- Bồi hoàn/chi trả tiền bảo hiểm
1.2.1. Chính sách BHTG và vai trò của chính sách
Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, điều hành đất nước và công cụ để thực hiện nhiệm vụ đó là hệ thống các chính sách.
Chính sách được xem như là một cách thức sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện một số vấn đề cụ thể, và chính sách là kết quả-hành động được đưa ra bởi chính phủ trong quan hệ với một số lĩnh vực thực hành đã được xác định.
Chính sách là tập hợp các chủ trương và hành động về phương diện nào đó của chính phủ bao gồm các mục tiêu mà chính phủ muốn đạt được và cách làm để thực hiện các mục tiêu đó. Những mục tiêu này bao gồm sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường.
Như đã phân tích ở trên, do tầm quan trọng của BHTG vì vậy muốn hoạt động BHTG hiệu quả nhà nước cần phải ban hành các quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động BHTG theo đúng mục tiêu đề ra và hệ thống các quy định đó được gọi là chính sách BHTG.
Vậy, chính sách BHTG là hệ thống các quy định liên quan đến hoạt động BHTG mà theo đó tổ chức, cá nhân tham gia vào quan hệ BHTG phải tuân thủ. Chính sách BHTG tạo lập môi trường pháp lý cho tổ chức BHTG ra đời và hoạt động.
Sự cần thiết của chính sách BHTG
Sự cần thiết của chính sách bảo hiểm tiền gửi xuất phát từ vai trò của hoạt động BHTG đối với hệ thống ngân hàng. Không thể phủ nhận, hệ thống ngân hàng luôn giữ vai trò quan trọng và được ví như huyết mạch của toàn bộ nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh sẽ góp phần phân bổ và luân chuyển các nguồn lực tài chính một cách hiệu quả, thông suốt, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận được nguồn vốn nhàn rỗi một cách dễ dàng, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, giống như tất cả các hoạt động khác, hoạt động kinh doanh ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hậu quả là sự đổ vỡ hàng loạt của các ngân hàng đã được ghi nhận trong lịch sử, đó là sự kiện hơn 4000 ngân hàng của Mỹ bị đóng cửa trong giai đoạn 1930- 1933 hay sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng danh tiếng như Northern Rock
(Anh) năm 2007, Lehman Brothers (Mỹ) năm 2008 hay Washington Mutual (Mỹ) năm 2008. Sự sụp đổ của các ngân hàng lớn của Mỹ cũng như của các nước trên thế giới cho thấy bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể bị phá sản và sự đổ vỡ này có thể mang lại hậu quả rất tồi tệ cho nền kinh tế của quốc gia cũng như trên phạm vi thế giới.
Khủng hoảng ngân hàng xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thanh toán, suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hẹp sản lượng đầu ra của khu vực sản xuất, tạo sức ép nặng nề cả về kinh tế và xã hội. Ngoài ra, chi phí ngân sách của các nước để giải quyết hậu quả của sự đổ vỡ là rất lớn trung bình khoảng 13,3% GDP và cá biệt lên tới 55,1% GDP [21].
Như đã nói ở trên, nguy cơ của sự đổ vỡ ngân hàng không chỉ dừng lại ở một ngân hàng bị phá sản mà hệ lụy là sự mất niềm tin của người gửi tiền vào hoạt động của hệ thống ngân hàng dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt của người gửi tiền, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Và vấn đề cần quan tâm là việc xử lý nhanh chóng đổ vỡ ngân hàng lấy lại niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng quốc gia. Là một thành viên của mạng an toàn tài chính quốc gia, tổ chức BHTG có vai trò quan trọng trong quá trình xử lý đổ vỡ của các ngân hàng và có chức năng tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm các ngân hàng có nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, chức năng cảnh báo không thể thực hiện hiệu quả bởi vì việc tiếp cận các thông tin tài chính của các ngân hàng rất khó khăn và các ngân hàng thường không muốn công khai các tin tức bất lợi của ngân hàng mình. Từ những phân tích trên cho thấy, sự cần thiết ban hành chính sách BHTG gắn liền với việc củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, góp phần củng cố hoạt động ngân hàng, phòng ngừa và hạn chế các cuộc khủng hoảng tài chính trong nền kinh tế.
Chính sách BHTG là chính sách điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, người gửi tiền vì sự kiện BHTG đụng chạm đến lợi ích của người gửi tiền, cũng như các TCTD và ngân hàng - các chủ thể trong quan hệ BHTG. Chính vì vậy, chính sách BHTG đảm bảo giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.
Xuất phát từ bản chất của hoạt động BHTG nên chính sách BHTG là những quy định bắt buộc đối với hoạt động tiền gửi.
Ngoài ra, chính sách BHTG còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, ổn định tình hình tài chính quốc gia vì thế chính sách phải đảm bảo được tính đồng bộ, cụ thể và phù hợp với tình hình phát triển từng thời kỳ và phù hợp với chính sách tài chính quốc gia.