Nghề thủ công và buôn bán nhỏ

Một phần của tài liệu nông thôn việt nam thời lê sơ (1428-1527) (Trang 57)

2.3.1. Các nghề thủ công

Nền kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nhân dân ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công, thương nghiệp. Các ngành nghề thủ công truyền thống ở cả nông thôn lẫn thành thị đều được duy trì và phát triển so với thời kì trước như kéo tơ, dệt vải, lụa, làm đồ gốm, đúc đồng, rèn sắt, làm giấy, đan lát…Theo sách Bách nghệ tổ sư thì ở thời Lê sơ nước ta đã học được nhiều nghề mới của Trung Quốc, đặc biệt là nghề khắc bản in và nghề thuộc da. Ở Thăng Long các nhà thủ công và các nhà buôn cũng chia nhau thành từng phường ở trong các phố riêng như thời nhà Trần. Ở thôn quê, sự chuyên môn hóa của công và thương nghiệp (có những làng chuyên về nghề nào đó) đã phát triển nhiều, thường là những làng ở những nơi địa thế đặc biệt

như chỗ sản xuất nguyên liệu, hay ven bờ các con sông lớn, nơi giao thông thuận tiện, đông dân. Dân công thương ở thôn quê cũng tổ chức thành phường hay hộ. Những phường chuyên môn có phường chính là chức dịch do nhà nước đặt để trông nom việc hành chính trong bản phường. Chế độ phường là một tổ chức có tính chất chặt chẽ nhưng nó chứng tỏ rằng dân công thương đã biết đoàn kết để bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp và địa vị xã hội của mình. Đồng thời nó cũng cho thấy tính quy củ, trật tự và sự phát triển về chất ở mức độ nhất định của thủ công nghiệp nông thôn. Sự phát triển của thủ công nghịêp ở nông thôn nói riêng trong thời kì này phần nhiều do sự kích thích từ một nền nông nghiệp phát triển và một xã hội ổn định. Nông nghiệp phát triển nhu cầu cung ứng sản phẩm từ thủ công nghiệp cũng tăng lên. Điều này thể hiện rất rõ ở khu vực nông thôn- nơi sản xuất nông nghiệp là chính.

Người thợ thủ công trước hết là những người nông dân. Do nhu cầu của bản thân, gia đình, nghề nông nên họ sản xuất các mặt hàng thủ để phục vụ cho chính bản thân họ. Chẳng hạn như nghề đan lát: đan sọt, rổ, rá, lồng, sàng, nia…hay nghề kéo tơ, dệt vải. Khi đã đủ dùng họ mới hướng đến việc trao đổi mua bán trên thị trưởng. Quy mô việc trao đổi mua bán những mặt hàng thủ công có thể giữa làng này với làng nọ. Hoặc vượt ra quy mô xã, huyện…Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết vào năm 1435, ghi chép nhiều nghề thủ công nổi tiếng đương thời:

- Vùng Sơn Tây: huyện Bất Bạt có nghề làm dầu, gai, đay; huyện Tam Nông có nghề làm chè tai mèo, sáp vàng, sáp trắng; làng Nguyên Thán có nghề dệt vải; huyện Tiên Phong có nghề dệt lụa...

- Vùng Sơn Nam: huyện Thanh Oai có nghề làm lụa là; huyện Kim Bảng làm the; xã Hoàng Mai huyện Thanh Trì, xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc nấu rượu sen, rượu cúc; xã Đông Thái nấu rượu nếp. Những làng nấu rượu này rất nổi tiếng, hàng năm phải tiến cống lên triều đình, để sử dụng trong các dịp tế lễ bốn mùa.

- Vùng Kinh Bắc: làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm làm đồ bát, chén; làng Huê Cầu, huyện Văn Giang nhuộm thâm; huyện Yên Thế có nghề nung vôi.

Nghề làm đồ gốm ở Bát Tràng và nhuộm thâm ở Huê Cầu là những làng nghề thủ công có truyền thống và nổi tiếng từ lâu đời của nước ta.

- Vùng Nghệ An: huyện Tương Dương có nghề dệt vải thưa; huyện Thạch Hà có nghề làm the mỏng.

- Vùng Quảng Nam: xã Tư Minh, huyện Tuy Viễn có nghề làm tơ gai; xã Miên Sơn, huyện Tuy Viễn có nghề dệt lụa màu huyền.

