Để tạo được lượng vốn cần thiết, đủ mạnh công ty cần phải tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau có thể là nguồn từ ngân sách, vay ngân hàng, vay từ người lao động .... Trong hoạt động kinh doanh, vốn kinh doanh có vai trò quan trọng đối với việc đổi mới thiết bị công nghệ, thay đổi phương thức kinh doanh, phương thức đáp ứng nhu cầu khách hàng trên thị trường. Bên cạnh các nguồn vốn có thể huy động trong nội bộ doanh nghiệp như phần vốn khấu hao cơ bản để lại doanh nghiệp, phần lợi nhuận không chia, tiền nhượng bán tài sản cố định… mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu vốn kinh doanh có thể dùng các hình thức huy động sau:
- Phát hành cổ phiếu.
- Phát hành chứng khoán có thể chuyển đổi. - Phát hành trái phiếu công ty.
- Vay vốn dài hạn và trung hạn của ngân hàng.
- Sử dụng thiết bị máy móc hiện đại theo hình thức tín dụng thuê mua. - Liên kết đầu tư với các doanh nghiệp trong ngoài nước để cùng phát triển. Để thực hiện được việc huy động vốn qua các hình thức trên, cần chú ý đến các biện pháp chủ yếu sau:
1. Biện pháp huy động nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Đây là nguồn vốn không chiếm tỷ trọng cao trong tổng số vốn của doanh nghiệp nhưng chính nó lại đóng vai trò rất quan trọng, tạo ra nòng cốt vật chất cần thiết cho doanh nghiệp có lượng vốn ban đầu để đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Công ty có quyền đề nghị nhà nước cấp bổ sung đủ 30% vốn lưu động định mức nếu công ty có phương án và chiến lược kinh doanh rõ ràng ở cả tầm ngắn, trung và dài hạn. Nếu buôn bán các mặt hàng mũi nhọn công ty có thể được ưu đãi và được cấp vốn nhiều hơn.
2. Biện pháp huy động nguồn vốn từ ngân hàng.
Nguồn vốn này được công ty quan tâm nhất vì đây là nguồn vốn phát triển hoạt động kinh doanh của công ty, cần nâng cao tỷ lệ khoản vay vốn trung và dài hạn nhất là vốn dài hạn đối với một số mặt hàng chiến lược, có thời gian chu chuyển dài. Bên cạnh đó phải có chính sách tài trợ đối với một số mặt hàng thiết yếu như: giấy vở học sinh, lương thực, một số mặt hàng thực hiện chính sách xã hội… thông qua hỗ trợ lãi suất vay trong một thời gian nhất định.
Công ty cần nắm bắt kịp thời các bộ luật mới về ngân hàng nhà nước, luật tổ chức tín dụng và các luật khác có quan hệ hữu cơ, để khi cần thiết có thể huy động một cách nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật.
Lãi suất là biện pháp kinh tế thiết thực mà cả hai bên khách hàng và ngân hàng đều quan tâm, do là một doanh nghiệp nhà nước nên công ty được ưu đãi hơn về lãi suất vì vậy đây là một khâu quan trọng để giảm giá thành trong quá trình kinh doanh.
3. Tiến hành cổ phần hoá.
Công ty cổ phần là đối tượng tìm nguồn vốn đầu tư, quyết định đầu tư, sử dụng vốn đầu tư phát triển. Hiện nay, việc thành lập công ty cổ phần cũng như thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn diễn ra chậm; như ta đã biết công ty cổ phần là một chủ thể quan trọng để hình thành nên thị trường vốn, do đó nhà nước đang tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các nhà đầu tư mua cổ phần.
Cổ phần hoá là hướng phát triển tốt nhất để huy động vốn và sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Doanh nghiệp có thể tự chủ hơn trong việc sử dụng vốn cũng như trong các quyết định đầu tư.
4. Tiến hành liên doanh, liên kết để cùng phát triển.
Đây đang là xu hướng đang được sử dụng phổ biến trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Nó thường được áp dụng khi hai hay nhiều bên có những lợi thế có thể bổ sung cho nhau từ đó có những thoả thuận hợp tác để cùng phát triển. Do là một doanh nghiệp nhà nước nên công ty không thể tự quyết định liên doanh liên kết khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương vì vậy đây là một hạn chế trong các doanh nghiệp nhà nước nói trên.