Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong thi hành hình phạt tử hình

Một phần của tài liệu thi hành án tử hình và thực tiễn áp dụng tại tỉnh quảng trị từ năm 2008 - 6-2014 (Trang 47 - 50)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.2.4.Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong thi hành hình phạt tử hình

Thế giới ngày nay đang có xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa, xu hướng này mang tính khách quan, xuất phát từ sự phát triển, tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, một cuộc cách mạng vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước. Sự tác động này đã từng bước xóa đi tư tưởng biệt lập, khép kín mà lâu nay đã trở thành truyền thống ở một số nước.

Trong lĩnh vực thi hành hình phạt tử hình, việc tăng cường hợp tác quốc tế đã trở thành xu thế tất yếu bởi những lý do sau:

- Cùng với xu thế quốc tế hóa đời sống kinh tế, thì xu thế quốc tế hóa hoạt động của bọn phạm tội, nhất là bọn khủng bố quốc tế, cũng đang diễn ra. Vì vậy, việc hợp tác quốc tế với các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình về thi hành hình phạt tử hình cũng là một trong các biện pháp quan trọng có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

- Giảm việc áp dụng hình phạt tử hình, nhân đạo hóa việc thi hành hình phạt tử hình đang trở thành xu hướng được hưởng ứng rộng rãi trên thế giới. Cho nên, để nước ta sớm hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, thì việc hợp tác

quốc tế trong lĩnh vực này để tiếp thu những kinh nghiệm tiên tiến trong việc thi hành hình phạt tử hình là hết sức cần thiết hiện nay.

- Nước ta đã trở thành thành viên của những tổ chức quốc tế như ASEAN, INTERPOL... cho nên, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành hình phạt tử hình, không những là nhu cầu, mà còn là nghĩa vụ của chúng ta.

Cụ thể, trong thi hành hình phạt tử hình, cần tiến hành một số biện pháp sau:

Thứ nhất, phổ biến rộng rãi và tổ chức thực hiện các điều quốc tế, trong đó có các điều ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập. Chủ động nghiên cứu để ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ngoài, trong đó có quy định về thi hành hình phạt tử hình, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống.

Thứ hai, phải nhận thức đầy đủ những thuận lợi, khó khăn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác về tư pháp trong trong có hợp tác về thi hành hình phạt tử hình để chủ động triển khai các hoạt động xây dựng và hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ ba, tiếp tục tranh thủ, vận động thêm các dự án mới, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài, phục vụ việc tìm hiểu kinh nghiệm về thi hành hình phạt tử hình, nghiên cứu, đào tạo cán bộ thi hành hình phạt này, hỗ trợ việc tăng cường năng lực, hiệu quả công tác của các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên trách thi hành hình phạt tử hình thuộc Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Thứ tư, đối với các nước láng giềng như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Cămpuchia, cần tăng cường trao đổi tình hình, kinh nghiệm về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng.

Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nước là áp dụng hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc, cho nên chúng ta cần cử các đoàn cán bộ đi công tác nước này học tập, trao đổi kinh nghiệm để việc thi hành hình phạt tử hình vừa đỡ tốn kém về mặt kinh tế, vừa không gây đau đớn cho người bị kết án.

Đối với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, do quan hệ hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước đã củng cố, phát triển trên một bình diện mới, chúng ta cần giúp đỡ bạn về biên soạn tài liệu, giáo trình giảng dạy, cử giáo viên sang giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thi hành hình phạt tử hình.

Thứ năm, quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành hình phạt tử hình nói riêng, kịp thời báo cáo, tham mưu với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các vấn đề phát sinh.

Hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng phải hướng vào việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước là củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một phần của tài liệu thi hành án tử hình và thực tiễn áp dụng tại tỉnh quảng trị từ năm 2008 - 6-2014 (Trang 47 - 50)