- Vùng Lạng Sơn: châu Yên Bác có nghề làm gấm thêu, lĩnh, các chất thơm. Gấm của châu Yên Bác là một sản phẩm thủ công quý, được sử dụng làm đồ tiến cống…

Từ nông thôn các làng nghề đã sản sinh thêm hoặc chuyển dịch vào Thăng Long- Kẻ Chợ, trở thành các phường nghề, phố nghề, phường phố chuyên mặt hàng. Phần lớn cư dân tại các phố nghề này là những thợ thủ công nông thôn từ các làng nghề quê gốc di cư tập thể mang tính chất kinh tế ra kinh thành hành nghề rồi ở lại đó. Nhiều câu ca dao đã nói lên những nghề thủ công truyền thống và lâu đời phát triển như:

“Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu,

Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm”

Về chất lượng sản phẩm thủ công dân gian đạt trình độ khá cao. Trong đó nổi bật nhất trong các nghề thủ công thời Lê sơ phải kể đến như:

Gốm sứ: Gốm sứ không chỉ là mặt hàng trao đổi trong nước mà còn là mặt hàng xuất khẩu được nhiều nước ưa chuộng. Trong đó phải kể đến một số làng gốm nổi tiếng như:

Gốm Bát Tràng: Trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có ghi chép về nghề gốm ở Bát Tràng. Cũng trong cuốn sách này, Nguyễn Trãi còn cho biết: "Bát Tràng cung ứng đồ cống Trung Quốc là 70 bộ bát, đĩa..." [77; 225]. Bát Tràng là một trong những trung tâm làm đồ gốm truyền thống của dân tộc ta. Những tài liệu thư tịch và truyền thuyết địa phương cho biết rằng, nghề gốm đã xuất hiện ở Bát Tràng từ thời Lý, Trần. Cách ngày nay khoảng 500 năm, nghề gốm được phát triển hơn, kể từ khi dân làm gốm ở làng Bồ Bát (có người gọi là Bạch Bát), thuộc Thanh Hóa, di cư đến lập nghiệp ở vùng này. Dân làng Bồ

Bát đi ra Bắc và định cư ở tả ngạn sông Hồng, phía dưới Thăng Long, là để tiện cho việc chuyên chở nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa.

Khi tới cơ sở mới bên bờ sông Hồng, dân Bồ Bát đặt tên cho quê hương mới, đó là Bạch thổ phường (tức phường đất trắng). Đất trắng là một thứ đất làm xương gốm rất tốt. Sau nhân dân lại đổi tên là Bá Tràng phường. Cuối cùng mới đổi thành Bát Tràng (tức là nơi làm bát).

Sản phẩm gốm Bát Tràng khá phong phú, bao gồm nhiều loại hình như bát, đĩa, chậu, ấm, nậm, bình vôi, bình hoa, gạch, ngói…Men cũng như hoa văn trang trí trên đồ gốm Bát Tràng có phong cách đặc trưng riêng. Xương gốm và hình dáng dày dặn chắc khỏe. Sản phẩm gốm Bát Tràng được nhân dân ưa chuộng và những sản phẩm này có mặt khắp nơi trên đất nước với chức năng làm đồ gia dụng và đồ thờ cúng.

Đặc biệt gạch Bát Tràng rất nổi tiếng. Nhiều làng xã dùng gạch Bát Tràng để lát sân chùa, lát đường làng…Thậm chí dân gian còn coi loại gạch này là một thứ vật liệu xa xỉ:

Ước gì anh lấy được nàng Để anh mua gạch Bát Tràng về xây Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Và như Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí, đồ gốm Bát Tràng từng được dùng làm cống phẩm cho triều Minh Trung Quốc.

Ngoài các làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng (Gia Lâm), Thổ Hà (Việt Yên- Bắc Giang) đã được sử sách biên chép và còn tồn tại, phát triển cho đến ngày nay, gần đây khảo cổ học phát hiện thêm một số làng gốm còn lưu lại dấu tích trong lòng đất, trong đó Chu Đậu (Nam Sách- Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm thương mại rất quan trọng. Gốm Chu Đậu thời Lê sơ rất đa dạng về loại hình, kiểu dáng, nhiều loại men màu, phổ biến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc, men màu xanh lục, xanh rêu, vàng nhạt…Hoa văn trang trí chủ đạo là hoa sen, hoa cúc, các loại hoa lá, hình động vật cách điệu. Đây có thể nói là một trung tâm sản xuất gốm cao cấp, có thể hình thành từ thế kỉ XIV

và phát triển đến mức phồn thịnh nhất dưới thời Lê sơ thế kỉ XV, kéo dài sang thế kỉ XVI và gần như biến mất vào khoảng cuối thế kỉ XVI- đầu thế kỉ XVII.

Nghề dệt: Nghề dệt có ở Việt Nam từ hơn 1000 năm trước thời Hậu Lê. Đến thời Lê sơ nghề dệt càng phát triển về số lượng và chất lượng. Đặc điểm của nghề dệt trong thời Lê sơ là đã thấy nổi lên ở miền xuôi cũng như ở mền núi những trung tâm dệt nổi tiếng, sản xuất ra những đặc sản rất quý, khó nơi nào bắt chước được.

