Phân loại bài tập vật lý

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học theo hướng tiếp cận công nghệ phần bài tập chương Động lực học chất điểm sách giáo khoa vật lý lớp 10 nâng cao (Trang 32)

9. Cấu trúc của luận văn

1.3.3.Phân loại bài tập vật lý

BTVL rất đa dạng và phong phú. Có nhiều cách phân loại bài tập, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng, tuỳ theo mức độ yêu cầu phát triển tư duy, tuỳ theo nội dung, theo phương thức cho điều kiện, theo phương thức giải mà có thể phân loại bài tập theo nhiều cách khác nhau.

1.3.3.1. Căn cứ theo yêu cầu mức độ phát triển tư duy

- Bài tập luyện tập: Là các bài tập mà việc giải chúng không đòi hỏi tư duy sáng tạo của học sinh, chỉ yêu cầu học sinh nắm vững cách giải đối với một loại bài tập nhất định đã được chỉ dẫn. Bài tập loại này được dùng để rèn luyện học sinh sử dụng những công thức giải từng loại bài tập mẫu xác định.

- Bài tập sáng tạo: Là các bài tập dùng để phát triển tư duy học sinh, việc giải bài tập loại này đòi hỏi tư duy sáng tạo của học sinh. Loại bài tập này đường lối giải thường không rõ ràng, thường che giấu các angôrit giải và không có một angôrit chung mà luôn là mới mẻ đối với người giải. Học sinh phải tự bổ sung lấy kiến thức khuyết thiếu, tự thực hiện thao tác tư duy phức tạp để tiến hành kiểm tra suy nghĩ của mình và đánh giá có phê phán kết quả thu được.

1.3.3.2. Căn cứ vào nội dung bài tập

- Bài tập có nội dung cụ thể: Là những bài tập có dữ liệu là các số cụ thể, thực tế và học sinh có thể đưa ra lời giải dựa vào vốn kiến thức vật lí cơ bản đã có. Những bài tập có nội dung cụ thể có tác dụng tập cho người học phân tích các hiện tượng thực tế cụ thể để làm rõ bản chất vật lí và do đó, có thể vận dụng các kiến thức vật lí để giải.

- Bài tập có nội dung trừu tượng: Là những bài tập mà các dữ kiện cho dưới dạng chữ. Trong bài tập này, bản chất được nêu bật trong đề bài, những chi tiết không bản chất đã được lược bỏ bớt. Học sinh có thể nhận ra được cần sử dụng cong thức, định luật vật lí nào để giải bài tập đã cho.

- Bài tập về các đề tài vật lí: Là các bài tập có chứa đựng các kiến thức về một phần nào đó của chương trình vật lí, ví dụ như Cơ, Điện, Nhiệt, Quang, …

- Bài tập có nội dung kĩ thuật tổng hợp: Là các bài tập có chứa đựng các kiến thức về kĩ thuật, về sản xuất công nông nghiệp, giao thông vận tải,…

- Bài tập có nội dung lịch sử: là các bài tập chứa đựng các kiến thức có liên quan đến lịch sử như các dữ liệu về các thí nghiệm vật lí cổ điển, những phát minh, sáng chế hoặc những câu chuyện có tính chất lịch sử.

- Bài tập vui: Là các bài tập sử dụng các sự kiện, hiện tượng kì lạ hoặc vui. Việc giải các bài toán này sẽ làm cho tiết học thêm sinh động, nâng cao hứng thú học tập của học sinh.

1.3.3.3. Căn cứ phương thức cho điều kiện và phương thức giải.

- Bài tập định tính: là loại bài tập nhấn mạnh mặt định tính của các hiện tượng đang khảo sát, việc giải chủ yếu dựa vào các suy luận lôgic mà không cần phải tính toán phức tạp. Là loại bài tập dùng để vận dụng kiến thức vào đời sống, sản suất. Nó thường được dùng làm bài tập mở đầu nghiên cứu tài liệu mới, giúp học sinh nắm vững bản chất vật lí của các hiện tượng, tạo say mê, hứng thú môn học cho học sinh, rèn cho họ tư duy lôgic, khả năng phán đoán, biết cách phân tích bản chất vật lí của hiện tượng. Khi giải loại bài tập này đòi hỏi học sinh phải xác lập được mối liên hệ phụ thuộc về bản chất giữa các đại lượng vật lí. Bài tập này thường đưa ra yê cầu dưới dạng câu hỏi “Vì sao ?”, “Tại sao ?”.

- Bài tập định lượng: là loại bài tập có dữ liệu là các số cụ thể, học sinh phải giải chúng bằng các phép tính toán, sử dụng công thức để xác lập mối quan hệ phụ thuộc định lượng giữa các đại lượng phải tìm và nhận được kết quả dưới dạng một công thức hoặc một giá trị bằng số.

- Bài tập thực nghiệm: là loại bài tập khi giải phải sử dụng thí nghiệm để đi tới mục đích đặt ra, có khi phải tiến hành thí nghiệm để đi tới kết quả phải tìm hoặc làm thí nghiệm để lấy số liệu giải bài tập.

- Bài tập đồ thị: dạng bài tập này rất phong phú. Có thể từ đồ thị đã cho, học sinh phải tìm một yếu tố nào đó hoặc từ các dữ liệu đã biết đi xây dựng đồ thị. Loại bài tập này giúp học sinh thấy được một cách trực quan mối quan hệ giữa các đại lượng vật lí. [9], [10]

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học theo hướng tiếp cận công nghệ phần bài tập chương Động lực học chất điểm sách giáo khoa vật lý lớp 10 nâng cao (Trang 32)