Cách xây dựng tình huống có vấn đề trong dạy học Hóa học

Một phần của tài liệu phương pháp dạy học hóa học tích cực (Trang 29)

- Một số kĩ năng đặt câu hỏ

3.Cách xây dựng tình huống có vấn đề trong dạy học Hóa học

Sự nghiên cứu lí luận và thực tiễn cho thấy có nhiều loại tình huống có vấn đề và nhiều cách tạo ra (làm xuất hiện) các tình huống có vấn đề trong dạy học.

Cần nêu ra nguyên tắc chung làm xuất hiện tình huống có vấn đề trong dạy học, sau đó sẽ phân loại các cách tạo tình huống có vấn đề trong dạy học.

Nguyên tắc chung: Dựa vào sự không phù hợp giữa kiến thức đã có của học sinh với yêu cầu đặt ra cho họ khi giải quyết nhiệm vụ mới.

Theo nguyên tắc chung này, có thể nêu ra ba cách tạo ra các tình huống có vấn đề, đó cũng là ba kiểu tình huống có vấn đề cơ bản trong dạy học Hóa học (1).

a. Cách thứ nhất:

Có thể tạo ra tình huống có vấn đề khi kiến thức học sinh đã có không phù hợp (không đáp ứng được) với đòi hỏi của nhiệm vụ học tập hoặc với thực nghiệm.

Ở đây sẽ xuất hiện tình huống không phù hợp (cũng là tình huống khủng hoảng, bế tắc) hoặc tình huống bất ngờ (cũng là tình huống ngạc nhiên).

Có thể alogrit hóa quá trình tạo tình huống có vấn đề theo cách này thành ba bước như sau:

Bước 1:Tái hiện kiến thức cũ có liên quan bằng cách cho học sinh nêu lại một kết luận, một quy tắc… đã học.

Bước 2: Đưa ra hiện tượng (có thể làm thí nghiệm, hoặc nêu ra một hiện tượng, một kinh nghiệm) mâu thuẫn hoặc trái hẳn với kết luận vừa được nhắc lại, điều đó sẽ gây ra sự ngạc nhiên.

Bước 3: Phát biểu vấn đề: đi tìm nguyên nhân của mâu thuẫn hoặc giải thích hiện tượng lạ đó.

Ví dụ: Tạo ra tình huống có vấn đề khi nghiên cứu tính oxi hóa của axit sunfuric đặc nóng.

Bước 1. Tái hiện kiến thức cũ có liên quan: axit tác dụng với kim loại đứng trước hiđro trong dãy hoạt động của kim loại và giải phóng hiđro.

Bước 2. Làm xuất hiện mâu thuẫn: làm thí nghiệm biểu diễn về tác dụng của axit sunfuric đặc nóng với đồng (là kim loại đứng sau hiđro). Vẫn thấy có phản ứng hóa học xảy ra. Khí tạo ra không phải là H2 mà là SO2.

Bước 3. Phát biểu vấn đề: H2SO4 đặc nóng có tác dụng cả với đồng là kim loại đứng sau hiđro trong dãy hoạt động hóa học của kim loại. Nguyên nhân sự không phù hợp với điều đã biết về tác dụng của axit với kim loại là ở đâu? Axit sunfuric đặc nóng còn có những tính chất của axit không hay có thêm những tính chất gì mới?

b. Cách thứ hai

Có thể tạo ra tình huống có vấn đề khi học sinh lựa chọn trong những con đường có thể có một con đường duy nhất bảo đảm việc giải quyết được nhiệm vụ đặt ra.

Khi đó xuất hiện tình huống lựa chọn hoặc tình huống bác bỏ (phản bác).

Ví dụ: Quá trình tạo ra tình huống lựa chọn hoặc tình huống bác bỏ công thức cấu tạo của rượu etylic cũng gồm ba bước sau:

Bước 1. Tái hiện kiến thức cũ, nêu nhiệm vụ mới cần giải quyết: rượu etylic có công thức phân tử C2H6O phải có công thức cấu tạo như thế nào?

Bước 2. Làm xuất hiện mâu thuẫn, nêu các giả thuyết: ứng với công thức phân tử C2H6O có thể có 2 công thức cấu tạo:

CH3-O-CH3 CH3-CH2-OH (1) (2)

Bước 3. Phát biểu vấn đề: Giả thuyết nào là đúng, các giả thuyết khác vì sao không đúng? Làm thí nghiệm và lập luận xem công thức (1) hoặc (2) phù hợp với tính chất của rượu etylic.

c. Cách thứ ba

Có thể tạo ra tình huống có vấn đề khi học sinh phải tìm đường ứng dụng kiến thức trong học tập, trong thực tiễn hoặc tìm lời giải đáp cho câu hỏi “tại sao”.

Lúc đó xuất hiện tình huống vận dụng hoặc tình huống tại sao.

Ví dụ: Tạo ra tình huống có vấn đề khi nghiên cứu tính chất lưỡng tính của nhôm hiđroxit (Hóa học lớp 12).

Bước 1. Nêu ra những kiến thức đã học có liên quan đến một vấn đề cần khắc sâu: dung dịch nhôm clorua có tác dụng với dung dịch natri hiđroxit tạo ra Al(OH)3 kết tủa.

Bước 2. Đưa ra hiện tượng có chứa mâu thuẫn với kiến thức cũ gây ra lúng túng bế tắc khi giải quyết vấn đề trong học tập hay trong thực tiễn: đổ một lượng nhỏ dung dịch nhôm clorua (AlCl3) vào lượng lớn dung dịch NaOH thì không thu được kết tủa tuy lúc đầu có xuất hiện nhưng lại tan đi ngay.

Bước 3: Tìm nguyên nhân của bế tắc, lúng túng và tìm những con đường khác nhằm vận dụng kiến thức đã học để có thể giải quyết được nhiệm vụ đặt ra: tìm nguyên nhân của việc không thu được kết tủa nhôm hiđroxit và tìm cách khắc phục.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu phương pháp dạy học hóa học tích cực (Trang 29)