Sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân

Một phần của tài liệu nông thôn việt nam thời lê sơ (1428-1527) (Trang 51)

2.2.1. Sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp thời Lê sơ gồm hai lĩnh vực chính: trồng trọt và chăn nuôi.

Trồng trọt: Ở lĩnh vực này cơ cấu cây trồng khá đa dạng bao gồm trồng lúa, dâu, bông, chè, táo hoa màu như đỗ, khoai, sắn…Lúa là loại cây trồng chiếm nhiều diện tích nhất ở vùng nông thôn. Nhà nước trung ương có rất nhiều biện pháp, chính sách quan tâm đến loại cây trồng này. Sử cũ chép, đời Thái Tông, tháng 10 năm 1434 “Mùa đông, tháng 10 có sâu hại lúa. Sai quan chia nhau đi các nơi khám xét lúa đồng” [18; 505]

Mùa xuân, tháng 2, ngày 23, năm Mậu Tuất 1478 có sắc chỉ cho các quan Thừa tuyên phủ huyện các xứ trông nom việc đồng ruộng, khuyên dân lấy nước vào ruộng để kịp thì gieo mạ”.

Điều 9 trong chương “Điền sản” của Bộ Quốc triều hình luật ghi rõ những ruộng đất công có chỗ bỏ hoang mà quan trông coi không tâu để xin cho

người cày ruộng khai khẩn thì bị xử tội chém biếm hoặc bị phạt. Trong phép quân điền cũng như Bộ luật Hồng Đức, nhà nước cấm dân không được để ruộng hoang vu.

Chúng ta không biết chính xác diện tích trồng lúa ở nước ta thời kì này là bao nhiêu nhưng điều chắc chắn là ưu tiên của người nông dân và nhà nước luôn đặt nghề nông trồng lúa nước lên hàng đầu. Công việc đắp đê, trị thủy, khai hoang cũng nhằm phục vụ cho nghề trồng lúa được thuận lợi hơn, phát triển hơn.

Bên cạnh nghề nông trồng lúa nước là chủ yếu thì người nông dân còn canh tác thêm một số loại cây trồng khác bổ trợ. Đáng kể là nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu cũng tương đối rộng và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong bối cảnh nghề thủ công ươm tơ dệt vải phát triển đã khuyến khích người nông dân chú ý hơn đến loại cây trồng này. Thời kì này phổ biến người nông dân vẫn canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau. Họ vừa trồng lúa, hoa màu vừa trồng thêm bãi dâu để chăn tằm lấy tơ. Điều này sách Đại Việt sử kí toàn thư có ghi: Ngày 18 tháng 9 năm thứ hai Ất Mão 1435 bàn giảm ngạch thuế. Người ở đất bãi trồng dâu không có ruộng cấy lúa, quân thì cấp cho 5 sào, dân thì cấp cho 4 sào, làm sản nghiệp thường, miễn thuế, nhưng không cấp cho người không vợ và góa chồng. [18; 322].Cá biệt ở một số địa phương thì cây dâu còn trở thành cây trồng chủ yếu, thay thế cây lúa nước. Có lẽ ở những địa phương này đã hình thành các làng nghề thủ công chuyên biệt nên mới có hiện tượng như vậy. Sách Đại Việt sử kí toàn thư còn đề cập đến rất nhiều sắc lệnh của nhà nước quy định nộp thuế bãi dâu.

Năm 1498 nhà nước quy định thuế bãi dâu chia làm 2 hạng:

"- Nửa trồng dâu, nửa trồng hoa mầu thì nộp mỗi mẫu 1 quan 2 tiền - Xã nào trồng dâu cho nộp một nửa bằng tơ sống, mỗi mẫu một cân 8 lạng, mỗi cân tính ra là 8 tiền, xã nào không trồng dâu được nộp thay bằng tiền" [38; 139]

Bên cạnh đó nhà nước còn thể hiện mối quan tâm rất lớn đến nghề trồng dâu. Mùa hạ tháng 4 nhà nước chỉ huy cho các quan lộ huyện xã rằng: “Nếu

thấy ở chỗ nào phát sinh sâu cắn dâu và lúa thì phải cúng để trừ đi, khỏi hại dân” [18; 147]

Thậm chí nhà nước còn quy định khu vực nào được trồng dâu và không được trồng chẳng hạn: “Mùa đông tháng 10, chỉ huy cho các quan đại thần văn võ và quân dân rằng: Phần đất ở Kinh thành thì cấm chỉ không được trồng dâu: là ruộng đất của nhà nước ban cho thì được trồng các thứ hoa quả” [18; 152]. Như vậy có thể thấy nghề trồng dâu rất phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ. Diện tích trồng dâu là bao nhiêu chúng ta cũng khó xác định nhưng chắc chắn nó chiếm diện tích không hề nhỏ. Hầu như ở đâu có đất trống, thuận lợi là người dân lại tận dụng để trồng dâu nuôi tằm. Nhà nước Lê sơ thường nhắc đi nhắc lại về việc định thuế dâu qua các năm từ đó có thể thấy được tầm quan trọng của loại cây trồng này.

