Phẩm chất tinh dịch lợn đực Piétrain kháng stress

Một phần của tài liệu Tính năng sản xuất và định hướng chọn lọc nâng cao khả năng sinh trưởng của lợn Piétrain kháng stress (Trang 92 - 96)

- PRRS: tiêm vaccin phòng hội chứng hô hấp sinh sản ở lợn FMD: tiêm vaccin phòng bệnh lở mồm long móng

4.1.1.Phẩm chất tinh dịch lợn đực Piétrain kháng stress

Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực Piétrain kháng stress chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thế hệ, kiểu gen halothane, trại và chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi hai yếu tố năm, mùa vụ (Bảng 3.1). Kết quả công bố của nhiều tác giả đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền và yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực. Kết quả công bố của Do et al. (2013) cho thấy, kiểu gen halothane ảnh hưởng đến thể tích tinh dịch, hoạt lực tinh trùng (P<0,001) và tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác (P<0,05). Bên cạnh kiểu gen halothane, Do et al. (2013) cũng chỉ ra rằng nguồn gốc của lợn đực ảnh hưởng đến thể tích tinh dịch (P<0,05), nồng độ tinh trùng và tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác (P<0,001). Kết quả công bố của Trịnh Hồng Sơn và cs. (2013b) cho thấy, tuổi khai thác, thế hệ, mùa vụ và năm ảnh hưởng rõ rệt (P<0,001) đến hầu hết các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực dòng tổng hợp VCN03. Trịnh Văn Thân và cs. (2010) cũng chỉ ra rằng mùa vụ, giống, phương thức chăn nuôi ảnh hưởng rất rõ rệt đến các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch. Theo Gregor and Hardge (1995), thể tích tinh dịch, hoạt lực tinh trùng, nồng độ tinh trùng và tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như trạm thụ tinh nhân tạo, giống, mùa vụ, kiểu gen halothane. Như vậy, kết quả đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến phẩm chất tinh dịch của lợn Piétrain kháng stress trong nghiên cứu này là phù hợp với kết quả công bố của các tác giả trong và ngoài nước.

Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực Piétrain kháng stress (Bảng 3.2) đều đạt tiêu chuẩn theo quyết định số 1712/QĐ-BNN-CN phê duyệt các chỉ tiêu kỹ thuật đối với giống gốc vật nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2008) quy định đối với lợn đực ngoại sử dụng trong thụ tinh nhân tạo đáp ứng được yêu cầu nhân giống cho sản xuất tại miền Bắc Việt Nam, ngoại trừ hoạt lực tinh trùng thấp hơn (A = 0,78). Tuy nhiên, hoạt lực tinh trùng của lợn đực

Piétrain kháng stress trong nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với kết quả công bố của nhiều tác giả trong, ngoài nước và đặc biệt là kết quả công bố của các tác giả nước ngoài như Smital (2009); Wolf and Smital (2009); Wysokinska et al. (2009); Wolf (2010); Kunowska-Slosarz and Makowska (2011); Knecht et al. (2014).

Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn Piétrain kháng stress (Bảng 3.2) cao hơn kết quả công bố của tác giả Jacyno et al. (2013). Thể tích tinh dịch, hoạt lực tinh trùng, nồng độ tinh trùng của lợn Piétrain kháng stress thấp hơn kết quả công bố của tác giả Kunowska-Slosarz and Makowska (2011) trên lợn Piétrain với các giá trị lần lượt 270,36 ml; 78,95% và 406,53 triệu/ml và cao hơn kết quả công bố của tác giả Kawecka et al. (2008). Thể tích tinh dịch của lợn Piétrain kháng stress cao hơn so với kết quả công bố của Ciereszko et al. (2000) khi nghiên cứu trên lợn Piétrain thuần với thể tích tinh dịch đạt 158,1 ml. Thể tích tinh dịch của lợn đực Piétrain kháng stress (Bảng 3.2) tương tự với kết quả công bố của một số tác giả Smital (2009); Wolf and Smital (2009); Wysokinska

et al. (2009); Wolf (2010); Knecht et al. (2014). Tuy nhiên, nồng độ tinh trùng và tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác của lợn đực Piétrain kháng stress nuôi trong điều kiện nhiệt đới tại miền Bắc Việt Nam lại thấp hơn so với kết quả công bố của các tác giả trên. Kết quả nghiên cứu của Wierzbicki et al.

