Thay đổi hợp đồng kinh tế
Thay đổi hợp đồng kinh tế là việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của nội dung hợp đồng kinh tế cho phù hợp với nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh của các bên hoặc là sự thay đổi chủ thể hợp đồng khi có sự chuyển giao một phần hoặc toàn bộ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh từ một chủ thể hợp đồng kinh tế sang một pháp nhân hay một cá nhân có đăng ký kinh doanh.
Hợp đồng kinh tế chỉ được thay đổi khi đã được các bên thống nhất ý chí bằng văn bản.
Đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế
• Đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế là sự chấm dứt nửa chừng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau trong hợp đồng đã ký.
• Hợp đồng kinh tế có thể bị đình chỉ khi:
◦ Bên bị vi phạm hợp đồng đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế nếu thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không có lợi cho mình trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng và đã thừa nhận sự vi phạm đó hoặc đã được cơ quan toà án có thẩm quyền kết luận là có vi phạm.
◦ Các bên thoả thuận với nhau bằng văn bản
◦ Hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ. Một hợp đồng bị coi là vô hiệu toàn bộ thì đương nhiên bị đình chỉ theo kết luận của toà án kinh tế có thẩm quyền hoặc tổ chức trọng tài kinh tế đã được các bên chọn.
Thanh lý hợp đồng kinh tế
• Thanh lý hợp đồng kinh tế là hành vi của các chủ thể hợp đồng kinh tế nhằm kết thúc một quan hệ hợp đồng kinh tế.
• Các bên phải cùng nhau tiến hành thanh lý hợp đồng trong các trường hợp - Hợp đồng kinh tế đã thực hiện xong
◦ Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng đã hết và không có sự thoả thuận kéo dài thời hạn đó.
◦ Hợp đồng kinh tế bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ.
◦ Hợp đồng kinh tế không được tiếp tục thực hiện khi thay đổi chủ thể mà không có sự chuyển giao thực hiện hợp đồng cho chủ thể mới.
◦ chủ thể hợp đồng kinh tế là doanh nghiệp bị giải thể.
• Thời hạn quy định để các bên thanh lý hợp đồng là 10 ngày kể từ ngày phát sinh các sự kiện nói trên. Quá thời hạn đó mà hợp đồng không được thanh lý các bên có quyền yêu cầu toà án kinh tế có thẩm quyền hoặc tổ chức trọng tài kinh tế giải quyết.
• Nội dung của việc thanh lý hợp đồng kinh tế gồm các công việc sau:
◦ Xác minh rõ mức độ thực hiện nội dung công việc đã thoả thuận trong hợp đồng của các bên, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lý hợp đồng.
◦ Xác định các khoản thuộc trách nhiệm tài sản, hậu quả pháp lý của các bên trong quan hệ hợp đồng (nếu có) do phải thanh lý trước khi hợp đồng hết hiệu lực.
Tất cả các nội dung đó phải được ghi nhận bằng văn bản và các bên cùng ký vào văn bản đó. Kể từ thời điểm đó quan hệ hợp đồng coi như chấm dứt nhưng riêng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác nhận trong văn bản thanh lý hợp đồng vẫn còn hiệu lực pháp luật cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ của mình.