Ngoài trồng lúa, dâu là chủ yếu người nông dân thời kì này còn chú ý trồng cấy một số loại cây trồng khác như cau, bông, chè, hoa quả, hoa màu, đậu, khoai sắn…Trong các chợ làng, chợ huyện người dân vẫn thường bày bán các sản phẩm chủ yếu từ nghề nông như trên. Nhưng sản lượng nông sản do người nông dân sản xuất ra không nhiều và không ổn định. Mùa màng của người dân còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Thiên tai, bão lũ lại thất thường. Chính vì lẽ đó phạm vi trao đổi sản phẩm không lớn. Nông sản càng khó trở thành thứ hàng hóa để trao đổi trên thị trường thế giới lúc bấy giờ.

Chăn nuôi: Lĩnh vực này ở vùng nông thôn đóng vai trò bổ trợ cho nông nghiệp trồng lúa nước. Người nông dân chăn nuôi để lấy sức kéo và cải thiện bữa ăn hàng ngày. Trong phạm vi làng, xã tất nhiên người dân cũng lấy sản phẩm chăn nuôi để trao đổi trên thị trường nếu có dư thừa. Loại gia súc, gia cầm, hải sản thông dụng được người nông dân chăn nuôi là trâu, bò, ngựa, voi, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, cá, tôm…Trâu, bò, ngựa, voi… là loại gia súc lớn chủ yếu được nuôi để lấy sức kéo, làm phương tiện đi lại. Thời Lý nhà nước rất quan tâm đến sức kéo trong nông nghiệp. Thậm chí nhà nước con ban hành lệnh nghiêm cấm thịt trâu, bò gây tổn hại đến sức kéo nông nghiệp. Thời Lê sơ nhà nước càng coi trọng nông nghiệp và có nhiều biện pháp quan tâm đến lĩnh

vực này. Pháp luật nhà Lê cũng bảo vệ rất chặt chẽ sức kéo trong nông nghiệp. Tội ăn trộm trâu bò bị trừng phạt nặng. Năm 1489 vua Lê Thánh Tông ra lệnh cấm giết trâu bò ban đêm [69; 328].

Nuôi cá, tôm thời kì này cũng khá phổ biến ở nông thôn. Nuôi cá có lẽ cũng nhằm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân nhiều hơn là trở thành hàng hóa trao đổi vì không thấy sử sách đề cập đến khía cạnh này. Diện tích đầm ao hồ cũng tương đối lớn. Chính vì thế nhà nước cũng có quy định việc đánh thuế vào các đầm ao của người dân. Ngày mùng 8 tháng 2 năm Ất Mão (1435) nhà nước: “Định các ngạch thuế ruộng đất, đầm ao, bãi dâu” [18; 147]. Điều 351 chương Điền sản, Quốc triều hình luật còn quy định: Những ao đầm, đất bồi công tư, cho dân xã lân cận cày và đánh cá nộp thuế thì đều phải theo ngạch thuế địa phương. Quan giám đương và gia chủ tự ý tăng thuế thì phần tăng thêm ấy trả lại cho dân.[7; 175]

Hoặc mùa hạ, tháng 4 năm Kỉ Tỵ (1449) đại hạn, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu tự trách mình. Trong chiếu có đoạn: “Hoặc là đầm cá hoang khô mà ngạch thuế chưa giảm, dân phải nộp gấp bội mà đến thế chăng?” [18; 213]. Nhân đó nhà vua “Đại xá cho thiên hạ. Điều xá có những việc giảm tội

cho tù, tha thuế các đầm” [18; 215] Thông qua lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có thể thấy người nông dân

thời kì này khá linh hoạt nhạy bén. Bên cạnh cây lúa nước là chủ yếu người dân còn biết canh tác thêm nhiều loại hình cây trồng khác bổ trợ. Trong hoàn cảnh sản xuất nông nghiệp phụ thuộc quá lớn vào điều kiện tự nhiên thì biện pháp đa canh của họ là cần thiết, phù hợp. Thậm chí cho đến tận ngày nay trồng trọt và chăn nuôi vẫn là hình thức phổ biến ở các vùng nông thôn nông nghiệp.

