Phương hướng cho giải pháp

Một phần của tài liệu thi hành án tử hình và thực tiễn áp dụng tại tỉnh quảng trị từ năm 2008 - 6-2014 (Trang 38 - 43)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.1.2.Phương hướng cho giải pháp

Trong bộ luật tố tụng hình sự 2003:

Trong gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hoạt động xây dựng pháp luật của nước ta đã được đẩy mạnh ở cả ba cấp độ: lập pháp của Quốc hội, lập quy của các cơ quan Trung ương, lập quy của chính quyền địa phương. Năng lực lập pháp, lập quy của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương ngày càng được nâng cao; cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng được hoàn thiện, mối quan tâm của toàn xã hội đối với hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng tăng. Nhờ vậy mà hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng hình sự nói riêng đã được đổi mới về cơ bản, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực này, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tuy nhiên, việc xây dựng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành án hình sự nói chung, thi hành hình phạt tử hình nói riêng còn chậm trễ, chưa đáp ứng những vấn đề cần nảy sinh trong thực tiễn áp dụng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải hệ thống hóa các quy phạm pháp luật về

thi hành hình phạt tử hình, tạo ra một hệ thống các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình cân đối, hoàn chỉnh, thống nhất, khắc phục tình trạng lỗi thời, mâu thuẫn và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật, làm cho nội dung những quy phạm này phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn thi hành hình phạt tử hình, các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, có hình thức rõ ràng, dễ hiểu, tiện lợi cho việc áp dụng. Việc hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình cần phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự, đó là nguyên tắc pháp chế XHCN, nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc bình đẳng...

Trước mắt, phải hoàn thiện những quy định của BLTTHS hiện hành về thi hành hình phạt tử hình, tức là phải xem xét lại chúng cả về cơ cấu, kỹ thuật lập pháp, nội dung quy phạm để sửa đổi những quy định không hợp lý, bảo đảm tính khoa học, tính chính xác, cụ thể, dễ nhận biết của quy phạm pháp luật. Hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình còn có nghĩa là phải hướng dẫn đầy đủ, thống nhất các quy phạm pháp luật hiện hành còn có vướng mắc trong quá trình nhận thức và áp dụng trong thực tiễn. Theo tôi, hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình như sau:

Thứ nhất, bổ sung khoản 1, Điều 258 BLTTHS năm 2003.

Khoản 1, Điều 258 BLTTHS 2003 chỉ quy định thời hạn người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, nhưng không quy định thời hạn Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số người bị kết án tử hình đang chờ Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm trong các trại giam còn rất lớn. Trong thời gian chờ đợi, không ít người bị kết án tìm cách chống đối, tự sát, bỏ trốn... gây nhiều khó khăn, căng thẳng, phức tạp cho công tác giam giữ.

BLTTHS năm 2003 đã quy định thời hạn ra quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm

của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Bộ luật đã quy định quyền của người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, thể hiện thái độ thận trọng, tôn trọng quyền được sống của công dân, nhưng theo chúng tôi, thời gian xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước cũng cần được pháp luật quy định, bởi lẽ chúng ta đang trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân, vì dân. Đương nhiên, mạng sống của con người là vốn quý, việc xét đơn xin ân giảm đòi hỏi phải có thời gian để có thể xem xét từ các góc độ khác nhau, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, chính xác, cụ thể

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 259 BLTTHS năm 2003. Khoản 1, Điều 250 BLTTHS năm 2003 quy định: "Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành hình phạt tử hình gồm đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an".

BLTTHS năm 2003 quy định Chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án tử hình là hợp lý và phù hợp với quy định tại Điều 256 của Bộ luật:

"Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án", nhưng giao cho Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm thành lập Hội đồng thi hành án là không hợp lý, bởi hai lý do sau:

Một là, trong hệ thống hình phạt, cũng như hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, hình phạt tử hình là một hình phạt chính. Thực tiễn thi hành án hình sự cho thấy, cơ quan công an được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân và trong việc thi hành hình phạt tử hình, cơ quan Công an đang thực hiện các nhiệm vụ như giam giữ người bị kết án, tiến hành công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự cho việc thi hành hình phạt tử hình; kiểm tra căn cước, chuẩn bị pháp trường, tổ chức Đội vũ trang thi hành án, khám nghiệm pháp y, tổ chức mai táng người bị kết án... Vì vậy, giao cho giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành

lập Hội đồng thi hành án tử hình, có đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát tham gia là hợp lý hơn.