Ở Thăng Long bấy giờ đã có những phường thợ dệt nổi tiếng. Trong sách

Dư địa chí, Nguyễn Trãi cho biết đó là: "Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa"[77; 217].

Đặc biệt là ở vùng xứ Hải Dương, thời ấy có ba ấp nhỏ, mà những người thợ quê ở đó có cái tài dệt ra một loại vải nhỏ mặt không kém gì lụa. Đó là loại vải nhỏ đẹp hơn lụa, đựng vào trong hộp tre để tiến cống. Ba ấp đó là ấp Mao Điền thuộc huyện Cẩm Giàng, ấp Hộ Am, ấp Bất Bế đều thuộc huyện Đồng Lại, nay là huyện Vĩnh Lại.

Ở vùng Tuyên Quang, vào thời đó, người Thổ dệt vải vàng ánh, thêu xanh, trông rất đẹp.

Khoảng đầu niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đời Lê Thánh Tông, sử cũ còn ghi lại được rằng, lúc ấy ở xứ Tam Giang (tức là một số vùng ở ngoại thành Hà Nội và Hà Tây ngày nay), có một số thợ thủ công sản xuất được nhiều mặt hàng dệt cao cấp, khá kỳ lạ. Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn viết rằng: “vùng này đất hẹp, dân đông, phong tục cần kiệm. Huyện Từ Liêm và Đan Phượng, thuộc phủ Quốc Oai có nhiều bãi trồng dâu, nhân dân chăm về việc chăn tằm, dệt cửi, các xã Hạ Hội, Thiên Mỗ, Ỷ La, Trung Thụy và Đại Phùng có tài dệt lụa, trừu, lĩnh, là và các lụa dày, tục gọi lĩnh vả, hoặc láng”[24; 159]. Đặc sắc hơn nữa là, hồi đó, thợ dệt thủ công của ta đã sản xuất được một số hàng sợi bông trông gần như dạ và nỉ hiện đại, gọi là "nuy đoạn" (hoặc thung thúc). Đến thế kỷ 20, các cửa hàng bán đồ tế lễ dùng loại nhung này để cắt chữ dán câu đối hoặc bọc ngoài các đôi hia cúng thần. Phủ Quốc Oai đã sản xuất thứ hàng này gồm đủ màu xanh, tím, vàng, biếc không kém chất lượng hàng của Trung Quốc.

Nghề sơn: Nghề sơn đã có từ khá lâu đời, nhưng đến thời Hậu Lê thì được phát triển thêm một bước. Sơn dùng trang trí ở hầu hết các đền thờ dinh thự ở đồng bằng Bắc Bộ. Thời kì này cũng xuất hiện khá nhiều phường sơn nổi tiếng như: phường Hạ Thái (cũng thuộc huyện Thường Tín), phường Đình Bảng (Bắc Ninh), phường Nam Ngư (Hà Nội)... Song phường Bình Vọng vẫn được trọng và là phường đất tổ. Theo sách Bình Vọng Trần thị gia phả, thì ông tổ nghề sơn của làng này là Trần Lư, còn có tên là Lương, tự là Tu Khê, sinh năm Canh Dần (1470), đỗ Đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) đời Lê Hiến Tông. Gia phả còn ghi rõ: Ông nắm vững được nghề vẽ bằng sơn và truyền nghề cho dân làng. Cả làng biết nghề này là do ông. Người thợ sơn làng Bình Vọng vào thời Lê thế kỷ XV đã sản xuất nhiều mặt hàng như: mâm bồng, cây nến, ống hương, đài rượu, cơi trầu, kỷ, ngai, bài vị, phù trang, hoành phi, câu đối... hoặc các mặt hàng dân dụng như: tráp trầu, hộp lược, khung ảnh, quả (một loại hộp bằng gỗ hình tròn)...

Nghề chạm khắc đá: Nổi tiếng nhất là làng Kính Chủ thuộc phủ Kinh Môn (Hải Dương). Hầu hết đàn ông tại làng Kính Chủ đều biết nghề chạm đá. Nguyên liệu sẵn có, khai thác thuận tiện làm cho làng nghề có công việc quanh năm. Không chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương, làng nghề này còn sản xuất cối đá, trục lúa, đá phiến... giao cho thương nhân chở theo đường thủy đến các địa phương khác hoặc nhận đi làm công trình ở các nơi khác.