2.2.2. Đời sống nhân dân

Trong thời gian tồn tại gần một trăm năm, xã hội Lê Sơ tương đối ổn định, thanh bình nhất là trong thế kỉ XV. Các vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông…đã không ngừng nỗ lực cố gắng xây dựng vương triều mới ngày một thịnh trị hơn. Đời sống của nhân dân có no đủ hay không luôn là mối quan tâm trăn trở của các minh quân. Có thể thấy điều này rất rõ qua các sắc chỉ, sắc lệnh

của nhà nước trong các thời kì. Nhất là những năm dân chúng lâm vào nạn đói, thiên tai, mất mùa. Chẳng hạn: Ngày Tân Mùi, tháng 6 năm Định Tỵ (1437) xuống chiếu rằng: “Từ mấy năm gần đây, hạn và sâu xảy ra liên tiếp, tai dịch có luôn, phải nên giảm bớt hình phạt, nhẹ bớt thuế khóa, để yên lòng dân” [18; 164]. Thậm chí vua Lê Thái Tông còn xuống chiếu tự trách mình khi dân chúng lâm vào cảnh thiên tai. “Hoặc là làm nhiều thổ mộc mà sức dân mệt mỏi chăng?Hoặc là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu chăng? Trẫm tự trách mình, đại xá cho thiên hạ”[18; 178]. Đồng thời nhà nước cũng quy định trách nhiệm rất lớn đối với các quan lại từ trung ương xuống địa phương nhằm đảm bảo đời sống ổn định của nhân dân. Mùa thu tháng 8, ngày mồng 4 năm Giáp Thìn 1484 nhà vua có sắc chỉ cho hai ty Thừa Hiến các xứ và quan phủ huyện châu rằng: “Từ nay trở đi, trong hạt xứ nào có đê vỡ ngập mất lúa mùa, mà thế có thể chứa nước để cấy chiêm, thì hai ty Thừa Hiến truyền cho các quan phủ huyện châu hà đê và khuyến nông nên vào lúc nước lụt hơi rút, dự làm kế cứu đói cho dân, xem ngắm địa thế, tùy theo tiện nghi, đốc thúc dân làng bồi đắp bờ ruộng, cần chứa lấy nước, làm mùa chiêm, không nên bỏ phứa chức trách của mình, coi thường đau khổ của dân, ngồi nhìn mà không có kế gì, để dân phải đói” [18; 392]. Chính vì sự quan tâm đó nông dân nhiều năm được mùa. “Mùa đông tháng 10 năm 1491, thóc lúa được mùa to” [18; 421].

Trải qua nhiều năm binh lửa chiến tranh đến thời bình nhà Lê sơ đã bước đầu ổn định được đời sống của nhân dân. Đồng thời lại chủ trương đề cao Nho giáo cho nên vai trò của người nông dân trong xã hội “nhất sĩ nhì nông”càng được coi trọng hơn. Tuy nhiên dù nhà nước phong kiến có nhiều cố gắng thì đời sống của người nông dân vẫn chịu những tác động tiêu cực của thiên tai, nhũng nhiễu hạch sách của quan lại, địa chủ…Hiện tượng này xuất hiện ngay trong thời kì thịnh trị nhất của vương triều, và càng thêm trầm trọng hơn vào đầu thế kỉ XVI- giai đoạn vương triều Lê sơ bước vào buổi khủng hoảng, suy tàn.

Sử sách ghi lại nhiều năm người nông dân đối mặt với thiên tai, dịch họa…

Năm Giáp Dần 1434, mùa đông tháng 10, có sâu hại lúa. Sai quan chia đi các nơi khám xét lúa ruộng

Năm Bính Thìn 1436, tháng 6 đại hạn, sâu lại ăn lúa. Hạ lệnh cho các lộ trấn đảo vũ

Năm Canh Thân 1440, tháng 6 lộ Thanh Hóa lụt to Năm Quý Hợi 1443, động đất

Năm Ất Sửu 1445, tháng 6, ngày mùng 7, nước sông lên to, ngập vào trong thành cao đến 3 thước. Lúa má tổn hại đến một phần ba

Năm Bính Thân 1466, tháng 9 ngày 20, gió bão. Các phủ ven biển là Nam Sách, Giáp Sơn, Thái Bình, Kiến Xương nước biển dân lên to, đê ngăn bị vỡ, lúa má bị ngập, nhân dân ven biển chết đói nhiều. Các huyện ở đầu nguồn và bờ biển thuộc Nghệ An cũng bị hại nước lụt.

