Diện tích đất canh tác Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới, đất canh tác chỉ khoảng 0,12 ha/người. Trong khi những mảnh đất màu mỡ cứ ít đi, nhường chỗ dần cho những khu công nghiệp, sân golf thì mỗi năm dân số tăng khoảng 1 triệu người. Đất nông nghiệp không thể phục hồi hoặc có thể thì rất ít. Tuy trước mắt Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu lương thực khá ổn định, an ninh lương thực cấp quốc gia chưa phải là điều đáng lo ngại. Nhưng cứ với tốc độ chuyển đổi đất như hiện nay sẽ đặt cho tương lai nhiều thách thức. Đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta được phân bố qua bảng sau:
Bảng 2.2: Phân bố diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các vùng trên cả nước
Vùng Diện tích
ha %
Đồng bằng sông Hồng 802,6 8,5
Trung du và miền núi phía Bắc 1423,2 15,1
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 1758,3 18,7
Tây Nguyên 1626,9 17,3
Đông Nam Bộ 1248,7 13,3
Đồng bằng sông Cửu Long 2560,6 27,2
Tổng 9420,3 100
(Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, năm 2009)
Việt Nam có tổng diện tích tự nhiên là 33.105,10 ha, với diện tích đất nông nghiệp là 25.127,3 ha chiếm 75,9% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 9.598,8 ha chiếm 38,2% diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp là 14.757,8 ha chiếm 58,73% diện tích đất nông nghiệp. Với các vùng đất nông nghiệp trù phú như đồng bằng sông Hồng rộng
802,6 ha, đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2560,6 ha, nhưng hiện chúng đều bị chia nhỏ, manh mún. Mặt khác, đất nông nghiệp đang bị chuyển đổi tùy tiện sang các mục đích phi nông nghiệp khác diện tích ngày càng bị thu hẹp dần.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 130 triệu dân vào năm 2035, Việt Nam phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Muốn đạt được con số trên, nước ta phải duy trì tối thiểu 3 triệu hecta đất lúa 2 vụ để có thể gieo trồng bình quân 6 triệu hecta/năm. Trong khi đó, một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với tình trạng đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Theo thống kê, mỗi năm bà con mất tới 73.000 ha đất, chưa kể kỹ thuật sản xuất lạc hậu, sâu bệnh, thiên tai phá hoại, biến đổi khí hậu... khiến nguy cơ tổng sản lượng lương thực của nước ta sẽ giảm khoảng 5 triệu tấn vào năm 2030 rất dễ xảy ra.
Vì vậy, vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm đang là một áp lực rất lớn. Do đó việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất nông nghiệp càng trở nên quan trọng đối với nước ta.