, ở đây người ta đã biết