Nghề in mộc bản: Bắt đầu xuất hiện từ thời Lý (thế kỷ 12) nhưng từ đời Lê sơ trở đi, nghề in mộc bản của nước ta mới đi vào tổ chức, có quy củ và nền nếp hẳn hoi. Nổi tiếng hơn cả là người thợ của hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng (huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương). Ông tổ nghề in mộc bản của Hồng Lục, Liễu Tràng là Lương Như Hộc.

Theo Bách nghệ tổ sư thì trong thời Lê thế kỷ XV, nhiều nghề thủ công của Trung Quốc đã du nhập vào nước ta, đặc biệt là nghề khắc bản in vừa nói ở trên và nghề thuộc da. Trong số những nghề này có nhiều nghề đã xuất hiện ở nước ta từ thời trước, nhưng đến nay được phát triển thêm trên cơ sở kỹ thuật mới từ Trung Quốc du nhập vào. Căn cứ vào các đồ tiến cống và thể chế quan

phục thời Lê thì nghề dệt, thêu thùa và nghề làm đồ sứ, đồ sành bấy giờ khá phát đạt.

Vào thời Lê thế kỷ XV, ở các thị trấn, đô thị thì những người thợ thủ công đã tổ chức lại thành những phường chuyên môn. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì thành Thăng Long thời này có 36 phường: “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đai, mâm, võng, gấm trừu, dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy. Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt... Phường Đường Nhân bán áo diệp y”...[77; 217]

Việc xuất hiện và phát triển của phường hội phản ánh một trình độ phát triển và chuyên môn hóa của thủ công nghiệp. Những người thợ thủ công chuyên nghiệp tách rời khỏi sản xuất nông nghiệp đã biết tổ chức lại để bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp và địa vị xã hội của những người cùng nghề.

Như vậy có thể thấy thủ công nghịêp ở nông thôn vẫn có nhiều nét mới phát triển so với thời kì trước. Đó thực sự là tiền đề quan trọng để đến thế kỉ XVI- XVIII các mặt hàng thủ công nghiệp nước ta hội nhập vào luồng thương mại quốc tế. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao và được ưa chuộng trên thị trường thế giới.

Bên cạnh các nghề thủ công của nhân dân Nhà nước còn có những tổ chức sản xuất thủ công riêng là các cục bách công, cục bách tác chuyên việc đúc tiền, rèn đúc vũ khí, đóng thuyền chiến, may mũ áo cho vua, quan, làm đồ trang sức…Làm việc trong các xưởng này là những công tượng. Họ là những thợ thủ công giỏi trong nhân dân bị nhà nước trưng tập vào các cục sản xuất. Chế độ công tượng là một chế độ lao động cưỡng bức. Công tượng cũng tổ chức thành đội ngũ như quân lính, họ làm việc dưới sự đốc suất của giám đương hay chủ ty. Ngoài ra trong các xưởng thủ công của nhà nước còn có những công nô là những người bị tội đồ sung vào sản xuất như thân phận nông nô.

Lĩnh vực sản xuất thủ công nghiệp nhà nước không có nhiều mối quan hệ với thủ công nghiệp ở nông thôn. Tuy nhiên cách trưng tập lực lượng sản xuất trong lĩnh vực này của nhà nước theo chế độ công tượng lại ảnh hưởng

tiêu cực đến khu vực này. Ảnh hưởng này thể hiện ở hai phương diện. Thứ nhất những thợ thủ công giỏi là nguồn nhân lực rất cần thiết cho thủ công nghiệp nông thôn. Đó là yếu tố quyết định rất lớn đến chất lượng sản phẩm thủ công. Trong khi đó những thợ giỏi lại bị nhà nước trưng tập, trong chừng mực nào đó làm ảnh hưởng đến thợ thủ công ở nông thôn đặc biệt là những người thợ có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm rất cần cho nghề thủ công truyền thống.

Ngoài các nghề thủ công truyền thống thì nghề khai mỏ có từ thời Lý- Trần như mỏ đồng, mỏ kẽm, mỏ vàng, mỏ bạc ở miền trung du Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng cũng khá phát triển. Triều đình thường giao cho các tù trưởng dân thiểu số đốc suất dân phu khai quật, rồi chiếu lệ nộp một số lượng nhất định làm thuế cống. Về các mỏ ở miền trung du (số lượng ít) thì triều đình để cho các hộ tự do khai quật mà nộp thuế bằng sản vật.

2.3.2. Buôn bán nhỏ ở nông thôn

Trong thời kì này do được kích thích từ ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp cho nên thương nghiệp vẫn có sự phát triển nhất định. Hoạt động giao thương giữa Thăng Long và các địa phương, giữa miền xuôi và miền ngược,

Một phần của tài liệu nông thôn việt nam thời lê sơ (1428-1527) (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)