Năm Nhâm Tý 1492, tháng 12, đói to nhân dân có người ăn củ nâu. [18; 135- 423]

Đặc biệt trong những năm cuối của triều Lê sơ nhân dân lại hứng chịu thiên tai nhiều hơn do nhà nước thiếu quan tâm hoặc do chiến tranh loạn lạc

Năm 1517, năm ấy trong nước đói to, nhân dân chết đói nằm gối lên nhau. Các huyện như Đông Triều, Giáp Sơn ở Hải Dương, Yên Phong, Tiên Du, Đông Ngàn ở Kinh Bắc, chỗ nào trải qua binh lửa càng đói hơn.[18; 568]

Ở nông thôn, quan lại địa chủ còn ra sức cướp đoạt ruộng đất của người nông dân. Nạn lưu vong, trộm cướp diễn ra ở nhiều nơi. Quan lại nhân đó càng hoành hành dữ dội hơn. Trong chỉ dụ của vua Lê Hiến Tông năm 1499, có đoạn viết: “người vì nước quên nhà thì ít, người bỏ phận thiếu chức thì nhiều. Tha giàu bắt nghèo không chừa ác cũ, tham tiền khoét của vẫn theo lối xưa. Hoặc chỉ hại người cho béo mình, hoặc vẫn ham sắc, say rượu, hoặc giả danh thượng tiến mà nghĩ cách bóc lột, hoặc nhân việc hạ giá mà vơ vét bừa đi, hoặc cho nhờ vả, che chở làm mưu hay mà quên phép cấm của nước, hoặc lấy yêu sách đánh đập làm kế giỏi mà không nghĩ đến người nghèo. Việc quân, việc chính nát hỏng không lúc nào bằng lúc này” [60; 274]. Chưa đầy 10 năm sau dưới thời Lê Uy Mục, tình hình còn tồi tệ hơn. Sử cũ chép: “Bấy giờ quyền về họ ngoại, phía đông là làng Hoa Lăng (quê của mẹ nuôi vua), phía tây là làng Nhân Mục (quê của vợ vua), phía bắc là làng Phù Chuẩn (quê của mẹ đẻ vua)

đều chuyên cậy thế, dìm hãm thần liêu…giết hại sinh dân, phàm súc vật hoa màu của dân gian đều cướp cả, cùng nhà dân ai có đồ lạ vật quý thì đánh dấu chữ vào để lấy. Nhân dân oán mà vua vẫn không chừa” [18; 505]. Trong bài

Trị bình bảo phạm của Tả thị lang bộ Lại là Lương Đắc Bằng ghi: “Về thời Đoan Khánh niên hiệu của Uy Mục) có nhiều kẻ gian phi ra vào nhà bọn ác đảng ở các xã Phù Chuẩn, Hoa Lăng, hoặc giả xưng là họ hàng của bọn ấy, hoặc cầu mua tờ thiếp để xâm chiếm ruộng đất của nhân dân, cướp lấy tài hóa của dân, đánh đập dân lương thiện, trêo ghẹo đàn bà, con gái” [60; 275].

Đất nước rơi vào buổi khủng hoảng, suy tàn, đời sống nhân dân đói khổ, không chịu nổi cảnh khổ cực bóc lột hà khắc nặng nề, người nông dân đã nổi dậy đấu tranh. Từ năm 1511 khởi nghĩa nông dân diễn ra khắp nơi và kéo dài mãi đến năm 1522. Có thể kể đến: Khởi nghĩa của Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tồng và Trần Tuân năm 1511, khởi nghĩa nông dân Nghệ An năm 1512 do Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt chỉ huy, phong trào nông dân diễn ra 10 năm 1512-1522 ở các địa phương từ Thanh Hóa đến Sơn Tây, Vĩnh Yên, Kinh Bắc, Tuyên Quang…Sự xuất hiện của phong trào đấu tranh của nông dân cho thấy mâu thuẫn xã hội ở các vùng nông thôn trong các địa phương trở nên trầm trọng. Đó cũng là lúc đời sống của nông dân không còn được như trước nữa.

Một phần của tài liệu nông thôn việt nam thời lê sơ (1428-1527) (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)