3. MỤC ĐÍCH VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ
3.7. ĐIỂM MẠNH VÀ NHỮNG HẠN CHẾ CỦA PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ
Đợt đánh giá này được thiết kế để có thể đưa ra những thông tin sâu và cụ thể nhằm xem xét khả năng đưa các dịch vụ và hoạt động trở thành mô hình thực hiện trong các chương trình quốc gia. Nhằm đạt mục đích này, các phương pháp chính được sử dụng là phỏng vấn cấu trúc, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm trọng tâm. Những người được lựa chọn để tham gia cung cấp thông tin gồm người hưởng lợi (nạn nhân mua bán người), gia đình và cộng đồng của người hưởng lợi, cơ quan thực hiện (Cục và Chi cục PCTNXH, cán bộ Trung tâm Tiếp nhận, dịch vụ chuyển tiếp) hoặc có tham gia các hoạt động tương tự và có liên quan, như Hội Phụ nữ và các tổ chức phi chính phủ. Các phương pháp định tính cho phép khám phá các yếu tố dẫn đến thành công cũng như những trở ngại mà dự án gặp phải. Các Chi cục PCTNXH tại các tỉnh và các bên liên quan tích cực hỗ trợ nhóm đánh giá nhằm đảm bảo thành công của đợt đánh giá này. Việc sử dụng phương pháp định tính cho phép tìm hiểu sâu các vấn đề khác nhau.
Đợt đánh giá này cũng gặp phải một số hạn chế do không phải lúc nào cũng thực hiện được đúng theo khung và phương pháp đánh giá đã xây dựng ban đầu. Nhóm đánh giá có sự thay đổi về thành viên khi đi tới các địa bàn khác nhau, và do có những chuyến thực địa không có đủ tất cả các thành viên nhóm nên việc tổng hợp thông tin có những khó khăn nhất định. Trong một số trường hợp, người tham gia cung cấp thông tin không được lựa chọn theo đúng hướng dẫn. Tại một tỉnh, người hưởng lợi của dự án (phụ nữ bị mua bán) đã từng ở Trung tâm Tiếp nhận, nhưng sau đó lại được chuyển sang hỗ trợ tái hòa nhập theo một dự án khác, do vậy họ có thể nói về các dịch vụ tại Trung tâm, nhưng lại không thể nhận xét gì về hỗ trợ kinh tế và chương trình của Trung tâm, mà đó mới là hợp phần quan trọng trong phần cung cấp dịch vụ trực tiếp của mô hình.