IV. Phân tích chính sách 1 Lựa chọn chỉ tiêu đánh giá
2. Đánh giá hiệu quả trung gian của điều chỉnh chính sách
2.4. Thay đổi cơ cấu FDI theo vùng
Cho đến năm 1995 chính sách đầu tư nước ngoài thực ra không phân biệt khía cạnh vùng, địa điểm đầu tư. Phần lớn dự án và vốn FDI tập trung ở các đô thị lớn, vùng có cơ sở hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi. Đến cuối năm 1995, vùng Đông Nam Bộ thu hút tới 56% tổng FDI đăng ký, trong đó riêng thành phố Hồ Chí Minh thu hút 35%, tức trên 1/3 tổng vốn FDI. Vùng Đồng bằng sông Hồng xếp vị trí thứ hai, thu hút 28,5% tổng vốn FDI, nhưng riêng Hà Nội đã thu hút được 21%. Tây Nguyên là vùng thu hút FDI thấp nhất, chỉ chiếm 0,9% tổng số vốn đăng ký. Như vậy, đến cuối năm 1995 FDI tập trung chủ yếu ở hai vùng có hai đô thị lớn nhất nước. Nếu xét theo tỉnh thì mức độ tập trung còn cao hơn, trong đó 79% tổng vốn đăng ký chảy vào 5 tỉnh là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu (TCTK các năm).
Từ năm 1996, chính sách đầu tư nước ngoài đã chú ý tới khía cạnh phân bổ theo vùng. Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1996 đã có bước điều chỉnh nhằm thu hút FDI vào những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn hơn và giãn mức độ tập trung FDI ở một vài tỉnh. Các biện pháp ưu đãi đặc biệt bao gồm miễn giảm tiền thuê đất, miễn thuế lợi tức ... Những điều chỉnh khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến phân bổ FDI theo vùng, đó là cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào KCN, được hưởng các ưu đãi như nhà đầu tư trong nước và chính sách phân cấp cấp giấy phép đầu tư cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban quản lý các KCN, KCX. Luật Đầu tư
năm 2005 tiếp tục phân cấp mạnh hơn về cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư tại địa phương. Bên cạnh lĩnh vực ưu đãi đầu tư, Luật năm 2005 cũng đưa ra Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư nhằm thu hút FDI và đầu tư trong nước.
Từ năm 1997 đến 2004, cơ cấu FDI theo vùng đã thay đổi theo hướng tích cực hơn, nhưng vẫn chậm. Trong giai đoạn này xuất hiện một số tỉnh mới nổi về thu hút FDI như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Long An, Đà Nẵng... Mặc dù vậy, vốn vẫn tập trung ở vùng Đông Nam Bộ và một vài đô thị lớn. Trước khi Luật Đầu tư năm 2005 ban hành, trong năm 2004, bốn địa phương là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai vẫn chiếm 65,5% tổng số dự án và 61,7% tổng vốn đăng ký (TCTK các năm).
Sau khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực, cơ cấu FDI theo vùng chuyển biến rõ rệt hơn. Đến cuối năm 2008, tất cả 64 tỉnh (nay còn 63 tỉnh), kể cả tỉnh miền núi, kém phát triển cũng đã thu hút được nguồn vốn này cho dù còn ít về số dự án và số vốn. Tuy 10 tỉnh đứng đầu vẫn chiếm tỷ trọng cao về số dự án và vốn, nhưng khoảng cách so với các tỉnh khác đã giảm đáng kể trong năm 2007 so với 2005 (Bảng 4).
Bảng 4: Tỷ trọng số dự án và vốn đăng ký của 10 địa phương đứng đầu về thu hút FDI trong năm 2005 và 2007 xếp theo tiêu chí vốn