(2010) trên lợn Piétrain cho thấy, hoạt lực tinh trùng đạt tương tự, thể tích tinh dịch đạt thấp hơn nhưng nồng độ tinh trùng đạt cao hơn so với kết quả ở nghiên cứu này. Kết quả công bố của Kaewmala et al. (2011) trên lợn Piétrain thuần cho thấy, hoạt lực tinh trùng (85,30%) cao hơn, thể tích tinh dịch (244,36 ml) thấp hơn so với kết quả nghiên cứu này (Bảng 3.2). Như vậy, các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực Piétrain kháng stress đều đạt tốt và phù hợp với kết quả công bố của các tác giả trong và ngoài nước.

Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực Piétrain kháng stress qua 4 thế hệ (Bảng 3.3) đạt mức cao và đạt được tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại quyết định số 1712/QĐ-BNN-CN (2008), ngoại trừ hoạt lực tinh trùng của thế hệ 1, 2 và 3 thấp hơn. Khi nghiên cứu ảnh hưởng của thế hệ đến các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực VCN03, Trịnh Hồng Sơn và cs. (2013b) cho rằng thế hệ đã được chọn lọc có các chỉ tiêu về phẩm chất tinh

dịch tốt hơn so với thế hệ xuất phát. Thể tích tinh dịch của lợn Piétrain kháng stress qua các thế hệ có xu hướng giảm, nhưng nồng độ tinh trùng có xu hướng tăng qua các thế hệ (Bảng 3.3). Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả công bố của tác giả Wolf (2009a) khi đánh giá mối tương quan giữa các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch cho rằng, thể tích tinh dịch và nồng độ tinh trùng có mối tương quan âm. Kết quả đánh giá mối tương quan giữa thể tích tinh dịch và nồng độ tinh trùng của lợn đực Piétrain kháng stress đạt mức tương quan yếu (Phụ lục 1) thấp hơn so với kết quả công bố của Wolf (2009a).

Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn Piétrain kháng stress chịu ảnh hưởng bởi kiểu gen halothane (Bảng 3.4). Do đó, việc chọn lọc và sử dụng lợn đực mang kiểu gen CC có thể tích tinh dịch, hoạt lực tinh trùng, tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác và tỷ lệ tinh trùng kỳ hình tốt hơn so với lợn đực mang kiểu gen CT. Như vậy, sử dụng lợn đực Piétrain kháng stress mang kiểu gen CC để khai thác tinh dùng trong thụ tinh nhân tạo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc sử dụng lợn đực mang kiểu gen CT. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn mang kiểu gen CC và CT đều đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại quyết định số 1712/QĐ- BNN-CN (2008), ngoại trừ hoạt lực tinh trùng thấp hơn (Bảng 3.4) và phù hợp với một số kết quả đã công bố. Kết quả công bố của Do et al. (2013) cho thấy, lợn đực mang kiểu gen CC có thể tích tinh dịch (281,39 ml), hoạt lực tinh trùng (78,55%), tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác (103,52 tỷ/lần) sai khác rõ rệt (P<0,001) so với lợn đực mang kiểu gen CT (236,43 ml; 74,39% và 91,49 tỷ/lần). Kết quả công bố của Phan Xuân Hảo (2001) cho thấy, lợn đực Landrace mang kiểu gen halothane đồng hợp tử trội (CC) có tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác cao hơn 1,4 tỷ/lần so với lợn đực mang kiểu gen dị hợp tử (CT) và ở lợn đực Yorkshire là 1,07 tỷ/lần. Kết quả công bố của Gregor and Hardge (1995) cho thấy, lợn đực mang kiểu gen CC có thể tích tinh dịch (247,1 ml), tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác (77,1 tỷ/lần) sai khác có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với lợn mang kiểu gen CT (237,1 ml và 73,7 tỷ/lần).

