3. Thực trạng về bảo tồn, tôn tạo di sản “Thăng Long Tứ trấn”:
3.2.2.3. Đền Kim Liên:
Đền Kim Liên - một trong "Thăng Long Tứ trấn" , có từ thời vua Lý Thái Tổ (vua Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, đang bị lấn chiếm tới 30% tổng diện tích.
Tại quận Đống Đa, khi đến thăm khu di tích lịch sử này, du khách không khỏi ngậm ngùi trước thực trạng một di tích lịch sử quan trọng của quốc gia đã
và đang bị xâm phạm một cách ngang nhiên, trắng trợn. Trước cửa đền tập trung nhiều hàng ăn và quán nước lôi thôi nhếch nhác, bất chấp cảnh báo cấm vi phạm trên tấm biển cạnh cổng vào. Ao đền đã từ lâu bị san bằng, dấu tích còn lại chỉ là một bãi đất trống huơ, trống hoắc án ngữ trước đình.
Bên cạnh đền là Giếng Ngọc vốn xưa là giếng nước ăn của làng. Các cụ cao niên trong làng cho biết: "Giếng có diện tích chừng hơn 400m2, hình tròn, được đào rất sâu, nước trong và mát, có bậc lên xuống bằng gạch để dân làng tiện lấy nước sinh hoạt"; nhưng hình ảnh đó chỉ còn nằm lại trong ký ức của những bô lão trong làng. Giờ đây, Giếng Ngọc đã trở thành một ao nước tù đọng, lềnh bềnh rác ruởi, bốc mùi hôi hám. Trước đây, cứ đến xế chiều khu giếng đã trở thành nơi nghỉ ngơi - giao hòa cuả các cụ, nay Giếng Ngọc trở thành nơi sinh đẻ lý tưởng cho các loại ruồi, muỗi. Điều đáng nói, hiện nay Giếng Ngọc đang trở thành nơi tập kết rác, đổ nước thải sinh hoạt, bãi phế liệu, vật liệu xây dựng... Chưa hết, một vài hộ dân quanh Giếng Ngọc đã khoanh vùng, chiếm dụng đất quanh giếng làm nơi chăn nuôi các loại gia cầm như gà, vịt...
Xung quanh ngôi đền này, nhiều công trình dân sinh được xây dựng kiên cố sừng sững mọc lên, cao hơn nhiều lần với chiều cao của ngôi đình thiêng liêng này. Cụ thể là căn nhà xây dựng kiên cố, vi phạm vào đường giới chỉ đỏ lấn sát vào nhà bia khiến tấm bia đá đồ sộ (cao 2,43m, rộng 1,5m, dày 22cm) mang tên "Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh", ghi thần tích và bài minh ca ngợi thần Cao Sơn, do sử thần Lê Tung soạn năm 1509, cũng trở thành bé nhỏ đến tội nghiệp.
Bên cạnh đó là công tác trùng tu tôn tạo: Từ năm 2008, đền đã được khởi công trùng tu, với kinh phí khoảng 36,6 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân quận Đống Đa làm chủ đầu tư. Tiếc thay, việc trùng tu với đền Kim Liên đã trở thành sự “đánh đổi”!
Nghi môn (cổng) của đền Kim Liên được xây dựng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cột cổng được coi như mạch nguồn của ước vọng nông nghiệp... Đỉnh cột đắp lân, trong thế nhìn xuống như sự kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Cây cột như mạch nối nguồn sinh lực thiêng liêng giữa trời và đất, như một trục vũ trụ...
Đấy là trước kia, còn bây giờ: Mẫu cổng sao chép cổng đình Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội một cách không trọn vẹn, mái gá thẳng vào cột đình, không trùm lên trên mà “leo” ra ngoài cắt ngang cột. Đến nay, các câu đối trên cổng một số chữ đã bị mờ, chữ đen, chữ trắng. Nhìn cảnh này, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền - Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bức xúc: “Mái đình xòe ra, cắt đứt cổ cột!”.
Cùng với đó, bức bình phong đặt trước đình cũng nhận được nhiều “phàn nàn” của các nhà khoa học. Bình phong vốn được xây dựng với mục đích ngăn khí độc, cũng được hiểu như khí độc quỷ dữ thổi vào thần thánh. Theo nguyên tắc, bình phong phải kín. Tuy nhiên, bức bình phong ở đền Kim Liên đã bị trổ thủng chữ “Thọ” ở giữa.
Trong quá trình trùng tu, xây dựng, Cục Di sản văn hóa đã có những góp ý với đơn vị thi công và chủ đầu tư. Tuy nhiên, các hạng mục trên hoàn toàn không đáp ứng được những yêu cầu đảm bảo giá trị văn hoá, lịch sử.