Năng suất sinh sản của lợn nái Landrace và Yorkshire 1 Đặc điểm sinh lý sinh dục của lợn Landrace và Yorkshire

Một phần của tài liệu điều tra, đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái landrace và yorkshire nuôi tại xí nghiệp giống lợn mỹ văn - hưng yên (Trang 33 - 36)

4.2.1. Đặc điểm sinh lý sinh dục của lợn Landrace và Yorkshire

Kết quả theo dõi của chúng tôi về đặc điểm sinh lý sinh dục của Landrace và Yorkshire được trình bày ở bảng 4.4

Tuổi phối giống lần đầu

Đây là một chỉ tiêu sinh lý sinh sản cảu lợn cái hậu bị. Chỉ tiêu này đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của lợn cái hậu bị, tuổi phối giống lần đầu sớm hay muộn đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của lợn nái sau này.

Qua bảng 4.4 cho thấy: tuổi đẻ lứa đầu của Landrace và Yorkshire lần lượt là 247,43 ± 4,01 và 246,23 ± 4,62 ngày. Kết quả cho thấy tuổi đẻ lứa đầu của Landrace cao hơn Yorkshire. Tuy nhiên sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Theo Đinh Văn Chỉnh và cs (2001): tuổi phối giống lần đầu của Landrace là 282 ngày, của Yorkshire là 254,11 ngày. Kết quả của chúng tôi có phần thấp hơn, nguyên nhân của sự sai khác này có thể là do chế độ nuôi dưỡng lợn giai đoạn hậu bị gây lên.

Tuổi đẻ lứa đầu

Tuổi đẻ lứa đầu đánh giá được sự thành thục về tính của lợn.

Qua bảng 4.4. cho thấy tuổi đẻ lứa đầu của Landrace và Yorkshire lần lượt là 361,74 ± 4,78 và 359,26 ± 3,65 ngày. Kết quả cho thấy tuổi đẻ lứa đầu của Landrace cao hơn của Yorkshire nhưng sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Đoàn Xuân Trúc và ctv (2001) cho biết: tuổi đẻ lứa đầu của Landrace là 340,7 của Yorkshire là 340,6 ngày. Kết quả của chúng tôi có phần cao hơn của tác giả. Nguyên nhân của sự sai khác này có thể là do chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng khác nhau.

Thời gian mang thai

Thời gian mang thai của các giống tương đối ổn định, giống khác nhau thì thời gian mang thai khác nhau.

Qua bảng 4.4 cho thấy: thời gian mang thai của Landrace và Yorkshire lần lượt là: 114,78 ± 0,26 ngày và 114,30 ± 0,18 ngày. Như vậy thời gian mang thai của Landrace và Yorkshire không có sự sai khác đáng kể, nó nằm trong phạm vi sinh lý mang thai của lợn. Theo Nguyễn Khắc Tích (1975): thời gian mang thai của lợn Landrace là 114,8 ± 1,34 ngày của Yorkshire là 114,7 ± 0,29 ngày. Kết quả theo dõi của chúng tôi phù hợp với kết quả của tác giả do thời gian mang thai của lợn tương đối ổn định.

Thời gian chờ phối

Đây là chỉ tiêu rất quan trọng ảnh hưởng nhiều đến số lứa đẻ/nái/năm. Thời gian chờ phối càng ngắn thì khoảng cách giữa hai lứa đẻ càng ngắn, số lứa đẻ/nái/năm càng cao.

Qua bảng 4.4. cho thấy: thời gian chờ phối của Landrace và Yorkshire lần lượt là: 9,08 ± 0,71 ngày, 8,90 ± 0,79 ngày. Kết quả cho thấy thời gian chờ phối của Landrace cao hơn Yorkshire. Tuy nhiên sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Theo Nguyễn Khắc Tích (1995): thời gian chờ phối của Landrace là 5,04 ± 0,08 ngày của Yorkshire là 4,92 ± 0,08 ngày, kết quả của chúng tôi cao hơn của tác giả. Nguyên nhân của sự sai khác này có thể là do thời gian cai sữa và chế độ nuôi dưỡng trong thời gian nuôi con giữa các cơ sở là khác nhau.

Khoảng cách lứa đẻ

Là khoảng thời gian hình thành một chu kỳ sinh sản bao gồm: thời gian chửa + thời gian nuôi con + thời gian chờ phối. Chỉ tiêu này thể hiện hiệu suất sinh sản của lợn. Khoảng cách lứa đẻ càng ngắn sẽ làm tăng số lứa đẻ/nái/năm có lợi cho sản xuất.

Qua bảng 4.4 cho thấy: khoảng cách lứa đẻ của Landrace và Yorkshire lần lượt là: 153,46 ± 2,35 và 154,18 ± 2,08 ngày. Như vậy khoảng cách lứa đẻ của

Landrace thấp hơn của Yorkshire, tuy nhiên sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Theo Đặng Vũ Bình (1995): khoảng cách lứa đẻ của Landrace là 178,4 ± 10,4, của Yorkshire là 179,0 ± 7,0 ngày. Kết quả của chúng tôi thấp hơn kết quả của tác giả. Sự sai khác này là do thời gian cai sữa ở mỗi nơi khác nhau tức là thời gian nuôi con khác nhau ảnh hưởng đến thời gian động dục trở lại.

Số lứa đẻ/nái/năm

Qua bảng 4.4 cho thấy: số lứa đẻ/nái/năm của Landrace và Yorkshire lần lượt là: 2,25 ± 0,14 và 2,32 ± 0,17 lứa/nái/năm. So với kết quả của Đoàn Xuân Trúc và ctv (2000): khoảng cách lứa đẻ của Landrace là 2,21, của Yorkshire là 2,23 lứa/nái/năm thì kết quả của chúng tôi có phần hơi cao hơn kết quả của tác giả.

Một phần của tài liệu điều tra, đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái landrace và yorkshire nuôi tại xí nghiệp giống lợn mỹ văn - hưng yên (Trang 33 - 36)