Hai là, Tòa án có chức năng chủ yếu là xét xử, cho nên nhiệm vụ thi hành án hình sự, trong đó có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình, nên giao cho các cơ quan chức năng khác thực hiện, thì khách quan hơn và cũng là bớt gánh nặng cho ngành Tòa án.

Thứ ba, sửa đổi khoản 3, Điều 259 BLTTHS năm 2003.

Khoản 3, Điều 259 BLTTHS năm 2003 quy định: "Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn".

Việc thi hành hình phạt tử hình bằng xử bắn có tác dụng răn đe, trấn áp tội phạm, nâng cao khí thế của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, so với hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc đang được thực hiện rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, thì hình thức thi hành hình phạt tử hình còn gặp nhiều hạn chế nên chăng cần sửa đổi hình thức thi hành hình phạt tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc cho phù hợp với Luật thi hành án năm 2010 có hiệu lực 1/7/2011 cũng như phù hợp với việc thi hành hình phạt tử hình đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hiện nay.

Trong luật thi hành án hình sự 2010:

Sự ra đời của Luật thi hành án hình sự 2010 tạo ra bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển của pháp luật Hình sự nói chung, pháp luật tố tụng Hình sự nói riêng. Nổi bật trong đó là quy định về việc thi hành án tử hình đối với tử tù sẽ được thực hiện bằng hình thức tiêm thuốc độc thay vì xử bắn như trước đây. Không những vậy, theo luật mới, trước khi thi hành án, thân nhân của tử tù được gửi đơn đến chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị nhận tử thi về mai táng. Đây là một quy định hết sức nhân đạo và khoan hồng của nhà nước ta đối với tử tù.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt quy định pháp luật mới này của Nhà nước, cần phải có giải pháp nhằm hoàn thiện nó, bao gồm:

Thứ nhất, Chính phủ, Bộ công an và các bộ ngành cần ban hành các văn bản pháp quy dưới luật để quy định rõ cách thức, phương thức, trình tự tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình. Cần quy định rõ chủ thể tiến hành tiêm thuốc độc, các loại thuốc độc cần để tiêm, trình tự tiêm, cách thức xác định cái chết của tử tội…Để có thể đề ra các quy định phù hợp với thực tế Việt Nam, cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm thực tiễn tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình ở các nước bạn như Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ…để thấy rõ các thành công, thất bại trong thực tiễn áp dụng hình thức này ở các nước bạn. Từ đó đề ra các quy định pháp luật phù hợp với Việt Nam.

Thứ hai, cần tổ chức tập huấn kĩ năng về cách thức áp dụng hình thức tiêm thuốc độc cho các bác sĩ pháp y, cán bộ kỹ thuật hình sự, cán bộ trại giam, thẩm phán, kiểm sát viên của các ngành công an, Kiểm sát, Tòa án. Trong các khóa tập huấn này cần phải bổ trợ các kiến thức y học, độc học cho các chức danh tư pháp để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, tổ chức thiết kế các buồng, phòng thi hành án tử hình tiêm thuốc độc ở các tỉnh ,thành phố. Đối với các tỉnh thành phố lớn, trọng điểm cần thiết xây dựng các phòng tiêm thuốc độc hiện đại, trong đó có áp dụng tiêm tự động, điều khiển bằng điện tử. Thông thường một phòng tiêm thuốc độc gồm 3 khu vực: khu vực chuẩn bị tiêm, khu vực dành cho những người chứng kiến tiêm và khu vực đặt giường nằm dành cho tử tội.

Thứ tư, đối với tử tội ở nước ta sẽ áp dụng hình thức tử hình này, cần tổ chức chuẩn bị kỹ các khâu cần thiết để tiến hành tiêm thuốc độc và tuyên truyền trong nhân dân để thấy rõ các ưu việt của biện pháp tiêm thuốc độc so với các biện pháp tử hình khác. Có thể mời đại diện các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện các tổ chức quốc tế đến dự chứng kiến .

Một phần của tài liệu thi hành án tử hình và thực tiễn áp dụng tại tỉnh quảng trị từ năm 2008 - 6-2014 (Trang 38 - 43)