Thể tích tinh dịch, tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác của lợn đực Piétrain kháng stress nuôi trong điều kiện chuồng kín tại Trung tâm Giống lợn có xu hướng tốt hơn khi nuôi trong điều kiện chuồng hở tại trại Đồng Hiệp (Bảng 3.5). Tuy nhiên, các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực Piétrain kháng stress nuôi tại Trung tâm Giống lợn và trại Đồng Hiệp đều đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại quyết định số 1712/QĐ- BNN-CN (2008), ngoại trừ hoạt lực tinh trùng của lợn đực Piétrain kháng stress nuôi tại Trung tâm Giống lợn thấp hơn (Bảng 3.5). Kết quả công bố của Trịnh Văn Thân và cs. (2010) cho thấy, lợn đực nuôi theo phương thức bán công nghiệp có thể tích tinh dịch (249,619 ml), hoạt lực tinh trùng (0,833), tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác (48,944 tỷ/lần) cao hơn so với lợn đực nuôi theo phương thức công nghiệp (216,186 ml; 0,797; 38,648 tỷ/lần). Như vậy, việc nuôi dưỡng, sử dụng lợn đực giống trong điều kiện được kiểm soát tốt về tiểu khí hậu chuồng nuôi hoặc với phương thức chăn nuôi mà lợn đực được vận động, tiếp xúc với điều kiện tự nhiên có thể ảnh hưởng tốt đến các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch.

Các chỉ tiểu về phẩm chất tinh dịch của lợn Piétrain kháng stress theo mùa trong năm (Bảng 3.6) cao hơn so với kết quả công bố của Kazimierz and Krzysztof (2011) khi nghiên cứu trên lợn Piétrain tại Ba Lan. Kết quả công bố của Smital (2009) và Wysokinska et al. (2009) cho thấy phẩm chất tinh dịch của lợn Piétrain tốt nhất ở mùa Đông và mùa Xuân tiếp đến mùa Thu và thấp nhất mùa Hè. Wierzbicki et al. (2010) cũng chỉ ra rằng nồng độ tinh trùng, hoạt lực tinh trùng và tổng số tinh trùng tiến thẳng ở mùa Đông (642,02 triệu/lần, 72,68% và 94,14 tỷ/lần) cao hơn so với mùa Hè (590,87 triệu/ml, 72,51% và 92,72 tỷ/lần) và thể tích tinh dịch không có sự khác biệt giữa các tháng trong năm. Trịnh Văn Thân và cs. (2010) cũng cho thấy hoạt lực tinh trùng, nồng độ tinh trùng, tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần khai thác ở vụ Đông Xuân (0,817; 242,318 triệu/ml và 44,849 tỷ/lần) cao hơn so với vụ Hè Thu (0,813; 228,563 triệu/ml và 42,743 tỷ/lần). Kết quả nghiên cứu của Do et al. (2013) cũng cho thấy nồng độ tinh trùng thấp nhất ở tháng 7 (mùa Hè), cao nhất vào tháng 10 và 11 (mùa

Đông). Kết quả nghiên cứu của Barranco et al. (2013) cho thấy, hoạt lực tinh trùng đạt cao ở mùa Đông (80,93%), mùa Xuân (80,47%) và có xu hướng thấp hơn ở mùa Hè (77,62%), mùa Thu (76,21%). Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực Piétrain kháng stress ở các mùa trong nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với kết quả công bố của các tác giả, đặc biệt là các tác giả nước ngoài. Việc khai thác lợn đực giống ở mùa Hè, Thu cần thiết có các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của điều kiện môi trường đến các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch, cũng như có các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý nhằm nâng cao các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực giống.

Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực Piétrain kháng stress đạt tốt và phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quyết định số 1712/QĐ-BNN-CN đối với lợn ngoại khai thác tinh dùng trong thụ tinh nhân tạo, ngoại trừ hoạt lực tinh trùng còn thấp hơn so với quy định này. Thế hệ ảnh hưởng đến thể tích tinh dịch, nồng độ tinh trùng, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình. Sử dụng lợn đực Piétrain kháng stress mang kiểu gen halothane đồng hợp tử trội (CC) có thể cải thiện các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch tốt hơn so với lợn mang kiểu gen dị hợp tử (CT). Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn Piétrain kháng stress tốt hơn vào mùa Đông, Xuân, đạt khá vào mùa Thu và kém hơn vào mùa Hè ở điều kiện chăn nuôi miền Bắc nước ta.

Một phần của tài liệu Tính năng sản xuất và định hướng chọn lọc nâng cao khả năng sinh trưởng của lợn Piétrain kháng stress (Trang 92 - 96)